Trump 2.0 có thể mang tới nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam

Tiến sĩ Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE nhìn nhận, nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump sẽ mang lại nhiều bài toán mới cho nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Tiến sĩ Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE

Tiến sĩ Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE

Trump 2.0 sẽ quyết liệt hơn Trump 1.0

Năm vừa rồi cả thế giới cùng chứng kiến một sự kiện rất lớn mang tên "Trump 2.0". Có lẽ đây là một trong số những vị tổng thống Mỹ tốn nhiều giấy mực nhất của báo giới. Theo ông, trong lần tái đắc cử này, ông Donald Trump sẽ có gì khác so với nhiệm kỳ cũ?

Ông Hồ Sỹ Hòa: Theo tôi, Trump 2.0 sẽ có những điểm giống và điểm khác so với nhiệm kỳ trước đó.

Điểm giống nhất thì ông vẫn có một mục tiêu là Trung Quốc. Trong chính sách vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần khẳng định là sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Mức tăng thuế bình quân là khoảng 10%, riêng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên rất cao, có thể lên tới 60%.

Ngoài Trung Quốc ra thì trong nhiệm kỳ mới này, ông Trump còn có hai mục tiêu khác nữa là Mexico và Canada. Đây là những quốc gia đang có thặng dư thương mại với Mỹ rất lớn.

Tổng thống Donald Trump từ nhiệm kỳ trước đã thể hiện là một người rất mạnh mẽ, trực diện, muốn làm gì sẽ tuyên bố rất thẳng thắn. Theo ông, trong nhiệm kỳ mới này, ông Trump có duy trì nhịp độ thay đổi nhanh chóng và quyết liệt như trước?.

Ông Hồ Sỹ Hòa: Tôi nghĩ là cũng sẽ tương tự, thậm chí có phần còn ‘gắt’ hơn trước. Ngay bây giờ, khi còn chưa chính thức nhậm chức, ông Trump cũng đã có phát biểu liên quan đến ngoại giao, cách ứng xử với các quốc gia khác.

Chẳng hạn, gần đây khi nhắc tới cộng đồng các quốc gia BRICS, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia này.

Tuyên bố được đưa ra khi nhóm quốc gia này muốn hình thành một đồng tiền riêng để giao dịch thương mại, tránh bị ảnh hưởng bởi đồng đô la Mỹ đang ngày càng mạnh lên.

Có thể thấy, dù chưa nhậm chức nhưng ông Trump đã phát biểu và phản ứng ngay lập tức với các thông tin đi ngược lại chính sách của mình.

Vì vậy, theo tôi, thời điểm ông Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, phản ứng của ông với các vấn đề này sẽ càng gay gắt hơn.

Ông Trump trong nhiệm kỳ mới có thể ứng xử 'gay gắt' hơn nhiệm kỳ trước

Tiến sĩ Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE

Phản ứng của ông Trump không chỉ gay gắt với các quốc gia khác mà ngay trong nội bộ nước Mỹ. Có một lần trong cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), phóng viên đã hỏi chủ tịch Fed rằng, nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì chính sách của Fed có chịu áp lực không?

Câu hỏi cho thấy ông Trump không những tạo áp lực ở mặt phát ngôn, chính sách mà cả trên mặt trận truyền thông. Theo ông, Fed có phải cân nhắc hay thay đổi về chính sách tiền tệ dưới thời Donald Trump không?

Ông Hồ Sỹ Hòa: Về mặt lý thuyết, Tổng thống Mỹ không được can thiệp vào quyết định của Fed. Các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ và nhiệm kỳ chủ tịch Fed lại “vắt chéo” nhau, vì vậy, nếu Tổng thống Mỹ muốn tác động vào các quyết sách của Fed, điều cần làm là thay đổi một người đứng đầu mới phù hợp với lý tưởng của mình.

Trong một số lần trả lời phỏng vấn trước đó, chủ tịch Fed từng trả lời rằng là Tổng thống Mỹ không thể và không có bất cứ cách nào để có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ.

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, khi ông Trump đang sắp xếp các nhân sự trong bộ máy của mình thì vị trí chủ tịch Fed của ông Powell vẫn đang giữ nguyên.

Mặt khác, gần đây Fed đã đưa ra thông điệp năm 2025 sẽ hạ lãi suất ít hơn dự kiến, từ bốn lần xuống hai lần. Thông điệp này cũng phần nào ủng hộ luận điểm của ông Trump là muốn giữ vị thế đồng đô la Mỹ mạnh.

Tất nhiên, quá trình hạ lãi suất còn phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế khác như lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ hay là tình hình thất nghiệp.

Tuy nhiên, điều này chứng tỏ là ông Trump và Fed đã bắt đầu "đồng pha" với nhau. Cộng thêm bối cảnh mới lên như hiện tại, nhiều khả năng ông Trump sẽ chưa can thiệp nhiều vào quyết định của Fed.

Cân bằng giữa áp lực tiền tệ và câu chuyện tăng trưởng

Liên quan đến Việt Nam, có khá nhiều các nội dung truyền thông dẫn lại phát biểu của ông Trump nói về Việt Nam. Thái độ của ông Trump khá rõ ràng, thậm chí nói những điều “có cánh” về chúng ta. Ở góc độ thống kê, trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, kết quả cuối cùng dường như rất có lợi cho kinh tế Việt Nam.

Theo ông, với Trump 2.0, Việt Nam có được hưởng lợi như nhiệm kỳ trước của vị tổng thống này?

Ông Hồ Sỹ Hòa: Tôi nghĩ chúng ta vẫn được hưởng lợi ở nhiều phần. Thứ nhất là xu hướng dịch chuyển thương mại, thứ hai là xu hướng dịch chuyển FDI.

Về xu hướng dịch chuyển FDI thì những con số thống kê gần đây nhất của Bộ Kế hoạch đầu tư đã chỉ ra, chỉ riêng Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông đã có lượng FDI đăng ký vào Việt Nam tăng đáng kể. Riêng con số lũy kế từ đầu năm cũng khoảng hơn 11 tỷ USD rồi.

Đấy là về mặt FDI, còn về mặt thương mại, nếu chúng ta nhìn lại giai đoạn 2018 có thể thấy Việt Nam vẫn được hưởng lợi rất nhiều.

Mặc dù có tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu không được như những năm trước đó nhưng con số tuyệt đối vẫn rất lớn. Đóng góp lớn đến từ những nhóm ngành liên quan đến máy móc thiết bị, công nghệ cao, thiết bị vi tính.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu trong giai đoạn đó vẫn đạt 7 – 8%/năm chứ không phải tăng trưởng âm.

Hai lợi ích lớn mà kinh tế Việt Nam được hưởng lợi với "Trump 2.0" là xu hướng dịch chuyển thương mại và FDI

Tiến sĩ Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE

Dường như ông khá lạc quan với nhiệm kỳ mới của ông Trump. Vậy kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với bài toán lớn nào trong thời gian tới?

Ông Hồ Sỹ Hòa: Theo tôi đó là bài toán về tỷ giá. Ông Donald Trump luôn khẳng định muốn giữ vị thế đồng đô la Mỹ mạnh.

Điều này đồng nghĩa với việc chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ sẽ phải neo ở một mức cao. Hiện chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) đã ở mức 108, cao nhất trong vòng hai năm qua.

Tỷ giá về mặt lý thuyết sẽ chịu tác động bởi hai yếu tố. Đó là yếu tố quốc tế của chỉ số DXY và yếu tố trong nước, là dòng tiền của đồng đô la, tập trung vào cấu phần của cán cân thanh toán.

Khi đồng đô la Mỹ tiếp tục neo cao, tỷ giá của Việt Nam sẽ có áp lực tăng giá trong năm 2025.

Hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng không quá dư dả. Trong năm 2024, chúng ta đã bán ròng khoảng 9 tỷ USD. Nếu tính theo chuẩn mực của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối tổi thiểu phải đạt 3 tháng nhập khẩu. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta chỉ còn khoảng 2,6 đến 2,7 tháng thôi.

Do đó, áp lực lớn nhất của năm 2025 sẽ là tỷ giá, sau đó sẽ là lãi suất. Lãi suất tăng là hệ quả của việc tỷ giá tăng giá mạnh, buộc NHNN phải bán thêm đô la Mỹ ra để bảo vệ tỷ giá, khiến thanh khoản hao hụt.

Điều này đồng nghĩa, chính sách tiền tệ năm sau có khá ít dư địa để nới lỏng. Với các ngân hàng, áp lực trên còn có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng lên và bao phủ nợ xấu giảm đi.

Chính sách tiền tệ khó nới lỏng, song chúng ta vẫn đặt một mục tiêu tăng trưởng rất cao trong năm sau. Theo ông, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ đến từ đâu?

Ông Hồ Sỹ Hòa: Tuy nói chính sách tiền tệ khó khăn, nhưng đừng quên chúng ta cũng đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao trong năm 2025, với GDP đặt ra tới 8%.

Như đã nói ở trên, áp lực tỷ giá và lãi suất khiến dư địa dành cho chính sách nới lỏng trong năm 2025 không còn nhiều. Trong khi đó, nếu chúng ta nhìn về dư địa của chính sách tài khóa thì cán cân ngân sách, nợ công trên GDP vẫn có khá nhiều dư địa để mở rộng.

Do vậy, tôi sẽ chọn một lĩnh vực đầu tiên là đầu tư công. Đầu tư công là một trong những cách tạo ra động lực cho tăng trưởng GDP.

Sau đầu tư công thì tiếp đến là chính sách kích thích tiêu dùng. Mặc dù còn nhiều rào cản nhưng hiện nay, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, như giảm VAT chẳng hạn.

Mặt khác, chúng ta vẫn sẽ phải thúc đẩy tín dụng. NHNN cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm 2025, khoảng 16%. Đến cuối cùng, NHNN vẫn phải cân bằng giữa bài toán tỷ giá, lạm phát. Tín dụng vẫn phải đẩy ra và chúng ta có thể phải chấp nhận đánh đổi một số yếu tố như nợ xấu tăng.

Hai mũi nhọn tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ đến từ đầu tư công và kích thích tiêu dùng

Tiến sĩ Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE

Xin cảm ơn ông!

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/trump-20-co-the-mang-toi-nhieu-loi-ich-cho-kinh-te-viet-nam-d38617.html