Trung Quốc 'hụt hơi' trong nỗ lực ứng phó với khủng hoảng dân số già
Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng nhưng dường như Bắc Kinh khá lúng túng và chưa có kế hoạch bắt kịp được tốc độ này.
Cô Chen Yingbing, một doanh nhân trẻ từng kỳ vọng sẽ thành công trong xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả để chăm sóc cho dân số đang già đi nhanh chóng của Trung Quốc. Tuy nhiên, không lâu sau khi mở trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở phía Bắc thành phố Thiên Tân, đại dịch Covid-19 lại khiến công việc kinh doanh đình trệ.
Theo các quy định phong tỏa để phòng dịch, các viện dưỡng lão buộc phải đóng cửa để ngăn dịch bệnh bùng phát, ngay cả nhân viên điều dưỡng cũng không được tự do di chuyển.
“Người cao tuổi không thể tự do đi lại, họ cần được xét nghiệm khi ra viện và gia đình họ cũng không được vào thăm. Vì thế, lượng khách hàng lớn tuổi giảm đi rất nhiều”, cô Chen, 35 tuổi tâm sự. Cô cho biết, trung tâm của cô hiện có tỷ lệ lấp đầy là 30%.
Khủng hoảng dân số già
Thiên Tân có chính sách miễn tiền thuê cho các viện dưỡng lão giúp giảm bớt một số áp lực nhưng hiện Chen lại phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên điều dưỡng trẻ.
“Ở đây, những điều dưỡng chuyên chăm sóc người cao tuổi ở độ tuổi 50 đã được coi là trẻ. Khả năng các bạn trẻ chọn nghề này cũng không cao bởi công việc khá vất vả, nhiều gian khổ", cô Chen nói thêm.
Kể từ năm 2021, trung tâm của cô Chen đã trở thành cơ sở đào tạo thực tế cho các sinh viên ngành chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại một trường dạy nghề địa phương. Đây là ngành học mới được Trung Quốc đưa vào đào tạo từ 3 năm trước đây nhằm đối phó với tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng.
Các sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ được đào tạo kỹ thuật tốt, có khả năng giao tiếp, trò chuyện với người lớn tuổi, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer.
Những vấn đề mà cô Chen đang gặp phải phần nào phản ánh khó khăn, thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt khi dân số ngày càng già đi và lực lượng lao động bị thu hẹp. Cấu trúc nhân khẩu học thiếu cân bằng, ảnh hưởng khá nhiều từ chính sách một con trước đây, cùng với tỷ lệ sinh ngày càng giảm mạnh, có thể dẫn đến hệ lụy là xã hội Trung Quốc sẽ không đủ lực lượng trẻ để chăm sóc người già.
Theo dữ liệu điều tra dân số chính thức, năm 2022, số người từ 65 tuổi trở lên của Trung Quốc là 209,78 triệu người, chiếm 14,85% dân số. Con số này đã tăng từ 200 triệu người vào năm 2021. Năm 2020, Trung Quốc có 36,6 triệu người trên 80 tuổi, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 159 triệu vào năm 2050.
Điều này đồng nghĩa việc chăm sóc người cao tuổi sẽ sớm trở thành một vấn đề nghiêm trọng, theo một báo cáo công bố vào tháng Hai của chuyên gia kinh tế Trung Quốc Ren Zeping. Nền kinh tế lớn nhất châu Á đang mất đi lợi thế nhân khẩu học và căng thẳng đang gia tăng đối với lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi cũng như quỹ hưu trí của đất nước.
Tổng quỹ lương hưu của Trung Quốc là khoảng 13 nghìn tỷ NDT (khoảng 1,8 tỷ USD), với bảo hiểm cơ bản chi trả cho khoảng 1 tỷ người. Trong bối cảnh số lượng người lao động đóng góp vào hệ thống lương hưu công cộng ngày càng ít đi, quỹ này dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong vòng hai thập niên tới, khi các khoản đóng góp thấp hơn các khoản chi trả cho số người về hưu.
"Ở Mỹ và Anh, dịch vụ chăm sóc người già đã trở thành ngành kinh doanh lớn, nhưng các công ty tư nhân ở Trung Quốc dường như không mấy mặn mà dù đây là thị trường rất lớn và tiềm năng", ông Ren cho hay.
Gao Huajun, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu từ thiện Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh thông tin tại một hội nghị vào ngày 13/2, khả năng sinh lời kém của hầu hết các trung tâm chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc có tác động trực tiếp đến tính bền vững của ngành. Phần lớn đều có lợi nhuận âm trong nhiều năm".
Việc các trung tâm chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch kéo dài 3 năm qua đã buộc chính phủ phải đưa ra các khoản trợ cấp, miễn tiền thuê nhà và các biện pháp cứu trợ khác.
“Công bằng mà nói, nếu không có những biện pháp này, có thể các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là các trung tâm tư nhân còn bị lỗ nặng hơn nữa”, ông Huajun nói.
Thị trường giàu tiềm năng
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc đang chứng kiến sự gia tăng số lượng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi vì lợi nhuận ngày càng cao, với mức tăng gần 40 lần từ năm 2013-2020, theo ông Gao.
“Vấn đề lớn nhất với tình trạng già hóa ở Trung Quốc vẫn là tầng lớp trung lưu không được chăm sóc y tế sau khi về già. Họ thiếu người chăm sóc. Họ kiếm được mức thu nhập khá và thậm chí có một số nguồn lực xã hội thuận lợi, nhưng lại chưa được hưởng sự chăm sóc tương ứng như những công dân tại các quốc gia có ngành chăm sóc người cao tuổi phát triển", ông Gao cho hay.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025, Bắc Kinh khuyến khích xây dựng thêm các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và đào tạo nhân viên điều dưỡng quy mô lớn.
Theo Bộ Dân chính, năm 2021, Trung Quốc cần ít nhất 2 triệu điều dưỡng viên, không bao gồm những người làm việc trong các dịch vụ chăm sóc tại nhà.
Nhật Bản, quốc gia cũng đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp và dân số già đang đổi mới chính sách để đảm bảo người cao tuổi sẽ được chăm sóc trong những thập niên tới. Nhiều thiết bị hỗ trợ công nghệ cao như hơn 4.000 loại đũa đặc biệt và hơn 3.000 loại xe lăn, đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi khuyết tật.
“Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể theo kịp sự phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các thiết bị hỗ trợ công nghệ cao nhập khẩu của Nhật Bản dành cho người già luôn đắt hàng tại các trung tâm thương mại của Trung Quốc", ông Gao dẫn chứng.
Ủy ban Y tế quốc gia từng sử dụng thuật ngữ “9073” để mô tả dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc, có nghĩa là khoảng 90% đang ở nhà, khoảng 7% dựa vào cộng đồng và 3% đang ở trong các trung tâm chăm sóc.
“Vấn đề là nhu cầu của người cao tuổi đã bị kìm hãm, và những nhu cầu tiềm tàng này đòi hỏi thị trường phải đáp ứng", Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu từ thiện Trung Quốc nhận định.