Trường học gặp khó khi vận động nguồn thu

Hiện nay, ngoài học phí, các trường học tại TPHCM còn triển khai một số khoản thu dịch vụ và hoạt động hỗ trợ giáo dục. Dù vào mỗi đầu năm học, cơ quan quản lý đều ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn công tác thu - chi trong trường học, song nhiều trường vẫn lúng túng khi triển khai các khoản thu, công trình vận động, dẫn đến sự nghi ngờ, thậm chí phản ứng của phụ huynh.

Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cùng tham gia hoạt động với con vào đầu học kỳ 2 năm học 2023-2024. Ảnh: MINH THƯ

Muôn kiểu vận động

Năm học 2023-2024, tại Trường Tiểu học Thới Thạnh (huyện Hóc Môn), tất cả các lớp đều không thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) trường và BĐDCMHS lớp, không triển khai kế hoạch vận động tài trợ. Khi có hoạt động cần sử dụng kinh phí, các thành viên trong BĐDCMHS tự lấy tiền túi hỗ trợ trường. Đây cũng là cách làm của Trường THCS Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn).

Nhiều năm qua, trường không có kinh phí hoạt động của BĐDCMHS lớp, BĐDCMHS trường, không triển khai công trình vận động. “Mới đây, trong một hoạt động văn nghệ, phụ huynh vô tình đi ngang sân khấu thấy thiếu thiết bị nên đề nghị hỗ trợ. Ai cho gì trường nhận đó chứ không dám vận động, vì từng xảy ra trường hợp phụ huynh so bì khi đóng góp, hỏi vì sao học sinh học chung một lớp, cùng tham gia hoạt động mà có người đóng tiền, người không đóng”, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thúc Vịnh Trần Công Nghĩa nêu thực tế. Với cách làm khác, đầu năm học 2023-2024, Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) xây dựng kế hoạch vận động tài trợ gửi Phòng GD-ĐT quận 1 phê duyệt với tổng kinh phí 268 triệu đồng. Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, tính đến giữa học kỳ 2, trường huy động được 199 triệu đồng. Danh sách đóng góp có 1.415/1.428 cha mẹ học sinh tham gia, người nhiều nhất đóng 1 triệu đồng, thấp nhất 50.000 đồng.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) nếu ý kiến: “Toàn trường chỉ còn 7 học sinh chưa đóng góp, tỷ lệ tham gia gần như tuyệt đối. Đóng góp dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng nếu triển khai đại trà sẽ tạo áp lực cho phụ huynh, không đúng với mục tiêu, ý nghĩa của việc vận động”.

Tại Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), Hiệu trưởng Phạm Thị Bình thông tin, kế hoạch vận động tài trợ của trường được Sở GD-ĐT TPHCM phê duyệt với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Trong đó, hai hạng mục công trình cần triển khai trong năm học này là sửa chữa, thay thế tivi và trang bị màn che nắng cho các lớp học. Đến cuối học kỳ 1, trường vận động được 140 triệu đồng, tỷ lệ tham gia chưa đến 50% học sinh toàn trường. “Trước mắt, chúng tôi trang bị màn che nắng cho các lớp học vì thời tiết TPHCM hiện nay khá oi bức. Về việc mua sắm tivi, do chưa có kinh phí nên sẽ tiếp tục vận động và thực hiện cuốn chiếu trong học kỳ 2”, đại diện nhà trường cho biết.

Không dám vận động vì... sợ!

Bà Nguyễn Thị Việt Tú, Phó Trưởng Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), bày tỏ: “Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, giáo dục muốn phát triển thì cần sự chung tay của cha mẹ học sinh thông qua các chủ trương xã hội hóa. Để các hoạt động không bị biến chất, phát huy được hiệu quả, cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhưng mỗi nơi thực hiện một kiểu”.

Giải thích rõ hơn điều này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM), cho biết, trường học cần quỹ chung để hoạt động, quan trọng là các trường quản lý và vận hành thế nào để có sự đồng thuận của phụ huynh. Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT (ban hành ngày 3-8-2018) quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là cơ sở pháp lý cho các trường học triển khai kế hoạch vận động tài trợ trong năm học. Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân và tối thiểu, không lợi dụng tài trợ để ép buộc phụ huynh đóng góp hoặc coi huy động tài trợ là điều kiện để cung cấp dịch vụ giáo dục. “Quy định cho phép vận động tài trợ mà các trường không làm, lại “lách” bằng các nguồn thu từ kinh phí hoạt động của lớp. Điều này là sai so với quy định của Bộ GD-ĐT, vì kinh phí hoạt động của BĐDCMHS lớp không được dùng để mua sắm máy móc, trang thiết bị cho phòng học”, ông Cao Thanh Bình nói.

Ở góc độ quản lý, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM), bày tỏ: “Nếu trường học bỏ qua nguồn lực đóng góp từ cha mẹ học sinh là điều hết sức đáng tiếc. Quy định hiện nay không cấm cha mẹ học sinh hỗ trợ trường, nhưng cần có kế hoạch rõ ràng, thực hiện công khai, minh bạch, có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền”. Ngoài ra, đại diện Sở GD-ĐT lưu ý, khi triển khai kế hoạch vận động tài trợ, trường học không được chạy đua thành tích giữa các lớp, không thực hiện cào bằng, tạo áp lực cho cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm. Các trường cần truyền thông rõ ràng mục đích, ý nghĩa của công trình vận động cho cha mẹ học sinh hiểu để hỗ trợ, không nên vì sợ hay ngại dư luận mà dẫn đến cách làm sai.

Lập biên bản tiếp nhận hoặc bàn giao tài sản

Để hạn chế khoản thu, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM trang bị máy lạnh cho các lớp học thông qua hình thức phụ huynh “cho mượn” hoặc trao tặng. Sau 3-5 năm học (tùy cấp lớp), trường sẽ lấy ý kiến BĐDCMHS lớp về việc phụ huynh lấy lại máy lạnh hay trao tặng cho trường để tiếp tục sử dụng ở năm học tiếp theo. Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trường học là đơn vị sự nghiệp công lập. Khi thực hiện lắp đặt, trang bị hay nhận tài sản có giá trị, nhà trường phải lập biên bản tiếp nhận hoặc bàn giao tài sản theo đúng quy định, không có chuyện “khi cần thì lắp đặt, không dùng nữa thì tháo đi, không có sự quản lý”.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/truong-hoc-gap-kho-khi-van-dong-nguon-thu-post732518.html