Triển khai Thông tư số 10/2024/TT-BXD đúng thời hạn: Sẽ giúp thị trường vật liệu xây dựng ổn định
Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD) vừa được Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày 16/12/2024 tới đây. Việc Thông tư có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành Xây dựng.
“Hệ thống lọc” pháp lý sàng lọc VLXD đạt và không đạt yêu cầu
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện nay, tốc độ phát triển của thị trường VLXD nhanh, do nền kinh tế của nước ta phát triển mạnh, ngoài phát triển về bất động sản (BĐS) còn có các công trình về kinh tế, công nghiệp. Tổng sản phẩm GDP của ngành Xây dựng thường chiếm khoảng 9 - 10% tổng GDP của cả nước. Như vậy, khối lượng VLXD tiêu thụ một năm là rất lớn. Thị trường VLXD phát triển đa dạng, gồm VLXD sản xuất trong nước, nhập khẩu và từ nhiều nguồn khác nhau.
VLXD sản xuất trong nước thường từ các nguồn chính thống, từ các nhà máy có thương hiệu, có uy tín, nhưng cũng có cả các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, thậm chí không có thương hiệu.
Đối với vật liệu nhập khẩu, có những sản phẩm có COCQ (giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ các nước nhập khẩu) rõ ràng nhưng cũng có vật liệu không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, trong bối cảnh nói trên, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD chính là hàng rào để bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là những cá nhân, đơn vị sản xuất theo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn chất lượng.
Thông tư sẽ loại bỏ những đối thủ đưa ra thị trường những loại VLXD không đúng quy cách nhưng giá thành rất rẻ; giúp phân biệt rõ hàng thật và hàng giả, hàng chất lượng cao và hàng chất lượng thấp.
“Nhiều nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng nhất trí rằng trong xã hội không chỉ riêng VLXD nên có các quy định như vậy mà cần có hàng rào pháp lý giống như Thông tư số 10/2024/TT-BXD ở các lĩnh vực khác để bảo vệ hàng thật, việc sản xuất trung thực của các doanh nghiệp có trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng, Thông tư giống như một “hệ thống lọc” các loại VLXD không đạt yêu cầu, không cho phép nhập hoặc sử dụng vào các công trình xây dựng. Các doanh nghiệp, kể cả nhà sản xuất, nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng đều mong muốn có Thông tư này, giống như một cái “gậy” pháp lý để có cơ sở sàng lọc được những loại VLXD tốt”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều cho rằng VLXD trên thị trường rất đa dạng. Trong danh mục VLXD nhóm 1 và nhóm 2 của Thông tư số 10/2024/TT-BXD mới đưa ra được danh mục đầu của các loại VLXD chung. Do vậy, cần tiếp tục cụ thể thêm các loại VLXD, có những loại phải có tiêu chí đi kèm. Từ danh mục VLXD cụ thể, cùng với bảng tiêu chuẩn cụ thể thì “hàng rào” sàng lọc mới có tác dụng.
Ngoài ra, cần phải giảm thiểu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; nên cụ thể hóa danh mục các loại VLXD, đưa vào các tiêu chuẩn để áp dụng đối với cả các cơ quan pháp lý như hải quan, kiểm soát thị trường đến người sử dụng.
Còn theo bà Lương Thị Thu Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư thông minh đa tầng SXC, những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa VLXD chính ngạch, có đầy đủ chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế không bị ảnh hưởng nhiều khi Thông tư số 10/2024/TT-BXD được ban hành.
“Thông tư đem lại sự bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp cùng phát triển. Sự minh bạch là do các doanh nghiệp quyết định, còn khi Bộ Xây dựng nghiên cứu và ban hành Thông tư cần có đơn vị giám sát việc triển khai, áp dụng; có văn bản hướng dẫn để giúp cho doanh nghiệp đạt đủ các tiêu chuẩn cần có”.
“Tôi cho rằng ban hành Thông tư thời điểm này là cần thiết, nhằm bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng. Nếu như đã đạt chuẩn thì doanh nghiệp sẽ cần phải cải tạo cả về hệ thống, quy trình, hạ tầng, thiết bị, máy móc, vật tư đầu vào để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Bộ Xây dựng cần phổ biến rộng rãi Thông tư số 10/2024/TT-BXD, doanh nghiệp không tuân thủ thì phải thay đổi. Người tiêu dùng cần phải được bảo vệ thì kinh tế mới phát triển”, bà Lương Thị Thu Giang chia sẻ.
Triển khai đúng thời hạn để ổn định thị trường VLXD
Bên cạnh những ý kiến cần thiết phải ban hành trong thời điểm hiện nay, vẫn có một số ý kiến, chủ yếu từ các doanh nghiệp nhập khẩu VLXD, đề xuất lùi thời hạn thực hiện do quá gấp gáp.
Các doanh nghiệp phản ánh đang gặp phải khó khăn, không đủ thời gian để triển khai quy trình chứng nhận theo Thông tư vì chỉ có hơn 3 tuần chuẩn bị. Nếu Thông tư có hiệu lực ngay từ 16/12/2024 thì hàng hóa sẽ khó có thể kịp thông quan, gây ách tắc tại cảng, khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn từ chi phí lưu công, lưu bãi.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, Bộ Xây dựng nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh chủ yếu xoay quanh vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong ngành, sự lẫn lộn giữa các sản phẩm chất lượng và sản phẩm kém chất lượng.
Ngoài ra, có hiện tượng các công trình sử dụng sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chất lượng kiểm soát chưa tốt, gây khó khăn cho việc đảm bảo chất lượng công trình theo thời gian. Trước tình hình đó, Thông tư số 10/2024/TT-BXD được ban hành và đưa ra những giải pháp để phân loại, phân nhóm chất lượng sản phẩm VLXD, đảm bảo công trình và cuộc sống người dân sử dụng vật liệu an toàn, chất lượng.
Mục đích chính của Thông tư số 10/2024/TT-BXD nhằm quy định về quản lý chất lượng sản phẩm VLXD trong 5 quá trình hoạt động gồm: Sản xuất - Xuất khẩu - Nhập khẩu - Lưu thông trên thị trường - Sử dụng. Từ đó, sàng lọc các sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng tốt và các sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng chưa tốt để quản lý, xử lý vi phạm (nếu có); chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, sinh hoạt của người dân.
Trong quá trình xây dựng Thông tư, dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp về VLXD, đăng tải 60 ngày trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng và Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Thông tư số 10/2024/TT-BXD đã được ký ban hành và phổ biến rộng rãi từ ngày 1/11/2024, có hiệu lực vào ngày 16/12/2024. Như vậy, có 45 ngày trước khi Thông tư chính thức có hiệu lực để các doanh nghiệp nghiên cứu, thực hiện các điều khoản chuyển tiếp.
Hơn nữa, theo điều khoản chuyển tiếp, đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa VLXD đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật QCVN16:2023/BXD và Giấy chứng nhận còn hiệu lực thì được phép sử dụng Giấy chứng nhận hợp quy và dấu hợp quy cho đến khi hết hiệu lực của Giấy chứng nhận đó. Đối với các lô hàng hóa VLXD đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu tại các nước xuất khẩu (để nhập khẩu vào Việt Nam) trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được áp dụng theo các quy định trước đây.
“Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu VLXD hoàn toàn có đủ thời gian để sử dụng các Giấy chứng nhận hợp quy còn thời hạn hoặc chuẩn bị các lô hàng hoàn thành thủ tục xuất khẩu tại các nước xong trước ngày 16/12/2024, sau đó vận chuyển hàng hóa về các cửa khẩu nước ta thậm chí sau một vài tháng vẫn được áp dụng theo các quy định trước đây”, ông Lê Trung Thành nói.
Vì vậy, đề xuất lùi thời hạn thực hiện Thông tư là không đủ cơ sở. Việc triển khai Thông tư số 10/2024/TT-BXD đúng thời hạn sẽ giúp thị trường VLXD được ổn định, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng tốt hơn và cũng như sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.