Trường Sa vẻ đẹp kiên cường giữa biển khơi!

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp đi thăm Trường Sa với nhiều cảm xúc háo hức, mong đợi. Con tàu mang số hiệu 571 do Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Đại tá Phạm Minh Tuấn làm Trưởng đoàn đã vượt hơn 1.000 hải lý đến thăm quân và dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ tại 7 điểm đảo gồm Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B, Trường Sa và nhà Dàn DK-I/11. Mỗi điểm đảo đều để lại những ấn tượng, cảm xúc thiêng liêng, tự hào - Trường Sa hôm nay đang từng ngày 'thay da đổi thịt', quân dân Trường Sa luôn kiên định, vững vàng, đoàn kết lao động sản xuất, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

28 giờ đến nơi “đầu sóng ngọn gió”

Sau hơn 28 giờ rời cảng Quốc tế Cam Ranh, nghe tiếng loa thông báo “tàu chuẩn bị cập đảo” mà trong lòng tôi thấy rưng rưng xúc động; vậy là chuyến đi thăm Trường Sa đã thực sự đến rồi, đảo Song Tử Tây. Đây là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện Đảo Trường Sa và cũng là xã đảo xa nhất của nước ta, cách đất liền khoảng 600km nằm ở phía Bắc Biển Đông. Đứng trên lan can tàu đầy nắng và gió, nhìn từ xa đảo Song Tử Tây hiện lên như một thành phố nhỏ với những hàng cây xanh chạy dài chở che đảo giữa đại dương.

Lễ chào cờ tại Trường Sa

Từ điểm neo đậu, đi xuồng cano vào đảo mất khoảng 5 phút, bước chân lên đảo chúng tôi vỡ òa cảm xúc khi được chào đón, cùng cái bắt tay thật chặt, vui vẻ, đầm ấm của các cán bộ, chiến sĩ. Đi tới đâu, chúng tôi cũng đều vui mừng, phấn khởi trước sự tiếp đón trang nghiêm, nhiệt tình, thân thiện của quân dân trên đảo. Mọi người, tay bắt mặt mừng kể chuyện đảo, hỏi thăm đất liền không ngớt, xua tan hết “mối tình đầu” say sóng. Trưởng đảo Song Tử Tây, Thượng tá Nguyễn Văn Khương giới thiệu với đoàn công tác những nét cơ bản về đặc điểm địa lý tự nhiên của đảo và tình hình nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ, quân dân trên đảo. Thượng tá Khương cho biết, dù còn gặp không ít khó khăn do điều kiện khí hậu không mấy thuận lợi, cộng với vị trí xa đất liền nên sự thiếu thốn là không thể tránh khỏi, nhưng các cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân và đặc biệt là tình cảm và sự ủng hộ rất lớn cả về vật chất và tinh thần nơi đất liền. “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cán bộ chiến sĩ và Nhân dân trên đảo cũng luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, trụ vững tại nơi tuyến đầu của Tổ quốc và sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền biển đảo”, Thượng tá Nguyễn Văn Khương nhấn mạnh.

Chiến sĩ Phạm Văn Bình, 20 tuổi, với nước da nâu của nắng và gió biển, nụ cười dễ thương, hồ hởi cho biết: “Em ra đảo được hơn 6 tháng, ban đầu mới ra đảo còn lạ lẫm, chưa quen với cái nắng, cái gió khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, nhưng với tinh thần của tuổi trẻ, em mong muốn được cống hiến nơi vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc,” Bình tâm sự.

Chia tay Bình, chúng tôi đến thăm các hộ gia đình sinh sống trên đảo, ấn tượng đầu tiên khi gặp là những nụ cười hạnh phúc của các anh chị và sự tươi vui hồn nhiên của các cháu nhỏ cùng lời chào “chúng con chúc các bác khỏe ạ”. Chị Đinh Thị Mỹ Hảo, một trong 7 hộ dân sinh sống ở đảo phấn khởi chia sẻ: Nhân dân trên xã đảo luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất, lẫn tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn. Được tham gia các hoạt động quan trọng trên đảo như chào cờ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giao lưu, kết nghĩa. "Người dân trên xã đảo Song Tử Tây khi đau ốm được các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tận tình khám, chữa bệnh, hàng hóa cũng theo các tàu cá và tàu hàng thường xuyên được gửi tới người dân qua âu tàu. Hiện nay trên đảo còn trồng được rau xanh, nuôi lợn, gà… cuộc sống trên đảo cơ bản không thiếu thứ gì”, anh Nguyễn Phú Kừu cho biết.

Khúc tráng ca bất tử giữa biển khơi

Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục hải trình công tác đến đảo Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B, Trường Sa Lớn. Hải trình các ngày sau đó diễn ra theo đúng kế hoạch, 1 ngày 2 đảo, 1 đảo chìm và 1 đảo nổi. Mặc dù các đảo đều chịu khí hậu khắc nghiệt, nhưng chúng tôi có cảm nhận rõ trên khuôn mặt các chiến sĩ trẻ đều vui tươi, khỏe mạnh, tự hào được làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Đoàn công tác số 6 đến thăm, tặng quà các gia đình đang sinh sống tại đảo

Đúng 16 giờ, trong cái nắng rát bỏng trên boong tàu giữa biển khơi, Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa được tổ chức trên tàu 571. Hơn 200 thành viên của Đoàn công tác xúc động cúi đầu tưởng niệm và kính cẩn dâng hương trước Anh linh các liệt sĩ trong tiếng nấc nghẹn. Vòng hoa, lễ vật cùng 300 con hạc giấy kết hoa cúc vàng được từng thành viên đoàn công tác thả xuống biển để tưởng nhớ 64 Anh hùng Liệt sĩ yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương - Trường Sa đất mẹ.

Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Đại tá Phạm Minh Tuấn cho biết: 36 năm qua, Biển Đông chưa bao giờ ngơi bão tố. Bởi vậy, nhắc lại lịch sử để chúng ta thành kính, tưởng niệm, tri ân sự hy sinh của các anh, là bài học vô giá vì biển đảo thiêng liêng. Để giữ vững chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tiếp tục quan tâm hướng về biển đảo, có chủ trương, quyết sách phù hợp trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện nay, các chuyến tàu ra Trường Sa đều tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa để bảo vệ tấc đảo, sải biển chủ quyền trong trận chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988.

Các chiến sĩ đảo Trường Sa phấn khởi, chăm chú đọc Báo Đại biểu Nhân dân

Vang mãi lời thề giữ biển

Tiếp tục hải trình, đúng 6 giờ sáng hôm sau, tàu 571 cập đảo Trường Sa Lớn, trung tâm huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa, điểm đến thứ 6 của hải trình. Tại đây, Đoàn công tác dự Lễ chào cờ và màn diễu binh của các chiến sĩ trên đảo. Trên đường băng giữa biển trời mênh mông, đội ngũ quân dân nghiêm trang cùng tiếng hát Quốc ca hào hùng của cả Đoàn công tác vang lên trong gió. Lời hát như khúc hòa ca hào hùng của cha ông ngàn xưa vọng lại. Sau Lễ chào cờ, trong không khí trang nghiêm, Trung úy Tôn Chí Quân bước lên phía trước đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những tiếng “Xin thề” chắc nịch âm vang một ý chí. Khi chiến sĩ đọc đến lời thề thứ 6: “... Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai”, tiếng nức nở, nghẹn ngào dù kìm nén hết sức của một vài đại biểu nữ đã bật lên bên tôi. Nhiều người mắt đỏ hoe, tôi để mặc nước mắt rơi hòa với mồ hôi mặn. Không biết tự lúc nào, chúng tôi quên cả nắng, nóng, bỏ khăn mũ dầm dãi nắng lửa cùng quân dân trên đảo. Giây phút thiêng liêng, tự hào đặt tay lên ngực, chào cờ Tổ quốc giữa Biển Đông, tôi hiểu vì sao lớp lớp thế hệ người con đất Việt đã và sẽ luôn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Nhà báo Chí Tuấn phỏng vấn cán bộ làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây

Sau Lễ chào cờ, đoàn công tác thắp hương viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sa, thắp hương Nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa và làm việc với Chỉ huy và lãnh đạo huyện đảo. Báo cáo của lãnh đạo huyện cho thấy trong những năm qua, đời sống Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trên các xã đảo ngày càng đầy đủ hơn. Những con đường bê tông sạch đẹp rợp bóng mát của cây xanh; trường học, nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ, các hộ dân; bệnh xá, Trung tâm Y tế, chùa, trạm khí tượng thủy văn, hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời, truyền hình vệ tinh được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo.

Binh nhất Lê Đình Hưng - chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn, quê ở Hà Tĩnh tâm sự: Tôi rất tự hào là lính đảo, trong các buổi sinh hoạt tôi được nghe kể nhiều về tấm gương cha anh đi trước. Mỗi tấm gương là một câu chuyện lịch sử về tinh thần xả thân vì biển, đảo. Điều đó tiếp thêm động lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Chiến sĩ trẻ Ngô Hồng Thịnh, 23 tuổi, lính gác cột mốc chủ quyền Trường Sa nói: hàng năm chúng em mong muốn các đoàn ra thăm cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa nhiều hơn.

Thiếu tá Bùi Tấn Nguyên, cán bộ công tác tại đảo được hơn 2 năm chia sẻ: Mặc dù ở xa đất liền, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhưng chúng tôi nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, các chế độ, chính sách đầy đủ, được phủ sóng điện thoại, sóng truyền hình, các chiến sĩ được theo dõi tin tức trong nước cũng như quốc tế, được đọc sách báo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần.

Chị Nguyễn Thị Tâm, là hộ dân đang sống tại huyện đảo Trường Sa Lớn xúc động nói: gia đình tôi được ổn định như hôm nay cũng nhờ sự quan tâm của chỉ huy và anh em chiến sĩ trên đảo. Những ngày mới đến, gia đình còn bỡ ngỡ, nhưng được chỉ huy đảo tận tình chỉ bảo, từ cách sắp xếp các hộp đất trồng rau, thiết kế vườn sao cho phù hợp, cách tiết kiệm nước, chăm sóc trẻ nhỏ. Hiện chúng tôi đã trồng đủ rau ăn, nuôi được gà, con cái được đến trường học.

Trung tá Trần Quang Phú, Trưởng đảo Trường Sa cũng cho biết: hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của quân dân trên đảo được cải thiện rất nhiều, có sân vận động rộng, hệ thống âm thanh để sinh hoạt văn nghệ, có trạm thu phát sóng FM và tín hiệu vệ tinh để xem tivi, nghe đài, có tủ sách báo... kịp thời cập nhật các thông tin trong nước và thế giới. Cùng với đó, việc tăng gia sản xuất ngày càng hiệu quả với mô hình trồng rau sạch quy mô hàng trăm mét vuông, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cung cấp nguồn thực phẩm tươi cho chiến sĩ và người dân trên đảo. Ngoài ra, hệ thống năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) cung cấp đủ điện cho nhu cầu của toàn đảo. 100% các hộ dân được sinh sống trong những ngôi nhà khang trang, có đầy đủ tivi, thiết bị liên lạc, các em học sinh có chỗ vui chơi và được đến trường đầy đủ, tạo nên một Trường Sa "mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp cảnh quan, môi trường, mẫu mực tình đoàn kết quân dân".

Do thời gian ở lại đảo không được nhiều, nhưng trong câu chuyện với các cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đều có cảm nhận những giây phút nhớ nhà, nhớ người thân đã dần vơi bớt. Thay vào đó, cuộc sống của họ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, ngoài sự quan tâm vĩ mô, thì điều căn cốt chính là có sự quan tâm, chia sẻ, đoàn kết, đùm bọc chu đáo của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nhân dân trên xã đảo luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất, lẫn tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, họ không chỉ là chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo, mà còn là “nghĩa tình quân dân”.

Còi tàu âm vang thay lời tạm biệt, tất cả Đoàn công tác đứng bên mạn tàu hướng về đảo. Tàu rời xa dần, các thành viên trên tàu đồng thanh hô: “Cả nước vì Trường Sa” đồng thời từ đảo nhỏ cũng vọng vang trở lại: “Trường Sa vì Tổ quốc”. Những tiếng hô đồng thanh liên tiếp trao đi, đổi lại nghẹn ngào. Dường như đó không còn là khẩu hiệu mà trở thành tiếng nói từ trái tim. Tôi thấy tim mình nghẹn lại một cảm giác thân thương ruột thịt dâng trào, nhất là nhìn bóng dáng của trẻ em và những người dân đan xen cùng các chiến sĩ đang giơ tay vẫy chào. Những hình ảnh ấy, những lời thân thương ấy cứ bồng bềnh theo chúng tôi trong đêm đại dương trở về đất liền. Trường Sa, Hoàng Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc trường tồn vĩnh viễn với thời gian.

CHÍ TUẤN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/truong-sa-ve-dep-kien-cuong-giua-bien-khoi--i369040/