Trí tuệ nhân tạo - bước đột phá trong đào tạo nghề thời đại số

Trong thời đại số hóa ngày càng phát triển, trí tuệ nhân tạo trở thành một công cụ quan trọng, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, y tế hay tài chính mà còn trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp.

TS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế MITC tập huấn chuyên đề về chuyển đổi số và ứng dụng chatbot AI. Ảnh: ĐÌNH PHÚ

TS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế MITC tập huấn chuyên đề về chuyển đổi số và ứng dụng chatbot AI. Ảnh: ĐÌNH PHÚ

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách thức đào tạo, cung cấp kỹ năng và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại. Với những ứng dụng vượt trội, AI giúp tăng cường chất lượng đào tạo nghề, nâng cao khả năng tiếp cận, cá nhân hóa giáo dục và tối ưu hóa quy trình giảng dạy, học tập.

Điều này đã và đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, trong có Trường cao đẳng Công Thương miền Trung và Trường cao đẳng Nghề Phú Yên quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

AI mở ra cơ hội chưa từng có

Giáo dục nghề nghiệp hiện đại đòi hỏi cách tiếp cận linh hoạt và nhanh nhạy, theo kịp các xu hướng công nghệ và yêu cầu của thị trường. Đây là lĩnh vực mà AI không chỉ giúp tự động hóa mà còn có thể cung cấp các giải pháp toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Đặc biệt, AI đang là xu hướng tất yếu trong các chương trình đào tạo chuyên môn sâu, đáp ứng nhu cầu kỹ năng thực tiễn và nâng cao năng lực của lực lượng lao động toàn cầu.

Ứng dụng AI đã và đang mang đến nhiều sự thay đổi trong giáo dục Việt Nam. Tại hội thảo “Ứng dụng AI vào quản trị tổ chức, quản trị trường học và dạy học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam” do Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam (Bộ GD&ĐT) phối hợp cùng Trung tâm SEAMEO CELLL, Cognotiv Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định: AI đang là một xu hướng toàn cầu, được sử dụng để thúc đẩy đổi mới, tinh gọn hoạt động và nâng cao trải nghiệm học tập. Những nhà quản lý trong ngành Giáo dục cần có trách nhiệm khám phá và nắm bắt sự phát triển này, đảm bảo luôn đi đầu, cung cấp những điều tốt nhất cho tổ chức và người học của mình.

Theo TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc SEAMEO CELLL, gần đây, việc tích hợp công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và AI vào quản trị tổ chức, đặc biệt là trong giáo dục, đã trở thành một xu hướng với tiềm năng định hình lại quá trình quản lý tổ chức trường học cũng như các quy trình học tập.

“ICT và AI mở ra những cơ hội chưa từng có để nâng cao kết quả hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng phạm vi học tập vượt ra ngoài môi trường lớp học truyền thống”, TS Hà nói.

Trong vai trò là thành viên của SEAMEO CELLL, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) tham gia hội thảo này để tiếp thu các công nghệ mới, đồng thời có những chia sẻ về kinh nghiệm, kết quả trường đạt được trong việc triển khai ứng dụng AI vào công tác chuyên môn.

Theo các chuyên gia, AI không chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực quan trọng trong việc tái định hình vai trò của nhà quản lý, giáo viên và học sinh trong môi trường làm việc, giáo dục hiện đại.

TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên xác định: Vấn đề then chốt của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu vị trí việc làm của xã hội. Để làm tốt điều này, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong đào tạo là rất bức thiết và không thể thiếu trong giáo dục hiện đại.

“Thời gian qua, nhà trường đã từng bước ứng dụng AI trong hoạt động truyền thông, tuyển sinh, thông tin việc làm; xây dựng kho tài liệu số các môn học… Năm học này, nhà trường tiếp tục đầu tư và mở rộng hệ thống học trực tuyến, cùng với các công cụ hỗ trợ học tập và giảng dạy bằng công cụ AI, ứng dụng mạnh mẽ AI trong công tác quản lý, đánh giá năng lực học sinh sinh viên…”, TS Lái nói.

Ứng dụng AI đã và đang mang đến nhiều sự thay đổi trong giáo dục nghề nghiệp.

Ứng dụng AI đã và đang mang đến nhiều sự thay đổi trong giáo dục nghề nghiệp.

Trong ảnh:

Các giảng viên MITC tập huấn kỹ năng ứng dụng AI vào công tác quản lý và giảng dạy. Ảnh: ĐÌNH PHÚ

Ứng dụng AI trong quản lý, đào tạo

Với sự hỗ trợ của công nghệ, AI có thể ứng dụng rất lớn vào các khâu trong quy trình đào tạo, quản lý, giúp tiết kiệm nhân lực, tài chính và nâng cao hiệu quả làm việc. AI có thể giúp cá nhân hóa quá trình học tập một cách hiệu quả. AI hỗ trợ thực hành ảo và mô phỏng trong các môn thực hành. AI giúp tự động hóa các công việc quản lý và giảng dạy. AI làm trợ lý ảo và chatbot hỗ trợ cho người dạy và học viên. AI có thể thu thập, hệ thống và phân tích dữ liệu từ quá trình học tập…

Theo TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng MITC, những lợi ích của việc ứng dụng AI trong giáo dục nghề nghiệp là rất lớn. Cụ thể, AI giúp học viên từ mọi nơi có thể tham gia các khóa học nghề thông qua các nền tảng trực tuyến; nhờ đó, giáo dục nghề nghiệp không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Công cụ AI cũng giúp giảng viên hiểu rõ hơn về năng lực của từng học viên, từ đó có phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn.

Ngoài ra, AI có thể tạo ra môi trường học tập mô phỏng thực tế, giúp học viên dễ dàng áp dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời AI giúp lộ trình học tập linh hoạt và được cá nhân hóa giúp học viên tiếp thu kiến thức phù hợp với năng lực và sở thích của mình…

Nhận thức được điều này, 5 năm trở lại đây, MITC đã có kế hoạch đầu tư cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý và giảng dạy trong nhà trường. TS Trần Kim Quyên cho biết thêm: Rõ nét và hiệu quả nhất là trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài cách đây 4 năm, MITC đã nhanh chóng triển khai việc dạy và học trên môi trường trực tuyến thông qua các công cụ hỗ trợ như: Phần mềm MS Team, Google Meet, Zoom kết hợp với các công cụ tích cực hóa người học: Mentimeter, Kahoot, Quizizz… trên 50% môn học, nội dung lý thuyết phù hợp trên môi trường trực tuyến.

Nhà trường đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, hệ thống mạng, thư viện và học liệu số, ứng dụng mã nguồn mở triển khai phần mềm thư viện VietBilio nhằm cải tiến việc quản lý, các bài giảng, giáo trình đều ở dạng file điện tử.

Trong công tác truyền thông, MITC cũng ứng dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội, sử dụng công nghệ và hệ thống website phong phú (13 website). Đặc biệt, website sanvieclammitc.vn, ứng dụng mạnh mẽ các công cụ AI đã và đang phát huy tác dụng rất tốt. Sanvieclammitc cho phép người lao động có thể tìm việc, tự động tạo CV trên cơ sở thông tin cung cấp, tìm hiểu về các công ty và tương tác với các nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, với ứng dụng hướng nghiệp MITC AI, người học nhận được tư vấn trực tiếp, theo kiểu hỏi đáp, giúp cung cấp thông tin cụ thể. Dựa trên thông tin cá nhân mà học sinh cung cấp như sở thích, kỹ năng, khả năng và mục tiêu, MITC AI sẽ phân tích, đánh giá và đưa ra gợi ý về ngành nghề phù hợp.

AI đã và đang có những ảnh hưởng tích cực đến giáo dục nghề nghiệp, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện cho học viên phát triển kỹ năng theo cách linh hoạt và toàn diện hơn. Với xu hướng số hóa, AI sẽ tiếp tục là công cụ không thể thiếu, giúp nền giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tốt hơn các thách thức của thời đại và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/322392/tri-tue-nhan-tao-buoc-dot-pha-trong-dao-tao-nghe-thoi-dai-so.html