Triệt phá đường dây làm tiền giả, làm giả tài liệu
Ngày 30/8, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã kết luận điều tra vụ án đề nghị truy tố 14 bị can về 7 tội danh 'Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng cuối tháng 6/2024, Nguyễn Văn Đại (SN 1994), Hồng Tuấn Thành (SN 2003), cùng trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là chủ mưu, cầm đầu thuê địa điểm tại TP Hà Nội trực tiếp làm, đặt dây chuyền sản xuất giấy tờ giả.
Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã sử dụng CCCD giả mở tài khoản ngân hàng, mạng xã hội ảo để hoạt động mua bán giấy tờ giả.
Sau đó, Đại và Thành đã thuê Đỗ Văn Hải (SN 1998), Trần Quang Liêm (SN 2003), Trịnh Quang Trường (SN 2000), cùng trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định làm trung gian mua bán giấy tờ giả bằng cách thông qua mạng xã hội để quảng cáo, tìm kiếm khách hàng có nhu cầu rồi gửi thông tin cho Đại, Thành làm giấy tờ giả. Sau đó nhận, chuyển lại cho khách hàng hưởng chênh lệch.
Nhóm này đã giao dịch, đặt làm cho rất nhiều khách hàng, trong số này có Nguyễn Văn Huân (SN 1983) ở TP Hải Phòng; Nguyễn Thị Hải Ninh (SN 1991) ở tỉnh Quảng Ninh đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thực hiện hành vi phạm tội.
Khoảng cuối tháng 7/2023, Lê Bá Toàn (SN 1993) trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa khởi xướng, tìm kiếm, liên hệ, điều hành các đối tượng Đại, Thành và Vũ Tiến Đạt (SN 2000) trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định sản xuất tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và đặt dây chuyền máy móc, thiết bị chuyên sản xuất tiền giả ở địa chỉ đã thuê tại TP Hà Nội.
Sau đó, Toàn thuê các đối tượng Hoàng Trung Hòa (SN 1997), Vì Văn Ninh (SN 2003), cùng trú tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để giao tiền giả cho Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Mạnh Hùng (ở Quảng Ninh) và Nguyễn Tùng Bách ở Hà Nội, cùng một số khách hàng khác tại nhiều tỉnh, thành phố.
Khai nhận với cơ quan chức năng, các đối tượng đã làm 126 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và đã tiêu thụ hơn 80 triệu tiền giả, hưởng lợi hơn 100 triệu đồng.
Để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng cho biết, thường tiêu thụ tiền giả vào lúc chập choạng tối, hoặc tại các khu chợ, cửa hàng tạp hóa lúc đông đúc. Ngoài ra, các đối tượng thường để xen lẫn tiền giả, tiền thật khi mua hàng nhằm tránh bị phát hiện...
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/triet-pha-duong-day-lam-tien-gia-lam-gia-tai-lieu-446161.html