Trung Quốc tăng lương tối thiểu để kích thích tiêu dùng
Nâng cao thu nhập của nhóm người thu nhập trung bình và thấp đang trở thành 'chìa khóa vàng' để Trung Quốc kích thích nhu cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế.
Chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang đồng loạt tăng mức lương tối thiểu nhằm nâng cao sức mua của các nhóm người thu nhập trung bình và thấp, theo SCMP.
Đây đang được coi là một chiến lược trọng tâm để kích thích tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài.
Theo Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, 5 khu vực cấp tỉnh bao gồm Sơn Tây, Tứ Xuyên, hai khu tự trị Nội Mông và Tân Cương, cùng thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh, đã đồng loạt tăng mức lương tối thiểu, với mức tăng dao động từ 70 nhân dân tệ (9,55 USD) đến hơn 200 nhân dân tệ (27,3 USD) mỗi tháng.
Cụ thể, Trùng Khánh - một trong những đô thị lớn của Trung Quốc - đã nâng mức lương tối thiểu từ 2.000 nhân dân tệ (273 USD) lên 2.200 nhân dân tệ (300 USD), tương đương mức tăng 10%.
Trong khi đó, tỉnh lân cận Tứ Xuyên cũng tăng mức lương tối thiểu thêm 17,6%, từ 1.870 nhân dân tệ (255 USD) lên 2.200 nhân dân tệ (300 USD).
Tân Cương, khu vực trước đây có mức lương tối thiểu thấp nhất Trung Quốc với 1.540 nhân dân tệ/tháng (210 USD), nay đã tăng lên 1.750 nhân dân tệ (239 USD), tương đương mức tăng 13,6%.
Do sự khác biệt về mức sống giữa các khu vực, mỗi địa phương tại Trung Quốc có thể tự quy định mức lương tối thiểu riêng.
Hiện nay, Thượng Hải - trung tâm tài chính của Trung Quốc - giữ vị trí dẫn đầu với mức lương tối thiểu cao nhất cả nước, đạt 2.690 nhân dân tệ/tháng (367 USD), trong khi Bắc Kinh xếp thứ hai với 2.420 nhân dân tệ/tháng (330 USD).
Hiện tại, gần một nửa số chính quyền cấp tỉnh tại Trung Quốc đã điều chỉnh tăng lương tối thiểu, chủ yếu mang lại lợi ích cho công nhân nhà máy và người lao động dịch vụ thu nhập thấp như nhân viên vệ sinh, bảo vệ và thu ngân siêu thị.
Trước dự báo căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ leo thang, đặc biệt sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống, Trung Quốc đang tập trung thúc đẩy nhu cầu nội địa để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong đó, việc nâng cao thu nhập cho các nhóm thu nhập trung bình và thấp được coi là một giải pháp hiệu quả.
Ông Liu Shijin, cựu Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện, nhận định rằng Trung Quốc có tới 900 triệu người thuộc nhóm thu nhập thấp, chiếm 64,2% dân số.
Báo cáo công tác của chính quyền Bắc Kinh và tỉnh Chiết Giang, được trình bày tại kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân, nhấn mạnh rằng việc tăng thu nhập cho các nhóm trung bình và thấp sẽ giúp họ có “ý chí và khả năng chi tiêu” mạnh mẽ hơn - yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong một bài viết trên Economic Daily - tờ báo chuyên trách về kinh tế của nhà nước Trung Quốc - cũng nhấn mạnh cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động di cư và những người làm công ăn lương tại thành phố, để xây dựng hệ thống phân phối thu nhập mang lại lợi ích lớn hơn cho người lao động phổ thông.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy năm 2023, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của nhóm thu nhập thấp chỉ đạt 9.215 nhân dân tệ/năm (1.258 USD), tức 768 nhân dân tệ/tháng (105 USD).
Nhóm thu nhập trung bình thấp có mức thu nhập cao hơn, đạt 20.442 nhân dân tệ/năm (2.790 USD).
Bên cạnh tăng lương tối thiểu, chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích các lãnh đạo đi đầu trong việc thúc đẩy tiêu dùng. Tại một quận ở Trùng Khánh, một lãnh đạo đã kêu gọi cán bộ công chức chủ động mua sắm, ăn uống bên ngoài để “truyền cảm hứng tiêu dùng, dẫn đầu xu thế và định hướng thói quen chi tiêu” trong cộng đồng.