Trường đại học với sứ mệnh đổi mới theo Nghị quyết số 57-NQ/TW

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ tạo động lực mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc đổi mới toàn diện, từ đào tạo, nghiên cứu đến chuyển đổi số. TSKH Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính sách và Phát triển trao đổi về chiến lược phát triển theo mô hình đại học thông minh, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nhân lực chất lượng cao với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Học viện Chính sách và Phát triển với chiến lược phát triển theo mô hình đại học thông minh

Học viện Chính sách và Phát triển với chiến lược phát triển theo mô hình đại học thông minh

Phóng viên: Thưa TSKH Nguyễn Thành Long, trước chủ trương lớn, mang tính đột phá chiến lược của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Học viện Chính sách và Phát triển đã có những bước đi như thế nào nhằm thực hiện thành công các mục tiêu trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học?

TSKH Nguyễn Thành Long: Nghị quyết số 57-NQ/TW của Trung ương là một chủ trương lớn, quan trọng hàng đầu, mang tính đột phá chiến lược, tích hợp và cộng hưởng cùng xu thế phát triển chung của nhân loại, nhằm tạo động lực tổng hợp đưa đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hùng cường trong kỷ nguyên mới. Với vai trò vừa là trường đại học, vừa là trung tâm bồi dưỡng cán bộ chiến lược cho ngành tài chính quốc gia, Học viện Chính sách và Phát triển đã xác định các giải pháp, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trước hết, chúng tôi xác định nâng cao nhận thức về vai trò của Nhà trường, các nhà khoa học trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cả hệ thống. Nhà trường, nhà khoa học là then chốt; trong khi các nhóm đối tượng xoay quanh như người dân, người học, doanh nghiệp sẽ là trung tâm, là chủ thể, là nguồn động lực chính cho hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cấp ủy quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong mọi mặt hoạt động của Nhà trường, hướng tới phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định cụ thể trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của Học viện.

Thứ hai, Học viện đã có những chính sách phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cả hệ thống. Chúng tôi đã tập trung triển khai các cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ cạnh tranh, tạo lập môi trường làm việc cởi mở, sáng tạo để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước. Việc trọng dụng nhân tài một cách thực chất này đã tạo nên đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu chất lượng cao, đủ sức dẫn dắt quá trình đổi mới toàn diện tại Học viện.

 TSKH Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính sách và Phát triển

TSKH Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính sách và Phát triển

Thứ ba, Học viện nhanh chóng xác lập xu hướng mô hình giáo dục đại học mở trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam và quốc tế, cụ thể là xu thế về: Tài nguyên giáo dục mở, Khoa học mở, Công nghệ và Truy cập mở, tạo nền tảng quan trọng, quán triệt tổ chức thực hiện chủ trương của đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm và Trung ương trong công cuộc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Làm thế nào để từ phía cầu, người học có thể yêu cầu tham gia một khóa học với đầy đủ đặc tính “bất kỳ” mà người học mong muốn. Trong khi đó, từ phía cung, các cơ sở giáo dục và các nhà cung cấp giáo dục khác phải có đủ nguồn lực để đáp ứng yêu cầu đó.

Học viện đang chú trọng triển khai phát triển các ngành mới có tính liên ngành, xuyên ngành gắn kết với khoa học công nghệ mà xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực như: Kinh tế số, Kinh doanh toàn cầu, Digital Marketing, Ngân hàng số, Tài chính số...

Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực chất lượng cao, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Học viện đang chú trọng triển khai phát triển các ngành mới có tính liên ngành, xuyên ngành, gắn kết với khoa học công nghệ mà xã hội đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực như: Kinh tế số, Kinh doanh toàn cầu, Digital Marketing, Ngân hàng số, Tài chính số..., đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tham gia tích cực vào các đề án quan trọng như xây dựng cơ chế, chính sách và khung pháp lý cho việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, xây dựng môi trường đại học đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số trong toàn bộ các hoạt động của Nhà trường, cụ thể: Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, quản trị, điều hành; Ứng dụng công nghệ tại các lớp học, phương pháp giảng và dạy.

Trong công tác quản lý, quản trị, điều hành, đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người học. Tích cực thúc đẩy sự tái phát triển công nghệ, quy trình làm việc theo hướng online, đẩy mạnh việc ứng dụng BigData, IoT... tăng cường sự kết nối giữa các phòng ban. Mọi hoạt động vận hành như một doanh nghiệp, với các bộ phận hỗ trợ như: Tổ chức Hành chính, Nhân sự, kế toán tài chính... sẽ được số hóa bằng những phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài chính – tài sản… Ứng dụng công nghệ trong quản lý, giúp người học dễ dàng trong tra cứu thông tin khi đến thư viện, giúp giảng viên quản lý bảng điểm học sinh, thời khóa biểu, hay các thông tin khác. Thông qua ứng dụng chuyển đổi số giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tìm kiếm tài liệu học tập và giáo viên dễ dàng quản lý thành tích, hồ sơ cá nhân cũng như nhiều thông tin liên quan đến phương pháp dạy học một cách dễ dàng và tiết kiệm được thời gian.

Tại các lớp học, Nhà trường đã được đầu tư với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng khả năng mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong trong đào tạo và nghiên cứu. Người học ở Học viện luôn được tiếp cận các điều kiện cần thiết, hiện đại nhất để tham gia trải nghiệm, tiếp cận công nghệ cao để tự trau dồi, nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của mình. Nhà trường còn hỗ trợ người học phát triển các kỹ năng, bồi dưỡng tài năng, tiếp cận nguồn tri thức mới từ các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Các chương trình đào tạo đều hướng sinh viên tham gia thực tế, trải nghiệm tại doanh nghiệp giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Học viện luôn chú trọng xây dựng và triển khai mô hình hợp tác ba bên gồm: Học viện – Doanh nghiệp – Cơ quan hoạch định chính sách

Học viện luôn chú trọng xây dựng và triển khai mô hình hợp tác ba bên gồm: Học viện – Doanh nghiệp – Cơ quan hoạch định chính sách

Phóng viên: Ông có thể cho biết chuyển đổi số có vai trò như thế nào trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học?

TSKH Nguyễn Thành Long: Chuyển đổi số là quá trình thay thế, không chỉ phương thức, giải pháp, phương tiện sản xuất từ truyền thống sang công nghệ số, mà cả tư duy, nhận thức, cách tiếp cận theo phương pháp truyền thống bằng cách sử dụng các công nghệ mới, như Trí tuệ nhân tạo (AI) – ví như trí tuệ con người; Dữ liệu lớn (Big Data) – ví như bộ não con người; Internet vạn vật (IoI) ví như giác quan con người; điện toán đám mây (iCloud) ví như cơ bắp con người…

Chuyển đổi số được coi là yếu tố sống còn, là bước ngoặt chiến lược để Học viện Chính sách và Phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời đại số. Chúng tôi nhận thức muốn đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với kinh tế số, trước hết, bản thân hệ thống giáo dục đại học phải tiên phong trong đổi mới hệ thống quản trị, phương thức đào tạo và nghiên cứu, dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về những ứng dụng công nghệ nổi bật hiện nay Học viện Chính sách và Phát triển đang triển khai?

TSKH Nguyễn Thành Long: Trong chiến lược phát triển, Học viện Chính sách và phát triển phấn đấu trở thành trường đại học thông minh vào năm 2030. Học viện đang trong lộ trình thực hiện Đề án chuyển đổi số trong quản trị đại học, bao gồm các hệ thống quản lý đào tạo, dữ liệu giảng viên, sinh viên, thư viện số, học liệu điện tử và đặc biệt là nền tảng học tập trực tuyến thông minh. Các ứng dụng trong quản trị đại học như tuyển sinh, quản lý đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, mô hình đào tạo kết hợp (blended-learning), quản trị thông tin dữ liệu, hệ sinh thái APD - Slink… hiện đại, tiên tiến đã được ứng dụng giúp tối ưu hóa hiệu quả đào tạo, cá nhân hóa trải nghiệm người học, tạo ra bước tiến lớn về chất lượng giáo dục tại Học viện.

Phóng viên: Một trong những yếu tố được người học quan tâm là sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và các tổ chức khoa học, cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động này được quan tâm thúc đẩy ra sao tại Học viện, nhất là sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, thưa ông?

TSKH Nguyễn Thành Long: Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy Học viện Chính sách và Phát triển chủ động mở rộng và nâng tầm các mối quan hệ hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức khoa học – công nghệ uy tín trong và ngoài nước. Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò chiến lược của sự hợp tác này, Học viện đã triển khai đồng bộ ba bước đi quan trọng và hiệu quả.

Việc xây dựng và triển khai mô hình hợp tác ba bên một cách bài bản, bao gồm: Học viện - Doanh nghiệp - Cơ quan hoạch định chính sách đã giúp Học viện từng bước hình thành một hệ sinh thái đào tạo và nghiên cứu hiệu quả, gắn chặt với thực tiễn kinh tế - xã hội.

Trước hết, Học viện đã tiên phong xây dựng và triển khai mô hình hợp tác ba bên một cách bài bản, bao gồm: Học viện – Doanh nghiệp – Cơ quan hoạch định chính sách. Thực tế cho thấy, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn như Viettel, Vietinbank, SHB cùng các cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu như: Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), đã giúp Học viện từng bước hình thành một hệ sinh thái đào tạo và nghiên cứu hiệu quả, gắn chặt với thực tiễn kinh tế - xã hội.

Thứ hai, Học viện đã cụ thể hóa các mối quan hệ hợp tác này bằng các chương trình đào tạo thực hành sát với yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp. Giảng viên và sinh viên của Học viện trực tiếp tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo, các chương trình chuyển giao công nghệ và ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp. Đồng thời, Học viện cũng chủ động mời các chuyên gia hàng đầu từ doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào quá trình đào tạo, tư vấn và định hướng nghề nghiệp. Nhờ đó, chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt, sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực tiễn, đáp ứng ngay yêu cầu của thị trường lao động.

Thứ ba, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, Học viện đã nhanh chóng thiết lập các mối quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ mới, điển hình là Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI). Cụ thể, Học viện đã chủ động làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hiệp hội Blockchain Việt Nam, hợp tác với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn như Tether, nhằm phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu về Blockchain và AI, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn các công nghệ tiên tiến này trong lĩnh vực kinh tế - tài chính và hoạch định chính sách. Đây là bước đi chiến lược, thể hiện tư duy quản trị nhạy bén, năng lực thích ứng cao của Học viện trước xu thế công nghệ toàn cầu.

GS Christine Thomas-Agnan, Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole, Cộng hòa Pháp tham gia trao đổi học thuật với Học viện Chính sách và Phát triển

GS Christine Thomas-Agnan, Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole, Cộng hòa Pháp tham gia trao đổi học thuật với Học viện Chính sách và Phát triển

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế: Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về học thuật, học liệu; phương pháp và chương trình đào tạo, nghiên cứu; trao đổi sinh viên và giảng viên với các trường đại học uy tín từ các quốc gia phát triển; thúc đẩy liên kết đào tạo; nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học gốc Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện.

Phóng viên: Để các trường đại học đóng góp hiệu quả hơn vào mục tiêu phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo của đất nước, theo ông, nhà nước cần bổ sung những chính sách nào?

TSKH Nguyễn Thành Long: Theo tôi, để các trường đại học thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo, Nhà nước cần tập trung vào ba nhóm chính sách trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về giáo dục đại học, trong đó xây dựng cơ chế tự chủ đại học một cách thực chất, minh bạch và rõ ràng hơn nữa, cho phép các trường chủ động xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, đặc biệt là các ngành liên ngành, xuyên ngành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và hội nhập quốc tế hiện nay. Hệ thống pháp lý cần được thay đổi, tháo gỡ những điểm nghẽn để giúp bắt nhịp kịp với các xu hướng phát triển giáo dục đại học hiện đại, cụ thể như: (1) Xu hướng đại chúng hóa, chuyển từ giáo dục tinh hoa, sang giáo dục đại chúng, phổ cập, theo định hướng mở, liên thông và linh hoạt, phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về việc xây dựng một xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời và thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường; (2) Xu hướng đa dạng hóa. Phát triển nhiều loại hình trường với cơ cấu đào tạo đa dạng về trình độ và ngành nghề theo hướng hàn lâm (Academy) và nghề nghiệp, công nghệ thiên về thực hành; Phát triển mạng lưới các đại học nghiên cứu trở thành các Trung tâm sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại; (3) Chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng được bảo đảm (Quality Assurance), xây dựng khả năng cạnh tranh, giữ chân được người học trong nước và từng bước xây dựng dịch vụ đào tạo nhân lực quốc tế và khu vực. Các trường đại học trở thành các cơ sở dịch vụ đào tạo nhân lực thu hút vốn đầu tư vào đào tạo.

Hai là, xây dựng các cơ chế tài chính và đầu tư ưu tiên cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng tại đại học, thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu liên ngành về kinh tế số, chính sách công và công nghệ tài chính, tạo lập một hệ sinh thái nghiên cứu – đào tạo – đổi mới sáng tạo bền vững, hiệu quả.

Ba là, triển khai đồng bộ các chính sách thu hút nhân tài và tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng cơ chế đãi ngộ cạnh tranh quốc tế để thu hút các chuyên gia hàng đầu, giảng viên, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước đến làm việc, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.

Những chính sách này, nếu được triển khai đồng bộ, sẽ tạo động lực mạnh mẽ, giúp các trường đại học phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo của đất nước trong kỷ nguyên số, như kỳ vọng từ Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/truong-dai-hoc-voi-su-menh-doi-moi-theo-nghi-quyet-so-57-nqtw-post868822.html