Trìa nướng ngày đông

Trìa nướng là món ăn dân dã nhưng rất hấp dẫn đối với những người dân trên cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Trìa nướng thưởng thức vào mùa nào cũng ngon nhưng đặc biệt nhất là đặt vào vỉ sắt, nướng trên than hoa trong những ngày đông giá rét. Cùng nhau quây quần bên bếp than hồng ấm áp, lật từng con trìa béo ngậy vừa chín tới, chấm vào bát muối ớt, tiêu, chanh rồi thưởng thức sẽ khiến mọi người nhớ mãi ....

Trìa nướng trên bếp than là món ăn hấp dẫn với nhiều người - Ảnh: N.B

Trìa nướng trên bếp than là món ăn hấp dẫn với nhiều người - Ảnh: N.B

Trìa hay còn gọi là ngao mật, có tên khoa học là Meretrix lusoria và là một loại ngao trong họ Veneridae. Chúng là một loài có giá trị, được khai thác để lấy thịt, vỏ để làm đồ trang trí và dùng trong Đông y. Trìa sống vùi mình trong đáy cát, bùn ở vùng sông, đầm phá nước lợ là chủ yếu và thường tập trung từ đoạn giữa lòng sông đến gần bờ.

Trìa ở quê tôi thường sống ở khu vực rừng bần chua, đầm phá, bao quanh ốc đảo và cả những đoạn cát bồi lấp trải dài men theo nhánh sông Hiếu sát cửa biển. Thịt trìa có giá trị dinh dưỡng không thua kém gì các loại nghêu, ngao, sò nên được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, để thưởng thức trìa phải theo mùa và ngon nhất là từ tháng 4 đến tháng 7 dương lịch, có thể kéo dài qua những tháng đầu đông.

Để khai thác trìa ngoài tự nhiên, người dân quê tôi thường làm thủ công bằng cách dùng chiếc cào thưa thọc vào bùn, cát rồi lấy trìa lên, một số người dầm mình trong nước, dùng chân rà dẫm lên lớp cát, bùn, khi nào phát hiện ra trìa thì ngụp lặn xuống bắt bằng tay. Do chỉ khai thác để bán nhỏ lẻ và thưởng thức là chính nên trìa ở quê tôi hiện vẫn còn rất nhiều trong các đầm phá, sông, hồ, chúng sinh sôi quanh năm và chẳng bao giờ bị tận diệt.

Thịt trìa được xem là vị thuốc trong Đông y, có vị ngọt, pha vị mặn nhẹ, tính lạnh, không độc, có tác dụng giải độc, tiêu khát, chống viêm, chữa chứng háo khát, say rượu bia, ung nhọt, sưng đau. Dạng dùng thông thường như nấu cháo, nấu canh, xào, hấp, nướng đều phát huy tác dụng y học mà nó mang lại. Ở quê tôi, trìa nướng luôn được ưa chuộng nhất bởi vừa giữ được nguyên hương vị, vừa tiện lợi. Để thưởng thức trìa nướng, sau khi khai thác xong, chọn những con to nhất đem ngâm trong nước vo gạo cho đến khi chúng thải hết chất cặn bẩn bên trong. Sau đó, trìa được làm sạch phần vỏ bên ngoài và tùy theo cách nướng mà có các công đoạn kế tiếp khác nhau. Thông dụng nhất là trìa nướng mỡ hành và trìa nướng trực tiếp trên than hoa.

Đối với trìa nướng mỡ hành, người chế biến thường cho trìa sống vào luộc chín sơ, khi vỏ trìa vừa tách làm đôi thì vớt ra lấy phần thịt rửa sạch. Phần vỏ giữ lại để bỏ thịt trìa vào nướng. Mỗi phần thịt trìa sau đó được xếp vào một nửa vỏ đã tách ra. Hành lá thái thật nhỏ, lạc rang giã vỡ giập vừa phải, sau đó phi thơm cùng dầu ăn hoặc mỡ, gia giảm thêm nước mắm, bột ngọt theo khẩu vị. Trìa sau đó được xếp vào vỉ bằng kim loại, nướng trên than hoa cho đến khi bắt đầu sôi lăn tăn thì cho hỗn hợp mỡ hành vào. Đợi đến khi thịt trìa ngấm gia vị và bắt đầu khô lại là dùng được.

Khác với nướng mỡ hành, trìa nướng trực tiếp trên than hoa và không cần ướp bất cứ gia vị nào sẽ luôn giữ được hương vị đặc trưng của nó. Để thưởng thức trìa nướng theo cách này phải có bát muối ớt, tiêu, chanh thật cay để ăn kèm. Khi trìa vừa chín, người dùng lấy đũa hoặc que nhọn xiên vào phần thịt trìa rồi chấm vào bát muối, đưa lên miệng vừa thổi vừa ăn, cảm giác thật thú vị. Khi nào cảm thấy hơi cay xè nơi đầu lưỡi, người dùng có thể uống nước trìa còn đọng lại trong lớp vỏ vừa mới nướng. Mùi vị thơm, ngọt thanh của nước trìa lúc đó sẽ khiến người thưởng thức thích thú.

Những ngày cuối tuần, gia đình sum họp, cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng ngày đông vừa hàn huyên, vừa thưởng thức “tiệc” trìa nướng. Hương vị khó quên đó đọng mãi trong ký ức tuổi thơ chúng tôi...

Vân Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/tria-nuong-ngay-dong/182453.htm