Từ điểm nóng xói lở, bờ biển Cửa Đại thành không gian xanh vì cộng đồng

Do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, khu vực bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) hàng năm bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân.

Dự án xanh vì cộng đồng

Để giải quyết thực trạng trên, dự án Công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại đã được triển khai với mục tiêu phủ xanh bờ biển, tạo điểm vui chơi giải trí cho người dân địa phương và du khách.

Sau khi công trình Hỗ trợ phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại thông qua hành lang xanh và công viên sinh thái ven biển cho thành phố Hội An, Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị (ICUE) xung quanh dự án này.

TS Nguyễn Hồng Hạnh

TS Nguyễn Hồng Hạnh

Dự án chống xói lở Cửa Đại đã được đưa vào khai thác, quá trình triển khai dự án này được thực hiện thế nào thưa bà?

Khoảng 10 năm trở lại đây, khoảng 7km bờ biển Hội An bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm bị sạt lở từ 3 - 5m mỗi năm. Ảnh hưởng lớn đến kinh tế và hạ tầng kỹ thuật, xã hội, dịch vụ, du lịch, đời sống dân sinh, cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái ven biển.

Với tư cách là thành viên của Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), khi biết thông tin nguồn vốn hỗ trợ cho dự án nhỏ liên quan đến biến đổi khí hậu, Viện đã đề xuất tham gia.

Bờ biển Cửa Đại được lựa chọn bởi Hội An là đô thị cổ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, việc giữ gìn và bảo tồn được những kiến trúc cũng như là di sản có vai trò quan trọng.

Khu vực nghiên cứuxói lở bờ biển Cửa Đại là khu vực ven biển thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Phạm vi quy hoạch hành lang xanh bờ biển Cửa Đại có chiều dài 3,2km, chiều rộng từ 140 - 670m.

Lấy cảm hứng từ danh sách các loài chim hoang dã ở cồn cát Cửa Đại, công viên có diện tích 1 hecta, bao gồm nhiều không gian xanh mát, sân chơi đa năng và khu thể thao hiện đại bao gồm các hạng mục: vỉa hè tiếp cận được cho người đi xe lăn, kết nối đường xe đạp an toàn, chỗ đỗ xe đạp, khu bàn ghế picnic, các trạm phân loại rác thải, các bảng biển thông tin sinh thái và môi trường.

Các không gian xanh khác của công viên bao gồm khu sinh cảnh, khu thấm nước tự nhiên và khu thúc đẩy tái sinh tự nhiên. Nằm giữa vòng ôm của các khu "xanh" này là hai sân chơi đa năng và và khu tập thể dục, sân bóng rổ, bóng chuyền hơi, sân chơi vẽ trên nền.

Bên cạnh đó, công viên cũng được bố trí bảng thông tin hệ sinh thái bản địa, các loài chim trong sách đỏ, các loài cây bản địa cũng như ý tưởng của toàn dự án nhằm cung cấp kho kiến thức, tư liệu...

Dự án này có tác động thế nào đến đời sống người dân khu vực?

Dự án của Viện là một trong số 25 đề xuất được chọn trong tổng số gần 500 đề xuất của toàn cầu. Kết quả đó là một niềm vui rất lớn đối với chúng tôi nhưng cũng gắn với trách nhiệm rất nặng nề.

Đó chính là động lực thôi thúc việc hình thành một hành lang xanh bởi dù kinh phí rất ít, hệ thống hành lang cây xanh bảo vệ bờ biển với các lớp thực vật chọn lọc giúp chắn gió, chống xói lở, tạo môi trường sống cho hệ động thực vật bản địa.

Khu sinh cảnh tự nhiên cho chim hoang dã, góp phần giữ gìn sự đa dạng sinh học ven biển, góp phần để nơi đây thực sự trở thành "lá phổi xanh", không gian sinh hoạt công cộng.

Hạnh phúc khi sản phẩm phát huy hiệu quả

Triển khai dự án mang tính cộng đồng, khó khăn lớn nhất là gì?

Tất cả khâu hồ sơ chúng tôi làm qua hệ thống online hoàn toàn không gặp trực tiếp phía hỗ trợ vốn. Đối với các tổ chức quốc tế hợp tác và họ tài trợ vốn, các hạng mục xây dựng làm đúng dự toán, không làm hạng mục nào sẽ bị trừ kinh phí vì thế không bao giờ có bất kể phát sinh gì khác ngoài dự toán.

Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nữa là sản phẩm của mình đem lại cho cộng đồng dân cư ở đây không gian xanh giúp cho cuộc sống tinh thần người dân được nâng cao, những sản vật của địa phương ở đó người dân có thể kinh doanh để bán cho khách du lịch.

Một góc dự án chống xói lở biển Cửa Đại.

Để các nhà khoa học đóng góp được cho xã hội thêm nhiều dự án có ý nghĩa, theo bà cần thêm những điều kiện gì?

Qua quá trình hoạt động,chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương, về mặt thủ tục pháp lý rất đầy đủ và chính sản phẩm khi đã đầy đủ hồ sơ rồi thì triển khai thuận lợi hơn.

Chúng tôi chỉ muốn có nhiều dự án của nước ngoài hơn, mà dự án trong nước nếu như để cải tiến được những hoạt động, công nghệ hay tất cả các dự án của Việt Nam từ tư vấn cho đến đầu tư xây dựng thì áp dụng cách của nước ngoài. Cách thức này minh bạch, hiệu quả, công trình đạt được giá trị cao.

Việc phát triển các dự án cộng đồng là hướng mà tôi đã lựa chọn từ trước. Chúng tôi luôn muốn hướng đến làm thế nào tốt nhất cho cộng đồng trong phạm vi khả năng của mình.

Tuy vậy, để các nhà khoa học được phát huy và đóng góp cống hiến cho đất nước cần tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật để người làm khoa học không phải lo về những chuyện hóa đơn, chứng từ.

Điều bà tâm đắc nhất khi thực hiện dự án này?

Quá trình nghiên cứu thực địa, với sự cộng tác của Trung tâm Bảo tồn chim hoang dã khu vực miền Trung - Nhóm nghiên cứu sinh thái học, ICUE đã phát hiện ra một khu vực ven biển phường Cửa Đại có một vùng trũng ngập nước, khu vực này có 103 loài chim, trong đó có 11 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới cần bảo vệ.

Nhận thấy rằng đây là một yếu tố mới rất quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với các động vật hoang dã đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, IUCE đã quyết định trích một phần kinh phí của dự án để tổ chức trồng một số loài cây phù hợp, nhằm bảo vệ vùng trũng ngập nước này tránh bị xâm phạm của con người cũng như động vật, để chim di cư có thể tiếp tục về an trú.

Dự án "Hỗ trợ phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại thông qua hành lang xanh và công viên sinh thái ven biển" có tổng mức hỗ trợ 116.000 euro với 3 hạng mục chính gồm: Quy hoạch và xây dựng Hành lang xanh ven biển Cửa Đại (chiều dài toàn tuyến khoảng 3,2km với 5 khu chức năng chính); xây dựng Công viên sinh thái ven biển Cửa Đại (Công viên Âu Cơ - 10.000m²); bảo tồn khu vực sinh cảnh chim hoang dã tại đầm lầy ven biển (diện tích khoảng 20ha). Dự án được thực hiện từ tháng 7/2023 và bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 16/5/25.

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tu-diem-nong-xoi-lo-bo-bien-cua-dai-thanh-khong-gian-xanh-vi-cong-dong-192250527090643431.htm