Trưởng thành từ lửa đạn, gian khó

'Đồn Pha Long bị bao vây. Địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn một người cũng chiến đấu'. Nội dung bức điện phát đi từ Pha Long, huyện Mường Khương, Lào Cai trưa ngày 18-2-1979 thể hiện rõ ý chí, tinh thần anh dũng của những chiến sĩ Biên phòng trấn ải nơi này trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979. Khí phách anh hùng đó được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng (BP) Pha Long, BĐBP Lào Cai tiếp nối, phát huy cho tới bây giờ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long và người dân tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Trung Dũng

Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Pha Long, nay là Đồn BP Pha Long được thành lập tháng 5-1959, với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 16,3km đường biên giới, có cửa khẩu phụ Lồ Cố Chin. Đường biên giới chủ yếu là đất liền, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, rừng rậm, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Khu vực biên giới đơn vị phụ trách gồm 2 xã Pha Long, Tả Ngải Chồ, có 8 dân tộc anh em sinh sống.

Ngay từ khi mới thành lập, CBCS Đồn BP Pha Long đã đối mặt với vô vàn thử thách, khó khăn, đầu tiên là phỉ nổi loạn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngày 3-9-1960, bọn phỉ do Lý Seo Tả, Lìu Sín Siềng chỉ huy đã nổi lên cướp Đồn Công an nhân dân vũ trang Pha Long, tấn công cửa hàng lương thực, bách hóa, cướp tài sản và cố thủ tại phố Pha Long. Được sự chi viện của Đại đội cơ động, Công an vũ trang tỉnh Lào Cai, trong 2 ngày 4 và 5-9-1960, CBCS Đồn Pha Long đã đánh bật bọn phỉ ra khỏi đồn và khu vực phố Pha Long, tiêu diệt 4 tên, bắn bị thương nhiều tên khác. Đến ngày 13-9, phỉ ở Pha Long được giải quyết xong.

Dẹp phỉ xong, Đồn CAND?Pha Long triển khai nhiều biện pháp công tác để xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các đội công tác của đồn xuống từng thôn bản thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng bàn bạc) và vận động nhân dân định canh, định cư, bảo vệ trị an. Đơn vị cũng tổ chức khám chữa bệnh, tuyên truyền, vận động người dân làm chuồng trâu bò xa nhà ở, giữ vệ sinh làng bản; đồng thời, động viên, giáo dục những người lầm đường, lạc lối theo phỉ yên tâm cải tạo, phấn đấu trở thành người tốt.

Thời điểm đó, xã Pha Long chưa có trường học, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường không được đi học, nhiều người mù chữ. Đồn Pha Long đã mở lớp dạy xóa mù chữ. Nhờ đó, tình trạng thất học của người dân dần được cải thiện.

Một trong những dấu mốc lịch sử mà các thế hệ CBCS Đồn BP Pha Long luôn tự hào là tinh thần chiến đấu dũng cảm của lớp cha anh đi trước trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 17-2-1979, địch dùng 2 trung đoàn tấn công vào Pha Long. Chúng triển khai ý đồ chiến thuật tách rời mảnh đất hình tam giác Pha Long ra khỏi thế trận liên hoàn toàn tỉnh Hoàng Liên Sơn. 2 tiểu đoàn sơn cước vượt sông Xanh từ phía Đông, đánh chiếm dãy đồi ba cây thông phía Nam đồn, cắt đứt con đường dài 20km từ Pha Long ra Mường Khương. 2 tiểu đoàn bộ binh địch chiếm lĩnh điểm cao Lao Táo, xã Tả Ngải Chồ. Cùng lúc, ở hướng Bắc, địch đánh vào Trạm BP Lồ Cố Chin. Đồn Pha Long bị rơi vào thế cô lập.

Trong bối cảnh chiến đấu cực kỳ ác liệt, từ ngày 17 đến 20-2, chỉ huy Đồn Pha Long chỉ huy trận đánh rất linh hoạt, vừa quán xuyến các điểm phòng ngự, vừa xử lý kịp thời các tình huống đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Địch tung vào cuộc tấn công số quân đông gấp 4 lần quân ta. Kết thúc trận đánh, chúng bị tiêu diệt 800 tên. Phía Đồn Pha Long sau khi phá vây, quân số còn 80%.

Thời điểm đó, đồng chí Đồn trưởng đi công tác, Thượng úy Trần Ngọc, Chính trị viên của đồn chỉ huy trận đánh. Ông thực sự là linh hồn của cuộc chiến đấu kiên cường trên pháo đài Pha Long. Trong trận đánh, CBCS Đồn Pha Long thể hiện thuần thục kỹ thuật, chiến thuật thoát ly công sự dưới làn hỏa lực của địch, ít bị sát thương. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Pha Long nhiều lần đi phục kích, chi viện cho các chốt, chuyển thương binh về đồn, nhưng chỉ có một chiến sĩ bị thương.

Từ ngày 18 đến 20-2, địch vây kín chân pháo đài, 13 lần chúng xung phong vượt cổng, vượt thành để chiếm đồn thì 10 lần chúng bị đánh bật trở lại. Nhiều lần địch xung phong đánh đồn nhưng đều bị ta đẩy lùi, dù quân số ít hơn rất nhiều. Tiêu biểu là vào lúc 19 giờ ngày 19-2, trong đợt tấn công thứ 5, một trung đội địch lọt vào đồn. Cuộc chiến đấu ở tầm gần diễn ra quyết liệt trong đêm tối. Lực lượng trong đồn lúc đó chỉ có 20 thương binh, 8 người khỏe mạnh. Họ rời chiến hào vòng ngoài, bò sát tới địch mà chúng vẫn không nhận ra và nổ súng. Kết quả, 20 tên địch bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy.

Với thành tích chiến đấu kiên cường, ngày 19-12-1979, Đồn BP Pha Long được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm tiếp theo, Đồn Pha Long tiếp tục lập những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Năm 2004, đơn vị tổ chức tuần tra song phương và là đơn vị đầu tiên trong tỉnh Lào Cai khai thông tuần tra song phương với BĐBP Trung Quốc. Thông qua tuần tra song phương, hai bên đã kịp thời thông báo trao đổi tình hình, phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp nảy sinh trên biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, từ năm 2002, Đồn BP Pha Long đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức giao đoạn biên giới cho nhân dân tham gia bảo vệ. Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng các tổ tự quản an ninh thôn bản. Từ nguồn tin do nhân dân cung cấp, Đồn BP Pha Long đã đấu tranh thắng lợi hàng trăm chuyên án, vụ án ma túy, mua bán người, giải cứu hàng trăm phụ nữ và trẻ em bị lừa bán. Bên cạnh đó, đồn đã tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, giới thiệu đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản; tham mưu có hiệu quả cho chính quyền xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội... Đến nay, các thôn, bản trên địa bàn đơn vị phụ trách đều có chi bộ, tỉ lệ đói nghèo trong nhân dân giảm nhanh, hơn 90% số hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia, có bể nước sạch; trên 60% số hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp quy cách. In-tờ-nét không dây phủ sóng đến từng thôn, bản.

Ghi nhận thành tích xuất sắc của Đồn BP Pha Long, năm 2012, đơn vị tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/truong-thanh-tu-lua-dan-gian-kho/