Từ chạy chợ giao hàng đến bà chủ thương hiệu Vua Cua
Chị Đoàn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại & Dịch vụ Vua Cua từng khởi từ việc chạy chợ giao hàng hải sản.
Khởi nghiệp từ chạy chợ giao hàng cho các cửa hàng hải sản, bằng nỗ lực và cách làm riêng, chị Đoàn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại & Dịch vụ Vua Cua (quận Tân Bình, TP.HCM) đã xây dựng thành công thương hiệu Vua Cua, đưa sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.
Bình dân hóa hải sản
Vua Cua là một trong những thương hiệu quen thuộc đối với những người yêu thích hải sản. Ngoài ăn tại các nhà hàng sang trọng, lịch sự, người ta cũng bắt gặp những chiếc xe bán hải sản Vua Cua (Vua Cua Bike) lưu động trên các tuyến phố.
Founder (người sáng lập) Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư gọi đó là cách bình dân hóa các món ăn từ hải sản, thay đổi quan điểm "hải sản là đắt, ăn hải sản là tốn tiền".
Theo nữ doanh nhân, cua là sản phẩm xương sống, những món ăn chế biến từ cua đã tạo nên thương hiệu như cua Cà Mau, cua xốt chảo, cua xốt tiêu đen... Vua Cua còn nhiều món khác như tôm hùm, vẹm, ốc hương, sò điệp và các món nước xốt đóng hộp xốt cajun, bơ tỏi hay trứng muối...
Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của Vua Cua bày bán trên kệ các siêu thị, chợ của Mỹ như:Hong Kong 4 Food Market; Cà Mau Food Market (Texas); Tan Dinh Food Market (Houston)...
Theo tính toán, không lâu nữa, 90% doanh thu Vua Cua đến từ việc xuất khẩu 3 dòng sản phẩm chính: nước xốt hoàn chỉnh, cua và hải sản sơ chế cấp đông, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng như bánh canh cua, miến xào cua, xôi cua, lẩu riêu cua…
Vua Cua ra đời từ giữa năm 2016. Tuy nhiên, doanh nhân Đoàn Thị Anh Thư được biết nhiều hơn sau chương trình Shark Tank mùa 4. Chị kêu gọi 3,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần doanh nghiệp để phát triển ý tưởng về Vua Cua Bike - mô hình bán cua lưu động. Chị gọi vốn thành công từ Shark Liên với mức góp vốn 3,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Shark Liên cho biết, bà rất coi trọng yếu tố con người khi đầu tư: "Vua Cua có đội ngũ điều hành đầy nhiệt huyết với tầm nhìn mang đậm tinh thần nhân văn - mang món đặc sản được mặc định là xa xỉ của Việt Nam đến với tầng lớp bình dân. Tôi muốn các bạn trẻ coi Thư là một tấm gương, một người cần học hỏi".
Thay đổi để chinh phục thị trường Mỹ
Những ngày giữa tháng 9, chị Thư vẫn đang căng sức để vừa phát triển thị trường Mỹ, vừa lo phát triển cho 22 tiệm Vua bánh canh và 2 nhà hàng Vua Cua ở quê nhà.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị ví von rằng: "Bước vào thị trường lớn như chọn một người bạn đời để kết hôn, gắn bó, yêu thương nên cũng cần cẩn thận trọng, rõ ràng".
Theo chị, hàng hóa xuất khẩu thị trường Mỹ sẽ thu được nhiều giá trị. Cùng một sản phẩm đó, ở Việt Nam chỉ thu được 100 nghìn, ở Mỹ có thể nhân 2-3 lần. Song thị trường này cũng tương đối cạnh tranh, đặc biệt là thương hiệu chưa được định vị.
Đơn cử như hải sản chế biến sẵn và cấp đông rất cạnh tranh bởi Mexico, nước láng giềng của Mỹ có nguồn cua dồi dào, giá thành rẻ, người Mỹ ưa chuộng. Trong khi đó, cua Cà Mau nói chung, Vua Cua nói riêng bị ép giá, chật vật trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Để giải bài toán này, chị đã đổi tên thương hiệu Vua Cua sang tiếng Anh là "Sea King" để tiếp cận với người bản xứ. Công thức sẽ điều chỉnh theo khẩu vị người Mỹ, với nguyên liệu cốt lõi là cua Cà Mau của Việt Nam. Và các sản phẩm "ready-to-eat" chế biến sẵn từ hải sản như bánh canh cua, xôi cua… mà người ăn có thể hâm nóng và sử dụng ngay.
"Trong tương lai Sea King sẽ bán thêm nhiều sản phẩm khác ra thị trường. Sea King sẽ là câu chuyện được kể trong hành trình sắp tới của Vua Cua tại thị trường Mỹ", chị Thư nói.
Tự tay vào bếp, dần kéo lại khách hàng
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Thư cho biết, chị có sở thích ăn cua và đam mê kinh doanh, vì thế chị đã chọn cua là mặt hàng khởi nghiệp. Những ngày đầu, chị bỏ mối cho các nhà hàng, bán online qua mạng xã hội.
Thời gian đó, chị cũng mày mò chế thêm các loại nước xốt theo suy nghĩ và khẩu vị của mình. Chị không ngờ, những sản phẩm đầu tay được thị trường đón nhận ngày một đông, cửa hàng Vua Cua đầu tiên ra đời. Nhưng chị cũng không ngờ được rằng, nó bị đóng cửa ngay sau đó do chị thiếu kinh nghiệm vận hành và thua lỗ.
Kể chuyện với PV, chị Thư cũng thẳng thắn thừa nhận, thời gian đầu chị yếu về quản lý tài chính, đã có lần suy sụp khi sau một thời gian kinh doanh nợ 5 tỷ đồng mà không biết nguyên nhân từ đâu. Bởi chị không vung tay quá trán, không lấy bất cứ một đồng tiền nào của công ty để tiêu xài cá nhân.
Một thời gian dài, chị giao toàn quyền cho nhân viên cấp dưới thay vì trực tiếp nghe phản hồi của khách hàng. Trong thời gian dài, chất lượng món ăn của Vua Cua xuống dốc.
Tự cân bằng lại bản thân, chị tỉ mỉ ngồi rà lại sổ sách, phân tích kỹ các nguyên nhân rồi tìm cách khắc phục. Đồng thời, tự tay vào bếp chế biến món ăn, từng bước kéo lại khách hàng.
Nhờ quãng thời gian đó, chị rút được ra nhiều kinh nghiệm, trong đó có xây dựng mục tiêu phát triển doanh nghiệp, xây dựng quy trình vận hành đối với từng bộ phận, dựa trên những góp ý, phản hồi khách hàng với mong muốn sản phẩm càng ngày càng hoàn thiện…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8/2024, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đà hồi phục với mức tăng trưởng 20%, đạt gần 953 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cua, Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi cua lớn nhất nước với hơn 280.000ha. Tổng giá trị sản lượng cua bình quân mỗi năm gần đây đạt gần 10.000 tỷ đồng. Cua Cà Mau được xem là ngành hàng chủ lực của tỉnh (chỉ đứng sau tôm). Cua Cà Mau tươi sống đã được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...