Trên 16 triệu lượt khách sử dụng đường sắt đô thị

Sau gần 2 năm hoạt động, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển được trên 16 triệu lượt khách. Từ hiệu quả của tuyến đường sắt đầu tiên, Thành phố Hà Nội đang tích cực đẩy nhanh việc triển khai, ưu tiên nguồn vốn thực hiện các tuyến đường sắt đô thị khác trong qui hoạch Giao thông vận tải Thủ đô giai đoạn 2030 – 2050.

06/11/2021 là dấu mốc đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức đưa vào vận hành khai thác. Năm 2021, trung bình mỗi ngày, tuyến vận chuyển trên 15.600 hành khách. Năm 2022, con số này tăng lên gần 22.500 và năm 2023 tăng lên gần 28.500 hành khách. Đặc biệt, ngày 2/9 vừa qua, tuyến đã xác lập kỷ lục khách đi đông nhất với gần 56.000 hành khách. Nếu như thời gian đầu chủ yếu là những người đi trải nghiệm, thì đến nay 70% khách sử dụng vé tháng, trong đó hầu hết là những người đi làm, đi học và số ít đi lại với mục đích khác. Không chỉ vậy, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại của một bộ phận người dân theo hướng tích cực, dịch chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng; đồng thời, tạo dựng và lan tỏa văn hóa giao thông văn minh, lịch sự.

Đặc biệt, sau gần 2 năm vận hành tuyến, dưới sự hướng dẫn, đào tạo và chuyển giao công nghệ của các chuyên gia nước ngoài, Công ty đường sắt Hà Nội đã từng bước xây dựng được đội ngũ quản lý và vận hành khai thác theo hướng chuyên nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận vận hành những tuyến khác sau này.

Hơn 10 năm xây dựng, nhiều lần lỡ hẹn, nhưng chỉ sau gần 2 năm đưa vào khai thác, những thành công ban đầu đã chứng minh đường sắt đô thị nói chung và tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông nói riêng, đang tích cực góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa ban hành kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc. Với chiều dài hơn 38km, bao gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và gần 30km đi trên mặt đất, tổng mức đầu tư hơn 65.400 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố, đây sẽ là tuyến kết nối khu vực phía Tây với đô thị trung tâm, giúp kéo giãn mật độ dân cư trong nội đô, đồng bộ di dời các cơ quan, trụ sở và kéo theo phát triển kinh tế các huyện còn khó khăn để cùng phát triển, đặc biệt đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Theo Qui hoạch GTVT Thủ đô, trong tương lai, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, đến thời điểm này, đã vận hành tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông, tuyến số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội chuẩn bị đưa vào khai thác đoạn trên cao. 5 năm tới, cùng với tuyến số 5, thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai các tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và tuyến số 3.2 đoạn Ga Hà Nội – Ngọc Hồi.

Đây đều là các đoạn tuyến giao thông định hướng được Nhà nước đầu tư. Tiếp đó từ hiệu quả vận chuyển và khai thác của tuyến 2A đầu tiên, trên cơ sở bộ khung của mạng lưới đã hình thành, sẽ tạo tiền đề để các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho những đoạn tiếp theo.

Hiện nay, chỉ với một tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông sẽ là chưa đầy đủ khi đề cập đến vai trò giảm ùn tắc giao thông của loại hình phương tiện này. Nhưng trong tương lai, khi mạng lưới hình thành sẽ không thể phủ nhận vai trò “xương sống” của đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông đô thị của Thủ đô.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tren-16-trieu-luot-khach-su-dung-duong-sat-do-thi-194189.htm