Trung Quốc dự định xây siêu đập mới tại Tây Tạng với công suất gấp 3 lần Tam Hiệp
Siêu đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng có tổng giá trị đầu tư lên đến 137 tỷ USD sẽ có công suất gấp 3 lần Tam Hiệp, con đập lớn nhất thế giới hiện nay.
Tân Hoa xã ngày 25/12 thông tin, Trung Quốc đã phê duyệt dự án xây dựng thủy điện khổng lồ trên sông Yarlung Tsangpo dài nhất Tây Tạng. Dự kiến, dự án thủy điện mới sẽ có công suất gần 300 tỷ kWh/năm gấp hơn 3 lần so với đập Tam Hiệp với công suất 88,2 tỷ kWh/năm.
Theo Tân Hoa xã, tổng mức đầu tư vào dự án siêu đập này có thể vượt con số 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 137 tỷ USD), lớn hơn bất kỳ dự án hạ tầng đơn lẻ nào khác trên thế giới.
Siêu đập mới sẽ được xây dựng tại một trong những khu vực có lượng mưa nhiều nhất tại Trung Quốc đại lục nơi sông Yarlung Tsangpo chảy qua cao nguyên Tây Tạng tạo ra hẻm núi sâu nhất thế giới có độ chênh lệch độ cao lên tới 7.667m.
Trước đó, năm 2020, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc Yan Zhiyong cho biết khu vực dự kiến xây siêu đập trên sông Yarlung Tsangpo là một trong những nơi nhiều tiềm năng phát triển thủy điện nhất trên thế giới.
Song, siêu dự án đập thủy điện nói trên cũng đối mặt với nhiều thách thức về mặt kỹ thuật.
Cụ thể, để khai thác tối đa tiềm năng thủy điện của con sông, các công nhân Trung Quốc cần khoan từ 4-6 đường hầm dài 20km xuyên qua núi Namcha Barwa để nắn một nửa dòng chảy của sông Yarlung Tsangpo với lưu lượng nước khổng lồ lên tới 2.000m3/giây.
Bên cạnh đó, địa điểm xây dựng siêu đập nằm dọc theo khu vực có mảng kiến tạo địa chất nhiều biến động với nguy cơ xảy ra động đất cao. Đồng thời, điều kiện địa chất của cao nguyên Tây Tạng cũng có khác biệt lớn so với các vùng đồng bằng.
Theo Tân hoa xã, siêu dự án thủy điện mới sẽ trú trọng vào việc bảo vệ môi trường thông qua các cuộc khảo sát địa chất sâu rộng cùng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo dự án được triển khai một cách an toàn với chất lượng cao.
Bên cạnh đó, siêu đập mới cũng giúp tăng cường phát triển các nguồn năng lượng sạch khác như điện mặt trời và điện gió trong khu vực hướng tới chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh và trung hòa carbon của Trung Quốc để đối phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.