Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu gạo
Năm 2024, dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khởi sắc, hướng tới cột mốc kim ngạch 5 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là năm thị trường gạo thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động cả về sản lượng, nhu cầu và các chính sách liên quan từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Do vậy, đổi mới sản xuất và linh hoạt điều hành xuất khẩu gạo sẽ là điều kiện quan trọng để ngành lúa gạo Việt Nam đạt tăng trưởng như kỳ vọng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù diện tích lúa trên cả nước đang có xu hướng giảm nhưng năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng 7,1 triệu ha, dự kiến sản lượng lúa đạt hơn 43 triệu tấn, cung cấp khoảng 8 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.
Nguồn cung chất lượng
Là một trong những nông dân trồng lúa ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp tham gia liên kết sản xuất với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, ông Ngô Thanh Bình cho biết: “Tôi tham gia liên kết sản xuất giống lúa Ðài Thơm 8, lúa chất lượng cao, được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao.
Theo đó, năng suất bình quân đạt hơn 7 tấn/ha, cao hơn 5 tạ/ha so với lúa thường, trong khi chi phí đầu vào lại giảm nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, giá lúa cao, nông dân đạt được mức lợi nhuận tốt càng thúc đẩy mong muốn được tiếp tục liên kết sản xuất với doanh nghiệp để sản phẩm vừa bảo đảm chất lượng vừa có đầu ra ổn định”.
Những nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết lúa gạo như ông Bình không còn là số ít ở các địa phương trồng lúa trọng điểm hiện nay. Ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ðồng Tháp cho biết: Năm 2024, tỉnh tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực phát triển ngành hàng lúa gạo gắn với giảm giá thành, tăng giá trị trên cùng đơn vị sản xuất.
Theo đó, phấn đấu tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 75% và áp dụng sạ hàng, sạ thưa 45% diện tích xuống giống, diện tích canh tác lúa hữu cơ đạt 180 ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện cơ cấu nhóm giống lúa khuyến cáo cho từng khu vực nhằm thích nghi với điều kiện đất của từng địa phương, giúp sản xuất lúa đạt năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ.
Ðặc biệt, để tạo ra nguồn lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Tháp cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo kế hoạch thực hiện “Ðề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Theo đó, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tham gia Ðề án của toàn tỉnh năm 2024 đạt khoảng 20.000 ha, đến năm 2025 đạt 50.000 ha và đến năm 2030 là 161.000 ha.
Trong bối cảnh thị trường thế giới gia tăng nhu cầu về lương thực cộng với thị hiếu tiêu dùng tập trung vào các sản phẩm có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm… thì việc bảo đảm nguồn cung gạo chất lượng là yếu tố tiên quyết cho hiệu quả xuất khẩu. Do đó, các khâu sản xuất lúa như giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… cần được triển khai thực hành nông nghiệp tốt, sinh thái và trách nhiệm.
Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nguyễn Như Cường
Năm 2024, dự báo giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino… nên ngành trồng trọt sẽ đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp để ổn định nguồn cung lúa gạo, nhất là nguồn hàng chất lượng cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Tham gia vào các hoạt động đổi mới sản xuất, các doanh nghiệp cũng tập trung phát triển giống, cung cấp các giải pháp canh tác lúa khoa học và bền vững cho nông dân. Ðại diện Công ty CP Giống cây trồng Lộc Trời cho biết: Dù là đang giữa vụ đông xuân - vụ mùa lớn nhất trong năm nhưng công ty đã lên kế hoạch trồng giống cho hai vụ tiếp theo để bảo đảm đủ giống xác nhận cho sản xuất. Ðồng thời, công ty cũng đặt hàng Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời nghiên cứu, lai tạo và khảo nghiệm những loại giống mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao về chất lượng gạo của thị trường trong và ngoài nước.
Nắm bắt thời cơ xuất khẩu
Những ngày đầu tháng 2/2024, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 638 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại Thái Lan 10 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 19 USD/tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu thời gian tới khả năng cao sẽ còn được đẩy lên do nhiều quốc gia bắt đầu tăng nhập khẩu, còn Ấn Ðộ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo chính khiến nguồn cung trên toàn cầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Trong khi đó, thông tin từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, sản lượng gạo toàn cầu năm 2024 có thể đạt mức gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn, nên khả năng sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn cho các nhu cầu về gạo. Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo cần bám sát thị trường để thực hiện hiệu quả các đơn hàng đã ký cũng như ký mới cả về giá và chất lượng.
Trao đổi về triển vọng xuất khẩu gạo trong năm 2024, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết: Ngay trước Tết, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời đã báo tin vui khi chính thức trúng thầu đơn hàng 65.000 tấn gạo cho Bulog - cơ quan hậu cần nhà nước Indonesia. Theo đó, các phương án mua lúa, sản xuất, đóng bao và vận chuyển đã được công ty phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai.
Trong năm 2023, sản lượng xuất khẩu cả năm của Tập đoàn Lộc Trời tăng 135% so với năm 2022, riêng đơn hàng cho Bulog đã chiếm 2/3 tổng lượng, giúp Lộc Trời bảo vệ thành công danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” 5 năm liền. Ðây cũng là kết quả từ sự kề vai sát cánh cùng hơn 300.000 nông hộ trong thực hiện liên kết sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhận định khả quan thì biến động của thị trường lúa gạo trong nước cũng khiến không ít doanh nghiệp lo ngại. Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) chia sẻ: Năm 2023, công ty xuất khẩu khoảng 60.000 tấn gạo, giá xuất khẩu thấp nhất là 980 USD/tấn. Tuy nhiên, giá như thế nhưng lợi nhuận lại thấp, bởi giá lúa mua vào tăng cao. Chưa kể khi giá lúa tăng, doanh nghiệp không thể nào mua được lúa theo hợp đồng do nông dân “bẻ kèo”.
Nếu tình trạng này không được giải quyết thì năm 2024 thị trường lúa gạo trong nước sẽ còn tiếp tục bị xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Chính vì thế, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp phải được thực hiện chặt chẽ hơn. Còn ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Ðông cho rằng, trước biến động thị trường thì chỉ số thích ứng của doanh nghiệp cực kỳ quan trọng vì mỗi năm đều có một kịch bản mới và không có bài học kinh nghiệm nào từ năm trước có thể áp dụng hiệu quả cho năm sau. Gạo hiện vẫn là ngành hàng thiết yếu trên thế giới cũng như Việt Nam, nên thời gian tới, cơ hội sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này còn rất lớn. Ðiều cần thiết là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao để tận dụng hiệu quả các cơ hội này.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trien-vong-tang-truong-xuat-khau-gao-a388443.html