TS. Lê Huy Bình: Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ kích thích đầu tư tư nhân trong năm 2022
'Chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi vào cộng đồng doanh nghiệp Việt, kỳ vọng ở FDI, hy vọng ở môi trường đầu tư thuận lợi hơn', TS.Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam chia sẻ với báo chí.
Ông có thể cho biết cảm nhận về trạng thái bước vào năm 2022 khi nói về chủ đề phát triển kinh tế xã hội?
- Đầu năm 2021, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là ngôi sao sáng về tốc độ tăng trưởng và khả năng kiềm chế dịch bệnh. Tuy nhiên, những quý tiếp theo chúng ta đã phải chứng kiến những thay đổi về dịch bệnh, từ đó kéo theo thay đổi về tốc độ tăng trưởng.
Những thay đổi đó đã đưa chúng ta vào một trạng thái rất hồi hộp khi bước sang năm 2022, một năm được dự báo sẽ còn nhiều thách thức nhưng cũng có rất nhiều cơ hội.
TS.Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam.
Chúng ta nói về cơ hội trước. Đó là những cơ hội nào, tới từ đâu thưa ông?
-Cơ hội đầu tiên tôi nói tới, đó là sự phục hồi của một số bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…Sự phục hồi này cho ta thấy niềm hi vọng về nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Cơ hội này đã hiện thực hóa trong thời gian qua, cụ thể là con số 660 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm 2021.
Cùng với đó chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi vào cộng đồng doanh nghiệp. Khả năng thích ứng của doanh nghiệp, tinh thần doanh nhân Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam đã được khẳng định. Trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ đáp ứng được thị trường. Và có… doanh nghiệp thành lập mới.
Chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào sự phục hồi của dòng vốn FDI khi nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam. Điều này đã được chứng minh trong năm 2021.
Chúng tôi cũng kỳ vọng môi trường đầu tư trong nước thuận lợi hơn cũng sẽ tiếp tục kích thích đầu tư tư nhân. Ta cũng có thể kỳ vọng vào đầu tư công giai đoạn mới bắt đầu tăng mạnh khu khó khăn của dịch bệnh đã qua đi. Từ đó sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Và còn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội mới thông qua khi đi vào cuộc sống sẽ tác động rất tích cực đến kinh tế 2022 và những năm tiếp theo.
Đó là những niềm hi vọng, những cơ hội mà chúng ta có thể trông chờ trong năm 2022.
Nhưng như nhiều dự báo phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Và theo ông đâu là thách thức lớn, trở ngại lớn?
-Những trở ngại, những thách thức của môi trường kinh tế toàn cầu khi căng thẳng thương mại giữa các quốc gia và lạm phát tại một số nước tăng cao…sẽ tác động khá nhiều đến Việt Nam.
Chương trình phục hồi kinh tế với quy mô lớn chưa từng có sẽ có tác động tích cực nhưng cũng đặt ra thách thức, đó là làm sao đúng liều lượng, hiệu quả, giám sát chặt chẽ nhất để đảm bảo không ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, đặc biệt là lạm phát.
Những rủi ro đó là không thể loại trừ và chúng ta cần dự trù để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Thách thức nữa là chúng ta đã lỡ mất cơ hội năm 2021 - năm mở đầu thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 vì dịch bệnh. Như vậy, trọng trách của năm 2021 đã dồn lên năm 2022.
Và năm 2022 chúng ta sẽ phải thực hiện rất nhiều các hoạt động về cải cách kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, của cả giai đoạn, thậm chí xa hơn nữa, chứ không chỉ là giải bài toán phát triển kinh tế của riêng năm 2022.
Bởi vậy, những quyết sách của chúng ta, không chỉ hướng tới tăng trưởng của 2022 mà phải hướng đến đặt nền móng tăng trưởng đến 2025, 2030 thậm chí xa hơn nữa.
Vậy để kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo, và để phát triển bền vững, chúng ta cần gì?
-Năm 2022 ta cũng chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách để tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng xanh đối với Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Mục tiêu này chắc chắn cũng sẽ có tác động đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, năm 2022 chúng ta sẽ đi những bước đầu tiên về mặt chính sách, xây dựng chính sách, hành động của Chính phủ của DN, người dân để thực hiện các mục tiêu này.
Để có thể phát triển bền vững thì tiền đề đầu tiên là phải có sự phát triển. Sự phát triển này phải lành mạnh trong một quá trình dài dựa trên nền tảng vững vàng về kinh tế vĩ mô về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thân thiện, chi phí kinh doanh thấp.
Sự phát triển này cần phải dựa trên nền tảng của kinh tế thị trường, đảm bảo được sự phát triển đó có định hướng vì mục đích dài hạn, trong đó các tác nhân khác nhau đều bình đẳng trước pháp luật. Lấy quy định pháp luật làm chủ thể chính, nguyên tắc chính trong quá trình phát triển.
Chúng ta cần có thể chế tốt và nguyên tắc của thị trường được đảm bảo, hoạt động của thị trường luôn luôn minh bạch. Sự cạnh tranh giữa các thành phần – chủ thể khác nhau trong nền kinh tế luôn đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường.
Và tăng trưởng phải mang lại lợi ích cho mọi người. Nền tảng đầu tiên để phát triển bền vững là phát triển đồng đều, công bằng, minh bạch mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội, ở bất cứ khu vực nào.
Duy trì được nền tảng này cộng với có chính sách phù hợp thì sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sức chống chọi trước những biến cố, những ngoại cảnh bất thường xảy ra, trước cả sự cạnh tranh với các nền kinh tế khác trên toàn cầu.
Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng của phát triển bền vững. Năng lực cạnh tranh tự thân của doanh nghiệp được nâng cao. Doanh nghiệp có khả năng chống chịu cao, có chiến lược phòng ngừa rủi ro hợp lý doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững và đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của cả đất nước.
Từ đó, chúng ta hướng ra những mục tiêu khác nữa như các vấn đề về xã hội, môi trường…là những thứ chúng ta cần phải lồng ghép trong quá trình tăng trưởng để đạt được sự bền vững.
Hà Nguyễn (ghi)