Trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng tạo đột phá thúc đẩy sự đổi mới trong giáo dục

Phó Giáo sư Ben Leong, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục Trí tuệ nhân tạo của Singapore nghiên cứu sâu về 3 dự án đang diễn ra ở Singapore để chứng minh rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng đóng nhiều vai trò trong giáo dục.

Sự ra mắt của AI chatbot ChatGPT vào tháng 11-2022 đã gây “bão” trên toàn thế giới. Trong khi nhiều người bị hấp dẫn bởi những khả năng mà chatbot mang lại cho người dùng trên nền tảng vượt qua con số kỷ lục 1 triệu trong vòng chưa đầy một tuần, thì có không ít ý kiến bày tỏ mối lo ngại về những tác động của công nghệ AI đối với tương lai của giáo dục. Tại Mỹ, các trường công lập ở thành phố New York và Seattle đã cấm truy cập ChatGPT. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Sở Giáo dục New York Jenna Lyle, bày tỏ lo ngại rằng, công cụ trí tuệ nhân tạo này có thể có tác động tiêu cực đến việc học của học sinh và đặc biệt tạo cơ hội cho tình trạng đạo văn. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Ben Leong, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục AI của Singapore (AICET), đổi mới trong giáo dục không phải chỉ là vấn đề về công nghệ. Vị Phó Giáo sư cũng đồng thời là giảng viên giảng dạy khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng đó là vấn đề về phương pháp giáo dục.

Thật vậy, một số nhà giáo dục đã coi ChatGPT như một công cụ để giảng dạy thay vì “xa lánh” công nghệ này. Theo tờ New York Times, một số giáo viên đã bắt đầu tích hợp các câu trả lời từ ChatGPT vào chương trình giảng dạy của họ, yêu cầu học sinh đánh giá các câu trả lời do chatbot đưa ra nhằm cải thiện kỹ năng tư duy phản biện của học sinh. Tương tự, ở Singapore, một giảng viên Đại học Quốc gia Singapore đã bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình rằng các công cụ như ChatGPT, nếu được khai thác đúng cách, thậm chí có thể giúp cải thiện khả năng viết của sinh viên.

Đó cũng chính là lý do AICET ra đời. Trung tâm nghiên cứu do AI Singapore tổ chức và được tài trợ bởi Văn phòng Kỹ thuật số Chính phủ và Quốc gia thông minh, AICET hợp tác với Bộ Giáo dục Singpore để khởi động các dự án AI nhằm cải thiện hệ thống giáo dục tại các địa phương. “Giáo viên có thể sáng tạo ra những cách dạy mới, nhưng công nghệ là yếu tố hỗ trợ chính mà phần lớn lại không có khả năng tiếp cận. Chúng tôi xây dựng các công cụ giúp giáo viên kết nối với nhiều sinh viên hơn, giúp việc giảng dạy trực tuyến hiệu quả, để tăng khả năng tiếp cận và cuối cùng là vượt qua các ranh giới địa lý trong giáo dục”.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong giáo dục tại Singpore

Trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong giáo dục tại Singpore

Dưới đây là một số cách mà Phó Giáo sư Leong nói kỳ vọng AI sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong giáo dục.

1. Học tập thích ứng

Trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp trải nghiệm học tập được cá nhân hóa cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là trên các nền tảng học tập trực tuyến. Phó Giáo sư Leong cho biết, vấn đề với thiết kế bài học thông thường là tốc độ học tập thường phục vụ cho mức độ tiếp thu trung bình. Điều này tạo ra một vấn đề kép, những học sinh chậm hơn sẽ bị tụt lại phía sau và dần dần bị mất động lực, trong khi những học sinh có khả năng tiếp thu nhanh hơn có xu hướng “cạn kiệt năng lượng” nếu họ tăng tốc độ học bài quá nhanh.

“Vấn đề không phải là học sinh cần học cái gì, mà là họ cần bao nhiêu thời gian để học cái đó” - ông Leong giải thích. Và đây là lúc AI có thể tham gia để quản lý các mốc thời gian cho từng học sinh. AI có thể tự động phát hiện khi học sinh làm bài tập lâu hơn và cho họ thêm thời gian để tìm hiểu. Trong khi đó, những học sinh học nhanh hơn sẽ có quyền truy cập vào từng phần trong khoảng thời gian ngắn hơn. Điều này giúp đảm bảo rằng các bài học vẫn diễn ra đúng nhịp độ, tùy theo từng nhóm học sinh. Phó Giáo sư Leong nhấn mạnh: “Chúng tôi cung cấp nội dung học tập ở đúng nơi để giúp học sinh học tốt nhất với tốc độ phù hợp”.

2. Chấm điểm bài thi

Một cách khác mà AI có thể được tích hợp và ứng dụng trong giáo dục là chấm điểm bài kiểm tra. Theo cách truyền thống, chấm điểm các bài thi là một quá trình tẻ nhạt và không kém phần vất vả. Giáo viên sẽ phải “ôm một đống” bài kiểm tra về nhà, rồi lần lượt xem từng bài một. Quá trình chấm cũng khó có thể thể tránh khỏi những thiếu sót, nhầm lẫn bởi khi giáo viên phải kiểm tra thủ công từng câu hỏi riêng lẻ.

Đây là lý do AICET đã phát triển chương trình SoftMark, cho phép giáo viên dễ dàng chấm điểm. SoftMark hoạt động thông qua một loại AI được gọi là “Computer Vision”, liên quan đến việc các thiết bị có thể nhận dạng và lấy thông tin có ý nghĩa từ hình ảnh. Với SoftMark, giáo viên chỉ cần quét các nội dung bài kiểm tra và AI có thể xác định phạm vi học sinh đã nhập câu trả lời của mình. Sau đó, giáo viên có thể chấm điểm như bình thường dựa trên những thông tin mà AI cung cấp và lập bảng điểm cho từng câu hỏi. Chương trình SoftMark hiện đã được thí điểm tại trường St Andrew's Junior College và Phó Giáo sư Leong đang tìm cách bổ sung các tính năng mới như nhóm các câu trả lời tương tự lại với nhau để việc đánh dấu nhất quán hơn.

3. Hệ thống phản hồi tự động

Cách thứ ba mà Phó Giáo sư Leong hy vọng AI có thể được tích hợp vào giáo dục là thông qua phản hồi tự động. AICET đã phát triển một chương trình có tên là Codaveri, có thể giúp cung cấp phản hồi cho sinh viên về bài tập của họ. Nó sẽ đưa ra nhận xét khi phát hiện lỗi trong câu trả lời của sinh viên, thay vì chỉ đưa ra giải pháp. Sau đó, giáo viên có thể xem xét phản hồi do AI cung cấp và thực hiện các điều chỉnh hoặc thêm nhận xét bổ sung nếu cần.

Phó Giáo sư Leong cho biết, công cụ này đặc biệt hữu ích vì hiện đang thiếu trầm trọng giáo viên khoa học máy tính. Hiện tại, AICET đang hợp tác với MOE để thử nghiệm nền tảng này trong các trường học có môn học máy tính. Mặc dù chương trình hiện có thể cung cấp thông tin đầu vào và phản hồi sơ bộ, nhưng Phó Giáo sư Leong cho biết chương trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Giáo viên sẽ vẫn cần xem xét các câu trả lời của AI trước khi nó sẵn sàng cho học sinh, nhưng những gì AI có thể giúp là cung cấp một số phản hồi sơ bộ để tiết kiệm thời gian của giáo viên và giúp việc chấm điểm hiệu quả hơn.

Theo (Theo Govinsider)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tri-tue-nhan-tao-ai-duoc-ky-vong-tao-dot-pha-thuc-day-su-doi-moi-trong-giao-duc-post535028.antd