Trung Quốc thúc đẩy ảnh hưởng ở châu Phi

Nhiều động thái gần đây cho thấy Trung Quốc đang thúc đẩy quan hệ với các nước châu Phi nhằm tăng cường ảnh hưởng lên lục địa đen.

Từ ngày 28-8 đến 2-9, Trung Quốc (TQ) tổ chức Diễn đàn An ninh và Hòa bình TQ - châu Phi lần thứ ba, đón tiếp các quan chức quốc phòng của Liên minh châu Phi và gần 50 quốc gia lục địa đen. Theo tờ South China Morning Post, hội nghị diễn ra trong bối cảnh TQ tìm cách mở rộng sự hiện diện và củng cố mối quan hệ với châu Phi.

Với chủ đề “Thực hiện Sáng kiến An ninh toàn cầu, tăng cường đoàn kết và hợp tác TQ - châu Phi”, diễn đàn này nhằm mục đích củng cố hơn nữa mối liên lạc chiến lược giữa Bộ Quốc phòng TQ và các nước châu Phi, đồng thời giúp Bắc Kinh đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng cộng đồng TQ - châu Phi chung tương lai trong kỷ nguyên mới.

Trung Quốc tìm tiếng nói lớn hơn ở châu Phi

Theo Bộ Quốc phòng TQ, diễn đàn này sẽ tập trung vào Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó đặt ra các nguyên tắc chính sách của Bắc Kinh để quản lý xung đột và gìn giữ hòa bình cho thế giới.

Diễn đàn An ninh và Hòa bình TQ - châu Phi là một trong nhiều hội nghị an ninh được tổ chức trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh toàn cầu, nhằm mục đích giúp Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu và có tiếng nói hơn đối với các vấn đề khu vực Nam bán cầu.

Phần lớn cam kết an ninh của TQ với các quốc gia châu Phi liên quan đến gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, chống cướp biển, viện trợ nhân đạo và giáo dục quân sự. Theo chính sách không can thiệp, Bắc Kinh đã hạn chế đưa quân đội trực tiếp tham gia các cuộc xung đột địa phương.

Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chuyên về quan hệ TQ - châu Phi tại ĐH Baptist (Hong Kong), cho rằng việc TQ thử nghiệm GSI tại châu Phi dường như là một lẽ dĩ nhiên và có thể đoán được. Phần lớn lực lượng giữ gìn hòa bình của TQ tập trung ở châu Phi, gần đây nhất là ở Mali và Nam Sudan. Theo ông Cabestan, trong bối cảnh một số nước châu Phi không hài lòng với vai trò của Pháp trong cuộc xung đột ở Mali và Burkina Faso thì TQ lại đang nắm bắt cơ hội để đề xuất hỗ trợ quân sự và an ninh cho châu lục gồm huấn luyện quân sự, cung cấp vũ khí và thiết bị an ninh...

Một lý do khác khiến TQ quan tâm đến an ninh châu Phi là vì Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào châu lục này, cũng như hiện có nhiều doanh nghiệp và nhân viên TQ tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án khác ở lục địa đen. Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh cũng coi hợp tác an ninh với châu Phi như một giải pháp thay thế sự hiện diện của Mỹ ở lục địa này.

Đây không phải là lần đầu TQ có những động thái gắn kết với châu Phi. Tại cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp mới nổi (BRICS) diễn ra vào tuần rồi ở Nam Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết với các lãnh đạo châu Phi rằng TQ sẽ đưa ra các sáng kiến hỗ trợ công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp của châu Phi.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã đổ hàng tỉ USD vào các khoản cho vay, viện trợ và đầu tư vào các quốc gia châu Phi vốn đã bị phương Tây phớt lờ từ lâu. Theo giới quan sát, rõ ràng là Bắc Kinh đã gặt hái được một số thành quả từ cách tiếp cận trên, chẳng hạn như nhận được sự hỗ trợ ngoại giao trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và tiếp cận các khoáng sản quan trọng (ở châu Phi) để cung cấp cho các ngành công nghiệp đang phát triển trong nước.

Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc - châu Phi lần thứ nhất diễn ra vào năm 2019. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Vai trò của lục địa đen với Bắc Kinh

Châu Phi đóng vai trò then chốt trong nỗ lực không ngừng của TQ nhằm xây dựng một cấu trúc thay thế của các thể chế toàn cầu hiện nay, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi thuộc ĐH Quốc phòng (Mỹ). Việc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) có sự đóng góp không nhỏ của Nam Phi - cũng là một trụ cột của BRICS. Ngân hàng này cung cấp một cơ chế bên ngoài Ngân hàng Thế giới (WB) cho phép các nước tiếp cận các khoản vay và các công cụ tài chính do TQ hậu thuẫn.

Bên cạnh đó, các nước châu Phi còn là chìa khóa trong nỗ lực của TQ nhằm cô lập Đài Bắc. Hiện tại, chỉ có một quốc gia châu Phi là Eswatini công nhận Đài Loan. Trên thực tế, các hiệp định song phương và khu vực của TQ ở châu Phi bao gồm hai yếu tố then chốt, đó là nguyên tắc “một TQ” và hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề quản trị toàn cầu. Những điều này được nêu rõ trong nhiều bản ghi nhớ khác nhau giữa Liên minh châu Phi và TQ, chẳng hạn như bản ghi nhớ của Diễn đàn Hợp tác TQ - châu Phi (FOCAC) 2021.

Theo tờ The New York Times, vì châu Phi là một chiến trường mới nổi trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng toàn cầu của các nước lớn nên không riêng gì TQ, nhiều nước cũng đang gia nhập cuộc đua tìm kiếm vai trò lớn hơn ở châu lục này.

Hồi năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng việc phát triển quan hệ với châu Phi “là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga”. Moscow hiện cũng đang đẩy mạnh hoạt động mở rộng liên kết thương mại và tranh thủ sự bất mãn của các thuộc địa cũ đối với Pháp để gia tăng ảnh hưởng của bản thân. Nga thậm chí còn tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với châu Phi tại TP St. Petersburg hồi tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, tiếng nói của Moscow dường như có dấu hiệu suy giảm khi Nga đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có chuyến công du đến châu Phi nhằm khôi phục hình ảnh của nước Pháp tại lục địa này. Hôm 28-8, phát biểu tại một cuộc gặp với các đại sứ Pháp tại Paris, ông Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố các chiến lược ngoại giao của nước Pháp trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên “phức tạp”, đặc biệt ở châu Phi, theo đài France 24.

Theo ông Danilo delle Fave, chuyên gia về an ninh TQ và nhà nghiên cứu tại Nhóm nghiên cứu an ninh quốc tế Verona (Ý), một lần nữa TQ tận dụng cơ hội gia tăng ảnh hưởng ở bất cứ nơi nào họ nhận thấy Nga và Pháp đang mất dần tiếng nói. Với việc các lệnh trừng phạt quốc tế có khả năng cản trở nỗ lực của Nga mở rộng bán vũ khí sang châu Phi, các nhà cung cấp vũ khí TQ có thể dễ dàng thâm nhập (và cũng có thể sẽ thống trị) các thị trường vũ khí tiềm năng trên khắp lục địa đen, theo hãng tin AFP.•

Căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc là ở châu Phi

Theo đài CGTN, căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của TQ là ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi, được hoàn thành vào năm 2017.

TQ cho biết căn cứ này có nhiệm vụ hỗ trợ công tác chống cướp biển, gìn giữ hòa bình và cứu trợ nhân đạo ở cả châu Phi và Tây Á.

“Việc thành lập căn cứ hỗ trợ ở Djibouti là quyết định chung của hai nước. Điều đó sẽ tốt hơn để TQ thực hiện trách nhiệm của mình trong cộng đồng quốc tế”, theo Bộ Ngoại giao TQ.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-quoc-thuc-day-anh-huong-o-chau-phi-post749114.html