Trung Quốc thành quốc gia thứ hai trên thế giới triển khai rộng mạng 5G
Trung Quốc đã chính thức khởi động mạng 5G trên toàn quốc vào ngày 1/11...
Trung Quốc đã chính thức khởi động mạng 5G trên toàn quốc vào ngày 1/11, trong bối cảnh nước này đối đầu căng thẳng với Mỹ và đặt kỳ vọng dẫn trước trong lĩnh vực mạng viễn thông thế hệ tiếp theo.
Với tốc độ truyền dữ liệu siêu nhanh, mang 5G có khả năng hỗ trợ những công nghệ mới nhất trên thế giới như xe không người lái hay phẫu thuật từ xa.
Theo hãng tin CNBC, các nhà mạng viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, gồm China Telecom, China Unicom và China Mobile đồng loạt triển khai những gói cước 5G có giá chỉ từ 128 Nhân dân tệ, tương đương 18 USD, mỗi tháng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng mức giá này có thể vẫn là quá cao để 5G được sử dụng rộng rãi tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Dịch vụ 5G cung cấp bởi các nhà mạng Trung Quốc khá tương đồng, có giá tối đa khoảng 599 Nhân dân tệ/tháng cho 300 gigabyte dữ liệu và 3.000 phút thoại.
Theo kế hoạch ban đầu, Trung Quốc sẽ bắt đầu triển khai mạng 5G vào năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch đã được đẩy nhanh.
Trung Quốc và Mỹ đang ở trong một cuộc chiến thương mại căng thẳng, đồng thời cũng là một cuộc đấu nhằm giành thế vị thế siêu cường số 1 thế giới về công nghệ. Trong đó, cuộc đua về công nghệ 5G diễn ra gay gắt hơn cả và thậm chí mang màu sắc chính trị. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm nay có nói rằng "cuộc đua đến 5G đang diễn ra và nước Mỹ phải thắng".
Mỹ đã gây sức ép lớn lên Huawei, hãng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và được xem là đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc. Washington cáo buộc Huawei là nguy cơ an ninh quốc gia, cho rằng thiết bị do Huawei sản xuất có cửa sau phục vụ cho mục đích nghe lén của Trung Quốc - những cáo buộc mà Huawei phủ nhận. Không chỉ "cấm cửa" Huawei, Mỹ còn thuyết phục các quốc gia khác không sử dụng thiết bị 5G do hãng này sản xuất.
Mạng 5G thương mại hiện đã có mặt tại hơn 50 thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thẩm Quyến, thông tấn Tân Hoa Xã cho hay.
Ngoài Trung Quốc, mới chỉ có duy nhất một nước khác là Hàn Quốc triển khai mạng 5G trên toàn quốc. Tại Mỹ, các nhà mạng lớn gồm AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint đã chạy mạng 5G nhưng chỉ ở một số thành phố nhất định.
Với việc triển khai mạng 5G toàn quốc, Trung Quốc đang trên đà trở thành thị trường 5G lớn nhất thế giới. Theo hiệp hội di động GSMA, Trung Quốc sẽ là nước có số lượng kết nối 5G lớn nhất vào năm 2025, lớn hơn nhiều so với con số của cả Bắc Mỹ và châu Âu gộp lại.
Trong một báo cáo công bố tuần này, công ty Jefferies dự báo Trung Quốc có 110 triệu người dùng 5G vào năm 2020, tương đương tỷ lệ thâm nhập 7%, so với mức 3% ở Hàn Quốc hiện nay.
Người tiêu dùng Trung Quốc có thể hào hứng với sự xuất hiện của 5G, nhưng vẫn còn một số thách thức đối với việc sử dụng rộng rãi 5G tại nước này. Dịch vụ 5G ở Trung Quốc hiện có giá rẻ hơn 4G tính trên mỗi gigabyte dữ liệu. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại mức giá vẫn là quá cao.
Nhà phân tích Edison Lee của Jefferies nói rằng giá cước 5G tính trên mỗi gigabyte ở Trung Quốc ngang với giá ở Hàn Quốc, cho dù thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc thấp hơn so với ở Hàn Quốc.
"Giá cước 5G bình quân ở Trung Quốc là 0,39 USD/gigabyte, so với mức 0,38 USD/gigabyte ở Hàn Quốc", ông Lee nhấn mạnh. "Nhưng thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn 69% so với của Hàn Quốc".
Một trở ngại nữa là việc còn thiếu các thiết bị 5G trên thị trường. Ở phân khúc cao cấp, Huawei có Mate 20 X 5G và Mate 30, còn Samsung có Note +. Các hãng Trung Quốc khác như Xiaomi, Vivo và ZTE cũng có thiết bị 5G, nhưng còn chưa đa dạng.
Ngoài ra, các nhà mạng sẽ phải thuyết phục người dùng về sự cần thiết phải chuyển sang dùng 5G. Một số nhà mạng Trung Quốc đang đưa ra các chương trình ưu đãi đối với một số thiết bị để khuyến khích người dùng nâng cấp lên 5G.
"Vấn đề nằm ở chỗ: người dùng thấy khác biệt gì lớn giữa 4G và 5G?. Hiện tại, họ không nhận thấy có nhiều khác biệt", nhà phân tích Vinod Nair thuộc Delta Partners nhận xét.