Nữ giáo viên nối gót ngoại và dì theo nghề dạy trẻ khuyết tật

Đó là câu chuyện của cô Hồ Ngọc Huyền, giáo viên Trường Chuyên biệt Hy vọng Bình Thạnh, TPHCM- người đã có gần 30 năm trong nghề dạy trẻ khuyết tật khiếm thính. Trước cô Huyền là bà ngoại và dì ruột cũng đã và đang công tác tại ngôi trường này.

Bén duyên với nghề giáo chuyên biệt

Với ước mơ làm giáo viên, hơn 30 năm trước, cô Hồ Ngọc Huyền trúng tuyển vào ngành Giáo dục tiểu học – Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngày nay. Khi chuẩn bị cho chuyến đi thực tập, cô Huyền về thăm nhà ngoại và tình cờ thấy hình ảnh các em học sinh khiếm thính chơi đùa, học bài, trò chuyện với bạn bè, với bà ngoại và dì - khi hai người mang các em khiếm thính về nhà nuôi và dạy học.

Cô Hồ Ngọc Huyền dạy học sinh vẽ tranh

Cô Hồ Ngọc Huyền dạy học sinh vẽ tranh

“Ngoại và dì cũng là giáo viên nhưng dạy trẻ khiếm thính ở Trường Chuyên biệt Hy vọng Bình Thạnh. Ở trường chỉ dạy bán trú nên nhiều em ở xa được bà và dì mang về nhà tiếp tục chăm sóc sau giờ học ở trường, đến cuối tháng mới được bố mẹ đón về nhà”, cô Huyền kể và cho biết, ngay từ nhỏ cô đã không ở gần ngoại và dì nên cũng chỉ biết hai người làm nghề giáo và dạy ở đó chứ không biết gì thêm về công việc.

Bị thu hút bởi những hình ảnh tình cờ bắt gặp ở nhà ngoại, cô Huyền bắt đầu tìm hiểu thêm về giáo dục chuyên biệt và trẻ khuyết tật. Tháng 11/1994, cô Huyền xin thực tập tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Bình Thạnh. Đến tháng 6/1995, cô trở thành giáo viên chính thức tại trường, trở thành thế hệ thứ ba theo nghề giáo viên chuyên biệt tại ngôi trường này.

"Lúc trước mình nghĩ nghèo là thiếu may mắn nhưng khi được gặp, tiếp xúc các em học sinh nơi đây mình đã thay đổi suy nghĩ. Chính các em nơi đây mới là người thiếu may mắn trong cuộc sống, tuy nhiên các em đã rất kiên cường, nỗ lực hơn rất nhiều lần so với những người khác để cố gắng hòa nhập với cuộc sống", cô Huyền chia sẻ.

“Để dạy các em học sinh khuyết tật thì không phải bất kì ai cũng có thể dạy được, bởi ngoài tình yêu thương còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Từ chỗ nể phục ngoại và dì, cộng với nhiệt huyết muốn góp phần nào đó để mang lại tri thức và giảm bớt sự thiệt thòi của các em khiếm thính đã phải chịu, giúp các em có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, để các em không còn mặc cảm, tự tin trong cuộc sống, tôi quyết định nối gót hai thế hệ trước mình theo nghề giáo viên chuyên biệt”, cô Huyền chia sẻ lí do thúc đẩy cô đến và gắn bó với các em học sinh khiếm thính.

Do chịu nhiều thiệt thòi nên cô và trò nơi đây phải nổ lực rất nhiều so với bình thường

Do chịu nhiều thiệt thòi nên cô và trò nơi đây phải nổ lực rất nhiều so với bình thường

Sau bao năm cống hiến không ngừng nghỉ, cô Huyền hiện là Chi Hội Trưởng Chi hội Thanh niên trường Hy vọng; Phó chủ tịch công đoàn. Còn dì ruột là cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp hiện đang là Phó hiệu trưởng Chuyên môn.

Không ngừng tìm tòi để giúp đỡ học sinh

Vạn sự khởi đầu nan, khi mới bước chân vào môi trường dạy học sinh khiếm thính, cô Huyền gặp muôn vàn khó khăn như thiếu kinh nghiệm khi giao tiếp với học sinh; khó khăn vì thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; khó khăn khi làm sao để giúp cho học sinh sự tự tin, mạnh dạn hòa nhập tham gia vào các hoạt động cùng với bạn bè... và nhiều khó khăn khi phải suy nghĩ tìm mọi cách để truyền tải những kiến thức, mục tiêu bài học đến với các em học sinh.

Clip cô Hồ Ngọc Huyền - giáo viên Trường Chuyên biệt Hy vọng Bình Thạnh, TPHCM đứng lớp dạy học trò

Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ động viên của Ban Giám hiệu cũng như các đồng nghiệp đặc biệt là hai thế hệ đi trước, cô Huyền được tham dự các lớp tập huấn, các khóa học chuyên môn để nâng cao kỹ năng dạy học đối với học sinh khuyết tật. “Bản thân tôi ngoài việc tìm hiểu rõ tật của các em, hiểu các phương pháp dành cho chuyên biệt thì tôi luôn phải tìm tòi tạo ra các trò chơi thông qua học để lôi cuốn các em, kiên trì, nhẫn nại, thật sự yêu các em, gần gũi với các em” cô Huyền nói và ví dụ, học sinh nhỏ thì xem như con; học sinh lớn thì gần gũi, trò chuyện, hòa đồng với các em như những người bạn…

Cô Huyền cho biết, dạy các em rất vất vả và mất rất nhiều thời gian so với các em học sinh bình thường. Chẳng hạn với học sinh tiểu học, các em sẽ học 2 năm 1 lớp (1 học kỳ học 1 năm - PV) hay ví như từ “rét”, nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, thậm chí là cả buổi học để các em hiểu, đọc và viết được.

Em học sinh lớp 3 đang học từ "kéo lưới"

Em học sinh lớp 3 đang học từ "kéo lưới"

Chính những thiệt thòi bẩm sinh các em gặp phải nên để nâng cao hiệu quả, trước các tiết học cô Huyền luôn chuẩn bị đồ dùng đẹp, hấp dẫn, an toàn để cho các em học sinh quan sát, trải nghiệm; Dạy học sinh mọi lúc mọi nơi, động viên, khen thưởng tại chỗ; Phối hợp với phụ huynh, hướng dẫn cho phụ huynh cách dạy cho con khi ở nhà; Tìm hiểu những tâm tư, tình cảm của học sinh để tìm ra những biện pháp thích hợp dạy để các em.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Phó hiệu trưởng Chuyên môn (dì ruột cô Huyền – PV): “Huyền là thế hệ kế tiếp của nhà trường, nhiệt huyết và sáng tạo đặc biệt là trong các chương trình văn nghệ khi nhiều năm liền dẫn học sinh đi thi ở phường, quận, thành phố thậm chí là quốc gia cũng đạt giải cao. Bản thân tôi và gia đình rất tự hào khi Huyền là thế hệ thứ ba của gia đình và gặt hái được nhiều thành công hơn hai thế hệ đi trước”.

Đặc biệt là thường xuyên truy cập vào các trang mạng Internet, tìm tòi những hình ảnh tư liệu, thiết kế những trò chơi trong bài giảng powerpoint để học sinh tiếp cận công nghệ thông tin, điều đó giúp các em hiểu bài nhanh hơn, hứng thú hơn.

Dù luôn tìm tòi học hỏi nhưng cô Huyền cho hay, nếu có cơ hội cô rất muốn tham dự các khóa học, các tiết dạy chuyên đề của các trường tiểu học để có dịp học hỏi thêm những điều hay, những kinh nghiệm của các giáo viên khác nhằm có thể mang về áp dụng cho các em học sinh.

Cô Huyền luôn tìm tòi các phương pháp mới, thiết kế bài giảng hiện đại, hình ảnh sinh động để giúp học sinh dễ dàng tiếp thu

Cô Huyền luôn tìm tòi các phương pháp mới, thiết kế bài giảng hiện đại, hình ảnh sinh động để giúp học sinh dễ dàng tiếp thu

Bằng những nổ lực của bản thân và hỗ trợ của nhà trường, cô Huyền đã đạt được nhiều danh hiệu trong hoạt động chuyên môn, giảng dạy, các hoạt động phong trào từ cấp trường đến cấp quận, thành phố và toàn quốc...

Cô Huyền là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tiêu chí để lựa chọn các thầy giáo, cô giáo được tuyên dương: Có tư cách đạo đức, lối sống tốt; có nhiều đóng góp trong việc giáo dục học sinh ở địa phương, tạo được những chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục; có tinh thần bền bỉ vượt khó, tận tâm với sự nghiệp giáo dục, được học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng yêu mến. Ưu tiên các thầy giáo, cô giáo có thời gian công tác lâu năm; các thầy giáo, cô giáo trẻ tình nguyện dạy học tại các địa phương; các thầy giáo, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác.

Các giáo viên được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Kỷ niệm chương và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Sau 10 năm tổ chức, chương trình đã vinh danh hơn 500 thầy cô giáo trên mọi miền đất nước.

Chương trình Chia sẻ thầy cô năm 2024 giao lưu với cô trò Trường Chuyên biệt Hy vọng Bình Thạnh

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nu-giao-vien-noi-got-ngoai-va-di-theo-nghe-day-tre-khuyet-tat-post1689475.tpo