Truyện ngắn: Nốt nhạc đầu tiên

Thời gian này lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường...

Minh họa: Vietpink.

Minh họa: Vietpink.

Nhưng trong kí ức của tôi, không có một dấu vết nào của ngày khai trường đầu tiên, chắc là hồi ấy nhỏ quá nên không nhớ, hoặc cũng không có điều đặc biệt để khắc cốt ghi tâm.

Cho đến giờ, khi đã rời ghế nhà trường hai mươi năm thì hằn sâu trong tâm trí tôi vẫn là ngày khai trường năm lớp 6 - “nốt nhạc đầu tiên” ngân mãi cùng tiếng cười khúc khích... Những mùa Thu sau này, mỗi lần nghe tiếng trống tựu trường thì tôi lại nhớ đến cái ngày hôm ấy, ngày tôi tự vỡ được bài học đường đời. Và tôi gọi nó là NGÀY TRỌNG ĐẠI.

Chuyện đầu đuôi thế này:

Sự là xong lớp 5, tôi là học sinh duy nhất của phân trường làng vinh dự có mặt trong lớp 6A, lớp chọn của một ngôi trường bề thế của huyện. Thấy tôi bảnh chưa? Chắc chỉ có trời mới biết tôi đã hãnh diện thế nào khi mình nghiễm nhiên trở thành nhân vật lẫm liệt của làng. Tôi cứ hất mặt lên với mấy bạn cũ và luôn tít mắt hả hê nếu được người lớn ngợi khen. Hỡi ôi, một đứa trẻ kiêu căng xốc nổi sẽ không bao giờ lường trước được những tai họa sắp xảy ra.

Biết được tin đã lọt vào lớp chọn, tôi cứ ngông nghênh la cà. Nghĩ lại còn thấy mắc cỡ, hồi đó đẹt lét như trái bắp… còi mà sao kiêu ngạo dữ không biết. Mấy ngày trường tập trung học sinh để chuẩn bị khai giảng tôi chẳng buồn tới vì ý nghĩ mình là nhân vật trọng yếu thì không nên xuất hiện tùy tiện. Để cả lớp trông chờ, khi đó giá trị sẽ được nâng lên gấp bội.

Rồi ngày khai giảng cũng đến!

Tôi xông xênh đi khai giảng mà chẳng biết một đứa mặt dài mặt vắn nào trong lớp. Kệ, tôi rất tự tin, đầu tóc gọn ghẽ, quần xanh áo trắng đóng thùng tinh tươm rồi đi bằng điệu bộ kênh kiệu tới trường. Cũng vì nghĩ để người ta đợi rồi mới xuất hiện để gia tăng sự oai phong của mình theo cấp số… nhân mà tôi đến trường hơi bị muộn.

Bạn có thấy tôi giống con ếch ở dưới đáy giếng không? Thiệt là không biết trời cao đất dày. Ngôi trường ấy cách nhà tôi chừng hai mươi phút đi bộ. Trước ngày khai giảng đã đôi lần có dịp ngang qua, tôi có liếc mắt nhìn thì thấy nó lớn hơn ngôi trường tôi đang học (đương nhiên rồi, tôi học ở phân trường của thôn mà) nhưng đâu có thấy uy nguy hoành tráng như mấy đứa vẫn trầm trồ.

Lạ thiệt!!! Hôm nay, ngôi trường bỗng khác một cách bất thường. Tôi chẳng thấy nó giống tẹo nào với ngôi trường hôm trước tôi nhìn thấy. Đứng ngoài cổng, tôi có cảm giác “ngợp”.

Sân trường rộng lớn, những cây xà cừ bự chảng, gốc to cỡ hai người ôm. Dưới bóng cây mát rượi lại có rất nhiều những bóng quần xanh áo trắng, khuôn mặt người nào người nấy hân hoan rạng rỡ, lại băng rôn khẩu hiệu và rất nhiều cờ, lễ đài được trang hoàng đẹp đẽ… Mọi thứ nhìn rất long trọng, không khí vừa trang nghiêm vừa rộn rã làm trống ngực tôi đập liên hồi, đây là lần đầu tiên tôi biết không khí này – không khí khai trường.

 Minh họa: Vietpink.

Minh họa: Vietpink.

Tôi đứng ngoài cổng nhìn bao quát toàn cảnh sân trường xong thì thở dài. Chết rồi, các lớp đã dóng hàng đâu đó óng dẹt, tôi ngơ ngác như con bò đội nón vì có cảm giác hàng ngàn đôi mắt đang chăm chăm nhìn mình. Cha mẹ ơi, tôi cứng cẳng cứng chân, bước lững khững như người có tật, còn mắt thì mở to hết cỡ, láo liên dòm.

Khi nhìn thấy mấy đứa lớp 5 cũ thì vui mừng như lão nhà nghèo trúng số độc đắc, tôi te te chạy lại đứng sau Lam (cùng học lớp 5). Nàng quay lại hất tôi ra khỏi hàng, về lớp A danh giá của mày đi! – (Gai chưa? Tự nhiên học lớp A cũng bị “kì thị”). Tôi nhanh chân đi nhanh về hướng cô giáo mặc áo dài màu vàng chanh mà Lam chỉ, lớp mầy là lớp có cô giáo mặc áo dài thiệt đẹp đấy...

Tìm được lớp rồi thì tim đập rộn hơn lúc nãy, hồi hộp dữ dằn, tôi lấm lét nhìn, mặt đứa nào cũng lạ hoắc. Không thể đứng một mình, tôi lấy hết dũng khí, chui đại vào cuối hàng. Thấy không bị đuổi, tôi yên chí mình đã tìm đúng chuồng nên bình tĩnh đứng thở.

- Đã đi trễ còn đứng cười! – Một đứa nào đó nói to, có mấy tiếng cười khẹc khẹc hưởng ứng. Ủa, chỉ có mỗi mình đi trễ mà mình đâu có cười ta? Nhưng mới chui vô là tụi nó nhao lên thì chắc nạn nhân là mình rồi.

Đang bối rối, nghệch mặt ra vì chẳng biết tụi nó nói ai, cười gì thì cô giáo nhìn xuống chỗ tôi bằng ánh mắt quở trách. Trường lạ, cô lạ, mới ngày đầu vào lớp đã bị nhắc nhở rồi nên tôi dù có kiêu ngạo cỡ nào thì cũng lúng túng, mặt hơi biến sắc. Trong tình cảnh khó xử thì nghe một đứa lên tiếng giải trình:

- Không phải cười đâu cô! Bạn ấy xưa giờ vẫn vậy mà, tại cái răng nó thế!

Cô giáo lại nhìn kĩ vào tôi như để xác minh thông tin “tại cái răng nó thế” rồi nghiêm mặt nhìn vào lớp nói, bạn cười nhưng không ồn, còn các em thì đang ồn đấy. Im lặng đi nào!

Tôi nhận ra tác giả của câu nói “tại cái răng nó thế…” rồi, là Thanh Tâm, bạn học lớp 5 nhưng nay ở lớp 6B. Nàng ấy bình thường ít nói sao hôm này sảnh sẹ dữ. Không bênh vực bạn cũ thì thôi đi, đứng tận bên đó mà cũng chen vô nói xằng xiên. Mà ý nó là gì vậy ta? Bình tâm một xíu thì tôi đủ thông minh để hiểu hàm ý “tại cái răng nó thế”.

Có cái lí gì vô lí đến thế nhở? Vừa ngượng vừa nóng. Nóng chết đi mất! Có nhất thiết phải thậm xưng một cách quá quắt như vậy không? Vì tôi có cái răng cửa ở hàm trên hơi vểnh, một cái răng hơi vểnh chút thôi chứ có phải răng hô cằm lẹm chi đâu mà miêu tả nghe bắt… đã thèm. Làm gì người ta đứng thở mà bảo đang cười trêu ngươi? Báo hại bạn bè vừa thương hại vừa nhạo báng để cô giáo phải thông cảm và bênh vực “bạn cười mà không ồn” nữa chớ.

Ôi dào! Ngày khai giảng thật tồi tệ, chắc là buổi sáng ra ngõ gặp phải người nặng vía rồi. “Tai nạn đầu năm” làm tôi xuống tinh thần dữ dội, y như xe đang lao từ trên đỉnh dốc xuống mà đứt phanh vậy.

Bực mình bực mẩy!!! Nhưng lòng tự tôn to bằng trời. Đáng lẽ phải tự ti thì tôi lại tỏ ra ngông nghênh. Đứng lầm lầm cái mặt chờ cho hết buổi khai giảng rồi sẽ ra tay “trừng trị” cô nàng láu cá.

 Minh họa: Vietpink.

Minh họa: Vietpink.

Kết thúc buổi lễ, tôi nhanh chân chạy sớm ra đường cái quan, đợi chỗ đoạn đường đồng không trống trải chuẩn bị cua vô xóm (nhà Tâm ở chỗ quạnh nên không có bạn học đi cùng). Tôi đứng chống nạnh chờ nàng, máu bừng bừng như cơm sôi. “Nè cái con láu có kia! Mày nói ai không cười cũng như cười... Bộ mầy đẹp lắm hả, đi cái chân mà ba con chó chạy qua cũng lọt. Dám làm bổn cô nương tím mặt vì xấu hổ hả…”.

Dự liệu là sẽ nói thế khi gặp nàng, mới nghĩ thôi đã tức cành hông. A! Nàng ta kia rồi! Tôi bước từng bước chắc nịch ra đứng giữa đường, cục tức trồi lên đỉnh đầu, tôi câng mặt lên hỏi:

- Con kia, nãy mầy nói cái gì đó?

- Nói gì?

- Cái gì mà “tại cái răng nó thế”…

- À! Là khi bạn há miệng thì giống như đang cười nên tui có sao nói dzậy chớ có ý gì đâu?

-“Không có ý gì nè!”. Tôi hét to rồi giơ tay lên định chố cho nàng ta một tát bùng nhĩ luôn. Nhưng ả Tâm cũng đâu có vừa, nàng thấy tôi giơ tay lên thì nhào ào vô ôm tôi lại. Kết quả là tôi và nàng nằm lăn lóc dưới đất chụp tóc nhau. Tru tréo, lu loa.

- Nè, hai đứa mau ngồi dậy coi!

Tiếng ai nghe quen quen nhỉ, tôi và Tâm lồm cồm ngồi dậy, vừa ngước lên thì cả hai đồng thanh thưa, em chào cô!

Cô hỏi lí do vì sao đánh nhau, đứa nào cũng “dạ”, giành nói trước để tranh phần đúng. Sau khi nghe hai tội nhân trình bày, cô không nói đứa nào đúng sai mà kéo tay áo lên, cô bảo hai đứa hãy nhìn vào bàn tay cô.

- Tụi em có thấy nó khác thường không?

Thấy, tôi (chắc là Tâm nữa) nhìn rất rõ ràng hai ngón tay tí hon chỉa ra từ ngón cái như nải chuối nhưng cả hai đều nín khe. Hèn chi tay áo dài của cô lại phủ phê đến thế. Tụi em nghĩ thế nào nếu mình có bàn tay như vậy? Hai đứa cứng họng, hết nhìn nhau lại nhìn xuống đất. Không để căng thẳng thêm nữa, cô nói:

- Cô rất mặc cảm với những ngón tay vô duyên nên đã từng đánh vỡ mồm một bạn cùng lớp bởi phạm tội gọi cô là “con bảy ngón”. Nhưng khi mồm bạn ấy vỡ ra thì bàn tay cô vẫn cứ… bảy ngón. Sau này lớn lên, gặp lại bạn ấy với một vết sẹo ở môi, bạn vẫn vui vẻ gọi mình là “con bảy ngón” thì bản thân lại thấy hạnh phúc vì nhờ sự khác thường ấy mà bạn bè không thể quên mình.

Điều đặc biệt hơn là cô đã rất áy náy nhớ lại chuyện cô đã liều mạng ném ào một viên đá vào miệng bạn ấy. Khi đã trở thành cô giáo thì mới thấm thía rằng, giá hôm ấy đừng đánh bạn thì có lẽ cô sẽ đẹp hơn vì có một bàn tay bảy ngón. Hai đứa đừng đi theo vết xe đổ của cô chứ, hiểu cô muốn nói gì chưa?

Cả hai vẫn chưa có câu trả lời. Cô mỉm cười:

- Thôi, lo phủi quần áo tóc tai rồi về nhà đi kẻo ba mẹ chờ. Bài học về “bảy ngón tay” ngày mai trả lời cô sau.

Tôi và Tâm dạ rồi sửa soạn lại áo quần, thưa cô đi về…

***

Tâm thì sao tôi không biết nhưng riêng tôi thì trên đường về nhà đã có câu trả lời vì dù đã cố bặm môi lại để giấu chiếc răng vểnh kia nhưng khi vừa ló vô xóm thì đã nghe một người lớn quở: Coi cái tướng nó kìa, chắc là mới đánh nhau với bạn, con gái con mắm chi xấu lạ, uổng cái răng khểnh dễ thương…

-----------------

(*) Trích từ truyện ngắn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh.

Nguyễn Thị Bích Nhàn (Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị xã Đông Hòa, Phú Yên)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-not-nhac-dau-tien-post699905.html