Trung bộ vẫn còn 13.000 ngôi nhà ngập trong nước lũ

Đến cuối ngày hôm qua, toàn khu vực Trung bộ như Phú Yên, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi vẫn còn 13.000 ngôi nhà ngập trong nước lũ từ 20-60cm, cao điểm có hơn 20.000 ngôi nhà bị ngập.

Thống kê từ Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến cuối ngày 16/11, mưa lũ tại các tỉnh Trung bộ đã khiến 5 người chết và mất tích, trong đó Quảng Trị 1 người chết, 2 người mất tích; Thừa Thiên- Huế 1 người chết và 1 người mất tích. Đáng nói, đến cuối ngày hôm qua toàn khu vực Trung bộ như Phú Yên, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi vẫn còn 13.000 ngôi nhà ngập trong nước lũ từ 20-60cm, cao điểm có hơn 20.000 ngôi nhà bị ngập.

Ngoài ra, còn có 172 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị 118ha; Đà Nẵng 4ha, Khánh Hòa 50ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị) bị ngập.

Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên- Huế vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm về vùng lũ Quảng Điền hỗ trợ người dân bước đầu

Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên- Huế vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm về vùng lũ Quảng Điền hỗ trợ người dân bước đầu

Về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có 1.100 con gia súc, gia cầm (Quảng Trị 1.034, Đà Nẵng 56); 2 ha nuôi trồng thủy sản (Quảng Trị) bị thiệt hại.

Đáng nói, vào cao điểm của nước lũ, TP Huế có đến 85% các tuyến đường bị ngập, gây ách tắc giao thông trên diện rộng như quốc lộ 1A, quốc lộ 49B…nhiều tuyến đường liên thôn, xã cùng bị ngập. Tuy nhiên, đến cuối ngày, nước đã rút dần, quốc lộ 1A đã thông tuyến.

Vào 18h chiều 16/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Trung bộ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì họp ứng phó và khắc phục với lũ tại các tỉnh Trung bộ (ảnh VGP)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì họp ứng phó và khắc phục với lũ tại các tỉnh Trung bộ (ảnh VGP)

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp cùng tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là hồ Tả Trạch.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chú trọng việc huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm trang thiết bị tốt nhất có thể cho các lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ, cứu nạn, bao gồm cả xuồng, phao cứu sinh.

Hoãn tọa đàm kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam

Tại Thừa Thiên- Huế, do tình hình mưa lũ, Sở GD-ĐT tỉnh này đã có thông báo về việc hoãn tổ chức tọa đàm kỷ niệm 41 năm ngày truyền thống 20/11 để tập trung khắc phục hậu quả bão lụt và chuẩn bị các điều kiện trở lại học tập sau lũ cho học sinh.

Các trường học theo tinh thần chung cần tổ chức gọn, nhẹ, vừa sinh hoạt chủ điểm 20/11 vừa tập trung ổn định tình hình dạy học trở lại sau lũ, đảm bảo chương trình nhà trường không bị gián đoạn.

Hoạt động kỷ niệm tùy điều kiện thực tế từng trường, cơ sở giáo dục, tập trung hướng đến ôn lại truyền thống tự hào về ngành, về thầy cô bằng các hoạt động thiết thực; động viên đội ngũ thầy cô giáo vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp trước thiên tai bão lũ; quan tâm hỗ trợ học tập thuận lợi cho học sinh, đặc biệt đối với các vùng còn ngập sâu, giáo viên và học sinh phải nghỉ dài ngày.

Dịp này, Sở GD-ĐT Thừa Thiên- Huế cũng thông báo không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa, quà tặng chúc mừng 20/11. Đồng thời, bày tỏ mong muốn luôn tiếp tục được nhận nhiều sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, cơ quan và địa phương để giáo dục và đào tạo Thừa Thiên -Huế có nhiều điều kiện phát triển.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-bo-van-con-13000-ngoi-nha-ngap-trong-nuoc-lu-post558167.antd