Trung Quốc hạn chế bán gallium và germanium thúc đẩy các nước đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu gallium và germanium có thể thúc đẩy một số quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
“Điều này có thể là lời cảnh tỉnh với một số quốc gia để dần dần xây dựng cơ sở sản xuất gallium và germanium ở nơi khác. Trong khi nếu Trung Quốc không làm gì cả (không kiểm soát xuất khẩu kim loại – PV), hầu hết các nước thế giới sẽ hoàn toàn hài lòng tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc”, chuyên gia Stewart Randall của công ty tư vấn Intralink (có trụ sở ở thành phố Thượng Hải) nói với trang CNBC.
Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu hai kim loại gallium và germanium (vật liệu quan trọng để sản xuất chất bán dẫn) bắt đầu từ ngày 1.8. Đây được coi là lời cảnh báo với châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến công nghệ về chip tiên tiến.
Gallium được dùng trong thiết bị liên lạc vô tuyến, radar, vệ tinh, đèn LED cho đến cục sạc ĐTDĐ. Gallium ở dạng nguyên chất có thể tan chảy trong tay của bạn nhưng không được nhiều người biết đến. Trong một số hợp chất, gallium trở thành vật liệu đáng mơ ước cho chất bán dẫn.
Germanium được sử dụng trong chip máy tính tốc độ cao, nhựa và trong các ứng dụng quân sự như thiết bị nhìn đêm, cảm biến hình ảnh vệ tinh.
Trung Quốc sản xuất 60% germanium và 80% gallium toàn cầu, dựa trên dữ liệu từ Liên minh Nguyên liệu thô quan trọng (Critical Raw Materials Alliance).
Cả Ủy ban châu Âu và Mỹ đều bày tỏ lo ngại về biện pháp kiểm soát xuất khẩu kim loại của Trung Quốc.
"Việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu các kim loại này thực sự là một cảnh báo. Nó nhắc nhở các quốc gia châu Âu rằng họ cần có chuỗi cung ứng riêng của mình", Brady Wang, Phó giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, nói với CNBC.
Trung Quốc có thể áp đặt nhiều hạn chế hơn
Luisa Moreno, Chủ tịch công ty khai thác mỏ Defense Metals Corp, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu kim loại, có thể bao gồm cả đất hiếm.
Đất hiếm rất cần thiết cho các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao như smartphone và thiết bị quân sự như hệ thống radar. Đất hiếm là hợp chất gồm 17 nguyên tố, gồm cả scandium, yttrium và lanthanides.
“Chúng tôi có khả năng tiếp tục thấy các hạn chế xuất khẩu và điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến các vật liệu khác như đất hiếm, mà Trung Quốc kiểm soát hơn 85% sản lượng”, Luisa Moreno cho biết.
Trung Quốc tạo ra phần lớn gallium và germanium trên thế giới nhưng không phải là nhà sản xuất duy nhất. Nga, Ukraine, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sản xuất gallium, theo một nghiên cứu năm 2021 của chính phủ Ấn Độ. Canada, Đức, Nhật Bản, Slovakia và Mỹ tái chế gallium từ phế liệu mới.
Bỉ, Đức và Nga có thể sản xuất germanium, dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Mỹ cũng có thể tái chế phế liệu mới và cũ để lấy germanium.
Teck Resources (Canada) là đơn vị sản xuất germanium lớn nhất Bắc Mỹ. Tập đoàn Indium (Mỹ) cũng sản xuất germanium. Umicore (Bỉ) sản xuất cả gallium lẫn germanium.
Theo Liên minh Nguyên liệu thô quan trọng, chỉ có vài đơn vị ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đủ năng lực sản xuất gallium đạt độ tinh khiết cần thiết.
Theo Hải quan Trung Quốc, nước này xuất khẩu 94 tấn gallium vào năm ngoái, tăng 25% so với 2021.
“Gallium và germanium không phải là kim loại độc nhất. Trung Quốc là nhà cung cấp chính hai kim loại này và điều đó giúp giữ giá chúng ổn định”, chuyên gia John Strand của công ty tư vấn viễn thông Strand Consult cho biết.
Clete Willems, thành viên công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld, nhận xét: “Quan điểm của tôi là ngay cả khi Trung Quốc thực hiện việc kiểm soát xuất khẩu kim loại mạnh mẽ, điều đó thực sự sẽ tác động đến giá nhiều hơn là nguồn cung tổng thể”.
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhập khẩu các kim loại quý như cobalt, than chì, lithium, nickel, đất hiếm và nhiều hợp chất khác… không phải là chuyện mới. Song, lệnh hạn chế xuất khẩu gallium và germanium đang gây ra mối lo ngại trên thế giới.
Trên thực tế, Trung Quốc có vai trò rất lớn trong chuỗi cung ứng khoáng sản khi đang cung cấp gần 90% lượng đất hiếm đã qua xử lý và là một trong những nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới. Do vậy, thị trường rất lo lắng bởi nếu Trung Quốc mở rộng các khoáng sản hạn chế xuất thì giá thành sẽ tăng gấp nhiều lần.
Vì vậy, cuộc đua kiểm soát nguồn khoáng sản quan trọng đang trở thành mặt trận kinh tế mới mà nhiều quốc gia lớn phải tham gia. Nếu như trong thập niên 1970, nền kinh tế thế giới từng chao đảo khi dầu mỏ bị các ông hoàng Ả Rập coi như một loại "vũ khí" để giành lợi thế thì giờ đây, nhiều quốc gia đang có mối lo tương tự khi Trung Quốc nắm giữ vị thế độc tôn trong việc cung cấp và chế biến các khoáng sản quan trọng.
Trong bối cảnh phương Tây siết các biện pháp xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, việc nắm giữ lợi thế về sở hữu các khoáng sản quan trọng đang giúp Bắc Kinh có công cụ đáp trả rất lợi hại.
Vị thế dẫn đầu trong chuỗi cung ứng kim loại, hợp chất quý đang hỗ trợ Trung Quốc rất nhiều, song lợi thế này không phải có được trong một sớm một chiều. Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược với khoáng sản rất sớm, từ những năm 1990 và từng bước đưa nước này trở thành nhân tố không thể bỏ qua trong chuỗi giá trị công nghiệp.
Sự xuất hiện của vonfram và đất hiếm giá rẻ từ Trung Quốc làm ngập thị trường thế giới, khiến hàng loạt mỏ tại phương Tây buộc phải đóng cửa. Hơn nữa, Trung Quốc cũng chi rất nhiều tiền để sở hữu các mỏ khoáng sản khác bên ngoài lãnh thổ.
Hình thành các liên minh khoáng sản mới
Khi các nền kinh tế lớn đầu tàu nhận thấy dễ bị tổn thương, trong khi các loại khoáng sản lại là thứ không thể thiếu với tương lai năng lượng sạch thì cuộc đua sở hữu, kiểm soát những loại khoáng sản này đang ngày càng nóng. Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đang là những khu vực quan trọng mà các quốc gia phát triển hướng tới thiết lập các liên minh nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản.
Cuối tháng 3.2023, Mỹ - Canada tuyên bố thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng mạnh mẽ ở Bắc Mỹ để đảm bảo phát triển việc khai thác, chế biến và tái chế các khoáng sản quan trọng ở hai nước, từ đó thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, ô tô điện, chất bán dẫn, hàng không vũ trụ…
Năm 2022, Quốc hội Mỹ đã quyết định cung cấp cho các công ty Mỹ và Canada khoản tài trợ 250 triệu USD để khai thác, chế biến khoáng sản quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô điện, pin.
Ngày 14.6, Liên minh châu Âu (EU) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chile (thuộc top 3 nước sở hữu lithium lớn nhất thế giới, chiếm 36% trữ lượng toàn cầu). Dự kiến một biên bản ghi nhớ sẽ sớm được hai bên ký kết nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoán sản.
Hai quốc gia khác thuộc tam giác lithium ở châu Mỹ Latinh là Argentina và Chile cũng vừa ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với EU trong việc thúc đẩy khai thác lithium.
Cuối tháng 6, Trung Quốc, Nga và Bolivia (quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới) đã có thỏa thuận khai thác khoáng sản mang tính lịch sử.
Tập đoàn Rosatom (Nga) và Citic Guoan (Trung Quốc) công bố đầu tư 1,4 tỉ USD để xây dựng các nhà máy xử lý chiết xuất lithium tại Bolivia.
Ngày 4.7, Úc và Indonesia (hai cường quốc về khai khoáng) đã ký thỏa thuận phát triển pin ô tô điện được giới phân tích đánh giá là "đôi bên cùng có lợi". Úc là nhà cung cấp lithium lớn nhất thế giới, còn Indonesia có trữ lượng nickel lớn nhất. Cả hai kim loại này đều là thành phần chính trong sản xuất pin ô tô điện.