Trung Quốc ngừng nổ mìn trên sông Mekong?

Trung Quốc khẳng định sẽ hủy bỏ kế hoạch dùng mìn phá bỏ những cồn đá và bãi nổi trên khu vực thượng lưu sông Mekong.

Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai mới đây cho biết, Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch nổ mìn phá đá và cồn bãi trên sông Mekong nước này từng vạch ra trước đây trên khu vực thượng lưu sông Mekong.

Trung Quốc hủy đặt mìn phá đá trên sông Mekong

Kế hoạch này đã từng vấp phải những quan ngại sâu sắc của các quốc gia phía hạ lưu về hệ lụy.

Ngoại trưởng Thái Lan cho hay, việc Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch trên đã được thảo luận và nhất trí trong chuyến công du tới Bangkok tháng trước của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Ông Vương đã thừa nhận những lo ngại của Thái Lan, Lào và Myanmar về các tác động tiêu cực tiềm ẩn trong kế hoạch nổ mìn khai thông dòng chảy.

"Các vụ nổ nhằm mở đường cho những tàu thuyền lớn lưu thông sẽ ảnh hưởng tới đời sống của người dân cũng như các loài cá trong sông.

Chúng tôi đã đề nghị với phía Trung Quốc là không cần nổ mìn phá các cồn nổi trong sông và người đồng cấp Trung Quốc của chúng tôi đã chấp thuận với sự thấu hiểu thiện chí" - Ngoại trưởng Thái Lan cho hay.

Việc nổ mìn phá đá và cồn bãi trên sông Mekong ngoài tác động về hệ sinh thái còn có thể làm thay đổi dòng chảy của dòng sông trọng yếu chảy xuyên suốt 5 quốc gia, thậm chí còn có thể tác động tới các ranh giới lãnh thổ.

Kế hoạch nổ mìn phá đá, bãi cồn trên Sông Mekong được cho là tham vọng mở rộng thủy lộ nối miền nam Trung Quốc tới các nước hạ du Mekong để tàu lớn có thể đi lại của Bắc Kinh.

Dùng mìn phá các ghềnh đá và cồn nhỏ nhằm mục đích để tàu thủy cỡ lớn có thể dễ dàng lưu thông, tăng cường thương mại giữa Trung Quốc với các vùng của Đông Nam Á.

Hồi tháng 4/2017, 3 tàu Trung Quốc đem theo 60 kỹ sư đã bắt đầu một cuộc khảo sát theo sự chỉ đạo của một công ty tư vấn, chi nhánh của Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước.

Nhiệm vụ của các kỹ sư là khảo sát tất cả những trở ngại đối với tuyến thủy lộ dài 96km từ giữa Thái Lan và Lào.

Người Trung Quốc tỏ ra quyết tâm chế ngự các đoạn sông chảy xiết, các ghềnh đá lởm chởm để mở ra một tuyến đường sông thương mại.

Một kỹ sư thuộc đội khảo sát nói với Asia Times vào thời điểm đó, đội của anh ta coi công việc của họ là một phần chiến dịch Một vành đai, Một con đường, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng đa quốc gia mà chính phủ Trung Quốc chủ trương.

Theo sáng kiến này, các kết nối hạ tầng sẽ giúp Trung Quốc trở thành một trung tâm thương mại quốc tế.

Phía Trung Quốc đã cho nổ mìn lần đầu vào năm 2002 tại khu vực biên giới Lào - Myanmar. Mìn đã phá hủy tất cả ghềnh đá và đảo nhỏ, mở ra tuyến đường thủy hướng tới cảng Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan. Lần đầu tiên, tàu hàng 200 - 300 tấn đã có thể đi từ Trung Quốc tới Thái Lan.

Niwat Roykaew, Chủ tịch Nhóm bảo tồn Chiang Khong (Thái Lan) đã cực lực lên án kế hoạch của Trung Quốc.

“Nổ mìn phá đá trên sông Mekong sẽ tàn phá khu vực sinh sản của các loài cá, ảnh hưởng đến hoạt động di trú của các loài chim và hủy hoại công việc canh tác nông nghiệp hai bên bờ sông. Việc đó sẽ giết chết sông Mekong” - vị này cho biết.

Wiroon Kampilo, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại tỉnh Chiang Rai nói với báo chí địa phương: “Các doanh nghiệp Thái Lan sẽ không được gì từ thủy lộ này cả, chúng chỉ có lợi cho người Trung Quốc”.

Thuyền cắm cờ Trung Quốc chở theo các kỹ sư khảo sát khu vực đánh mìn phá đá. Ảnh: Asia Times

Từng trả lời Báo Đất Việt về kế hoạch này của Bắc Kinh, GS.TS Nguyễn Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, về mặt xây dựng, việc dùng chất nổ đánh sâp thác ghềnh nhằm phục vụ cho giao thông thuận tiện hơn, quốc tế không cấm và các nước được phép làm.

Tuy nhiên, khi nào hoạt động trên gây ô nhiễm môi trường, làm mất đường cá đi hay xây dựng thêm các công trình khiến khu vực hạ lưu bị mất nước, mất phù sa thì Ủy hội sông Mekong cần lên tiếng.

Việc lên tiếng này sẽ bao gồm cả yêu cầu từ phía Trung Quốc xem mục đích họ cho nổ mìn khai thác các điểm trên sông Mekong là gì. Liệu có đúng là để phục vụ giao thông đường thủy loại nhỏ hay xây dựng những công trình để nâng tàu.

"Mekong là dòng sông thông thương của các nước. Nếu Trung Quốc bạt đá và không xây dựng công trình nào để bắt tàu bè đi theo sự kiểm soát thì ủng hộ" - ông Hồng nói.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/trung-quoc-ngung-no-min-tren-song-mekong-3376020/