Trường đại học - Then chốt của quốc gia khởi nghiệp

Trong bối cảnh cả nước đang hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển quốc gia khởi nghiệp, các trường đại học cần định hướng hoạt động gắn với công cuộc đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa chức năng, thế mạnh của đại học là cung cấp tri thức và các kết quả nghiên cứu khoa học; giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng một quốc gia khởi nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp Vương Quốc Thắng tại tọa đàm “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”

Đó là nhận định của ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vai trò của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Tại buổi tọa đàm “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp” vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Vương Quốc Thắng nêu ra ba yếu tố tạo động lực cho khởi nghiệp: Khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chính sách. Trong đó, đại học có trách nhiệm với xã hội ở hai yếu tố trước. Chức năng cốt lõi của đại học là mang đến tri thức mới, các kết quả nghiên cứu và đào tạo con người. Nhân tố lõi của quốc gia khởi nghiệp là các trường đại học.

Theo ông Thắng, khoa học công nghệ là nền tảng đẩy mạnh khởi nghiệp. Nếu có thể vận dụng, truyền tải được các kết quả khoa học cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì động lực phát triển kinh tế của đất nước sẽ cao hơn rất nhiều. Đại học đóng vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhằm phục vụ cho cộng đồng

và đời sống xã hội; đồng thời, tiên phong trong việc tiếp cận các thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới, thử nghiệm và truyền tải những kiến thức đó đến các thế hệ, đưa ra các định hướng phù hợp với tiến bộ của thế giới. Vai trò của đại học cũng rất quan trọng trong chuyển giao kết quả nghiên cứu thành công đến với doanh nghiệp, tạo ra các kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Vai trò cốt lõi của đại học là tạo ra hạt giống và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp. Nhà trường có điều kiện tạo môi trường thuận lợi để sinh viên tham gia các hoạt động đổi mới, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, tạo sự kết nối giữa các nhóm nhằm hình thành các dự án khởi nghiệp. Trường đại học cần có vườn ươm trong giai đoạn đầu, giống như Singapore có Block 71, để tạo cơ hội cho các nhóm khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng của mình. Không gian thư viện, phòng thí nghiệm có thể trở thành không gian ươm tạo, đó chính là nơi khởi đầu cho những dự án khởi nghiệp mang tính sơ khai, thử nghiệm, nghiên cứu ban đầu.

Về nguồn nhân lực, theo các chuyên gia, các trường đại học là môi trường học tập và nghiên cứu, đồng thời có khả năng truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, đây là thế mạnh của ngành giáo dục và đào tạo.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Theo đó, các trường đại học là đơn vị đào tạo giai đoạn đầu, triển khai nền tảng cơ bản và trang bị những kiến thức, thông tin, kỹ năng cơ bản cần cho hoạt động khởi nghiệp; cũng là nơi hướng dẫn, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp về kinh nghiệm triển khai, ươm tạo, kết nối với quỹ đầu tư…

Đối với giai đoạn khi hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trong trường phát triển tốt, các trường đại học phát huy tối đa vai trò kết nối. Đó là sự kiến tạo liên kết giữa sinh viên với doanh nghiệp để tạo việc làm; giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, đưa tri thức, dự án nghiên cứu vào đời sống - xã hội, sản xuất, kinh doanh; kết nối các nguồn lực hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Với hoạt động này, trường đại học không chỉ là nơi ươm mầm cho các dự án kinh doanh đổi mới, sáng tạo tiềm năng mà còn tạo cơ hội thu hút những tài năng đến tăng trải nghiệm cọ xát với môi trường thực tiễn cho sinh viên trong trường.

Như vậy, trường đại học vừa thực thi tốt vai trò của mình trong việc cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho xã hội, vừa hình thành giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn góp phần đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Tại buổi tọa đàm cũng đề xuất một số kiến nghị thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong các trường đại học, tiêu biểu là sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp kiến quốc; xây dựng chương trình trao đổi sinh viên khởi nghiệp quốc tế; nghiên cứu sàn huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ ươm tạo những dự án khởi nghiệp trong các trường đại học, tạo quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp…

Triển khai những bước đi cụ thể, dự kiến tháng 9 tới tại Hà Nội sẽ diễn ra Ngày hội khởi nghiệp sinh viên Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lựa chọn khoảng 50 điển hình khởi nghiệp của sinh viên để hình thành một chuyến xe khởi nghiệp tham dự Techfest 2018 tại Đà Nẵng vào tháng 12.

Đại học đóng vai trò tiên phong nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhằm phục vụ cho cộng đồng và đời sống xã hội; đồng thời, tiên phong trong việc tiếp cận các thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới, thử nghiệm và truyền tải những kiến thức đó đến các thế hệ, đưa ra các định hướng phù hợp với tiến bộ của thế giới.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Ngọc Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truong-dai-hoc-then-chot-cua-quoc-gia-khoi-nghiep-106644.html