Trợ lực cho hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã có chương trình phối hợp. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò kinh tế tập thể ở địa bàn này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con cũng cần chủ động hơn.

Khẳng định vai trò

Lãnh đạo Ban Dân tộc, Liên minh HTX tỉnh khảo sát tình hình sản xuất tại HTX Ba kích tím Tây Yên Tử.

Dù mới thành lập từ năm 2018 song HTX Dược liệu Lựu Chanh Trường Sơn (Lục Nam) có bước phát triển đáng kể. Từ 10 ha cây trà hoa vàng của 9 thành viên, đến nay, diện tích loại cây này của HTX đã tăng lên hơn 30 ha. Đặc biệt, ngay năm đầu thành lập, sản phẩm trà hoa vàng của HTX đã được công nhận đạt OCOP 3 sao và nâng lên 4 sao một năm sau.

Theo anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc HTX thì hiện nay đơn vị đang có hai sản phẩm chính từ trà hoa vàng cung ứng ra thị trường gồm: Trà túi lọc, trà hoa. Do giá trị kinh tế cao nên trà hoa chủ yếu được khách hàng ở các TP, người có thu nhập cao mua, người dân địa phương khó tiếp cận.

Với mong muốn đưa sản phẩm chất lượng đến với nhiều đối tượng khách hàng, HTX có hướng mở rộng sản xuất trà túi lọc song lại gặp khó khăn về vốn. “Trước đây, chúng tôi có mua một máy sản xuất trà túi lọc của Trung Quốc nhưng nay đã hỏng. Để tiếp tục duy trì sản phẩm trà túi lọc, tận dụng tối đa lá trà hoa vàng, HTX đang tập trung nguồn lực mua máy sản xuất có nguồn gốc châu Âu hơn 1 tỷ đồng”.

Theo thống kê, hiện số HTX ở vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh là 128 đơn vị, trong đó 50 đơn vị tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn với tổng vốn điều lệ gần 226,5 tỷ đồng. Nắm bắt kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, các HTX không ngừng cải thiện, nâng cấp sản phẩm từ mẫu mã, bao bì đến chất lượng để mở rộng và đứng vững trên thị trường; đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc, diện tích sản xuất.

Một số HTX có sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (Sơn Động); HTX Dược diệu Lựu Chanh Trường Sơn (Lục Nam); HTX Dược liệu Thiện Tâm (Yên Thế)… Cùng đó, tại vùng đồng bào DTTS, người dân, thành viên HTX đã tiếp cận công nghệ tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP như: Vải thiều Lục Ngạn; na, dứa Lục Nam…

Ông Đinh Văn Lai, Giám đốc HTX Ba kích tím Tây Yên Tử (Sơn Động) cho biết: “Sau 4 năm trồng, hơn 2 ha ba kích của các thành viên chuẩn bị cho thu hoạch với thu nhập dự kiến khoảng 600 triệu đồng/ha. Hiện chúng tôi đang tìm hướng để chế biến thành các sản phẩm khác nhau, nâng giá trị của loại cây quý này”.

Tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo chuỗi liên kết

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, bên cạnh một số HTX đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, hầu hết các HTX tại vùng đồng bào DTTS hiệu quả hoạt động còn thấp, chưa có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều HTX chỉ thực hiện một nhiệm vụ được chính quyền địa phương giao như thủy nông, vệ sinh môi trường, thậm chí có đơn vị thành lập để thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa tạo ra nhiều lợi ích cũng như sự gắn kết cho thành viên và người dân.

Sản phẩm trà hoa vàng của HTX Dược liệu Lựu Chanh Trường Sơn được công nhận đạt OCOP 4 sao.

“Vùng đồng bào DTTS, miền núi có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển theo mô hình HTX, nhất là sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, do thiếu nhạy bén nên việc sản xuất tập trung quy mô lớn chưa có, các mô hình sản xuất gắn chuỗi giá trị còn ít. Tại một số địa phương, quá trình hoạt động, các HTX còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn”, bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá.

Nhằm khai thác tối đa lợi thế tại vùng đồng bào DTTS, năm nay, lần đầu tiên Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh ký chương trình phối hợp. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, hai bên sẽ tư vấn, tuyên truyền, vận động thành lập mới các HTX trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Phối hợp các hoạt động khởi nghiệp, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi trên nhu cầu thực tiễn, tiềm năng và lợi thế vùng.

Ông Nhữ Văn Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Hiện chúng tôi đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ các HTX tại vùng đồng bào DTTS phát triển sản xuất. Tới đây, khi chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi được Chính phủ thông qua, người dân tại khu vực này sẽ có thêm các nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế, từng bước nâng cao thu nhập, người dân cũng cần phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; năng động hơn, mạnh dạn hơn trong sản xuất".

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/357688/tro-luc-cho-hop-tac-xa-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html