Trung Quốc đối diện nguy cơ giảm phát

Theo tờ Tinh Đảo của Hong Kong (Trung Quốc), dữ liệu lạm phát được cơ quan chức năng Trung Quốc công bố thấp hơn kỳ vọng của thị trường cho thấy nhu cầu tiếp tục suy yếu.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Tinh Đảo của Hong Kong (Trung Quốc), dữ liệu lạm phát được cơ quan chức năng Trung Quốc công bố thấp hơn kỳ vọng của thị trường cho thấy nhu cầu tiếp tục suy yếu. Điều đó đã làm sâu sắc thêm sự lo ngại của thị trường đối với nguy cơ giảm phát của Trung Quốc.

Đối diện với sức ép giảm phát, chính quyền trung ương cần đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn để phục hồi niềm tin tiêu dùng của người dân và đầu tư của doanh nghiệp, nhằm lấy lại động lực tăng trưởng kinh tế và tránh giá cả tiếp tục lao dốc.

Trong tháng 6/2023, Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận lạm phát bằng 0 trong hai năm rưỡi trở lại đây. Trước đó, thị trường kỳ vọng tỷ lệ lạm phát duy trì mức 0,2% của tháng Năm, đồng thời chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng thấp hơn kỳ vọng, giảm 5,4% so với cùng kỳ, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong 7 năm và là tháng giảm thứ 9 liên tiếp.

Hai dữ liệu nói trên đều cho thấy Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ giảm phát gia tăng, do CPI về 0 và PPI liên tục suy giảm phản ánh động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch yếu đi, các nhà sản xuất Trung Quốc đang đối diện với vấn đề giá cả hàng hóa chiến lược đi xuống và nhu cầu bên trong lẫn bên ngoài sụt giảm. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục kiềm chế chi tiêu hoặc đầu tư để chờ giá cả tiếp tục giảm thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến vòng xoáy giảm giá. Điều này chắc chắn sẽ kéo sụt tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5% của năm nay.

Trên thực tế, các chỉ bảo kinh tế quan trọng của Trung Quốc đều đang xấu đi. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của tháng Năm lần đầu tiên rơi xuống mức âm, mặc dù đầu tư tài sản cố định tăng 4% so với cùng kỳ nhưng giảm 0,7 điểm phần trăm với 4 tháng đầu năm. Tiêu dùng tuy tăng 12,7% so với cùng kỳ, nhưng giảm 5,7 điểm phần trăm so với tháng trước đó.

Điều này cho thấy Trung Quốc đang đối diện với ba thách thức lớn: Một là nhu cầu bên ngoài thu hẹp, sự suy yếu của các nền kinh tế bên ngoài và những thay đổi của cục diện kinh tế-thương mại quốc tế khiến cho đơn đặt hàng ngoại thương sụt giảm; hai là niềm tin đầu tư của doanh nghiệp yếu, đầu tư giảm dẫn đến việc làm ít; ba là tiêu dùng suy yếu, người dân không sẵn sàng và không dám chi tiêu quá mức.

Trên thực tế, vấn đề thứ nhất của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là thiếu thanh khoản, vấn đề thứ hai là thiếu niềm tin. Tính đến cuối tháng 5/2023, quy mô tiết kiệm của người dân Trung Quốc đạt 274,9 tỷ NDT (38,25 tỷ USD), nhưng người dân lại không sẵn sàng tiêu dùng do tài sản họ sở hữu bao gồm bất động sản và giá cổ phiếu liên tục suy giảm, gây nên hiệu ứng tài sản tiêu cực, cộng thêm các yếu tố như doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh và sa thải nhân viên. Kỳ vọng tăng trưởng doanh thu tương lai bi quan, xu hướng tích trữ, tăng cường dự trữ, cắt giảm chi tiêu… khiến cho nhu cầu trong nước và đầu tư suy yếu.

Do đó, việc Chính phủ Trung Quốc giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vẫn chưa thể "kê đơn đúng thuốc". Mấu chốt là làm thế nào để khôi phục niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

Các chuyên gia thị trường và kinh tế kiến nghị nên tập trung vào việc kích thích tài khóa và ổn định thị trường bất động sản mới có thể duy trì sự vận hành của nền kinh tế, bởi vì bất động sản đóng góp khoảng 1/4 cho GDP, và đóng góp 38% vào ngân sách chính phủ trước khi giá bất động sản lao dốc. Chính phủ có lẽ cần nới lỏng hợp lý các chính sách như hạn chế mua, hạn chế giá… để người dân lấy lại niềm tin tham gia thị trường, đồng thời giúp các nhà phát triển thu hồi vốn, giải tỏa vấn đề thiếu dòng vốn và khôi phục niềm tin đầu tư.

Tuy nhiên, chính quyền trung ương lo ngại nới lỏng hạn chế mua sẽ vi phạm nguyên tắc “nhà để ở không để đầu cơ”, thậm chí lo lắng hơn việc nới lỏng hạn chế giá có thể khiến cho giá nhà lao dốc một cách không kiểm soát, dẫn đến hiệu ứng domino như giá bất động sản tiếp tục lao dốc, nguồn thu thuế của chính quyền địa phương giảm mạnh, tài sản của người dân thu hẹp… Bên cạnh đó, chính quyền trung ương cũng lo ngại về tác động của việc tung ra các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn; điều này cần xử lý thận trọng, tránh chính sách gây nên tác dụng phụ nghiêm trọng./.

Thạch Bình (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-doi-dien-nguy-co-giam-phat/299477.html