Trẻ em dân tộc thiểu số mong ước điều gì?

Các em nhỏ tham dự phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm 2024 chia sẻ, trẻ em dân tộc thiểu số rất mong được gia đình quan tâm cho đi học đầy đủ để thoát nghèo và có thể đóng góp xây dựng quê hương.

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, các đại biểu trẻ em dân tộc thiểu số tới từ nhiều địa phương bày tỏ về những khó khăn phải đối diện hàng ngày và nỗ lực vượt khó để hướng về tương lai tươi sáng.

Mang thông điệp đến cộng đồng

Em Chau Quốc Huy - học sinh dân tộc Khmer đã chia sẻ về những khó khăn mà trẻ em dân tộc thiểu số tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đang phải đối mặt, đó là thiếu sự quan tâm của gia đình, cùng với tình trạng bạo lực học đường và phân biệt đối xử, đã khiến nhiều bạn sa vào các tệ nạn xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập.

“Ở quê em, hầu hết các bạn đều là người Khmer và thường sống với ông bà. Vì bố mẹ đi làm xa nên các bạn thiếu sự quan tâm, không có sự định hướng, giáo dục từ nhỏ nên dễ bị bạn bè xấu rủ rê, dẫn đến việc hút thuốc lá”, Quốc Huy chia sẻ và mong muốn thông qua Tạp chí Trẻ em Việt Nam xin được gửi lời chúc tốt đẹp tới các bạn học sinh trên cả nước, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số hãy cùng cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, luôn đề cao cảnh giác trước những tệ nạn ở xung quanh.

Câu chuyện của Quốc Huy cho thấy một bức tranh chân thực về thực trạng của học sinh dân tộc thiểu số tại các trường nội trú (Ảnh: Hương Giang).

Câu chuyện của Quốc Huy cho thấy một bức tranh chân thực về thực trạng của học sinh dân tộc thiểu số tại các trường nội trú (Ảnh: Hương Giang).

Theo Quốc Huy, việc học sinh dân tộc thiểu số bị phân biệt đối xử đang là một vấn đề nhức nhối, gây ra những tổn thương sâu sắc về tinh thần. Môi trường học đường đáng lẽ phải là nơi an toàn, nhưng hiện tại, nhiều bạn học sinh lại phải đối mặt với sự sợ hãi và bất an.

Do đó, khi trở về địa phương của mình, Quốc Huy sẽ hành động ngay lập tức. Với vai trò là đội viên phó trong nhiệm kỳ, Quốc Huy sẽ tận dụng buổi chào cờ để chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường. Nếu các bạn chưa hiểu rõ, em sẽ đề xuất với thầy tổng phụ trách để có những buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề này.

Vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng ước mơ tươi đẹp

Em Nguyễn Ngọc Thùy Tâm (dân tộc Cơ Tu, học sinh lớp 9/2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, em rất vinh dự và tự hào khi được đại diện cho tỉnh, huyện của mình tham gia phiên họp Quốc hội trẻ em lần này.

Chia sẻ về quãng thời gian học nội trú với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Thùy Tâm cho biết em đã phải đối mặt với nhiều áp lực khi xa gia đình và sống tự lập. Những năm đầu cấp hai là khoảng thời gian khó khăn nhất khi em phải vật lộn với việc thích nghi và theo kịp chương trình học. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng không ngừng, em đã dần vượt qua những khó khăn đó và đạt được thành tích đáng tự hào.

Nguyễn Ngọc Thùy Tâm đã xuất sắc giành được Top 1 cấp huyện thi đầu vào lớp 10 trường Nội trú tỉnh Quảng Nam; Giải nhất hùng biện cấp huyện, Giải Ba cấp tỉnh và nhiều giải thưởng khác (Ảnh: Hương Giang).

Nguyễn Ngọc Thùy Tâm đã xuất sắc giành được Top 1 cấp huyện thi đầu vào lớp 10 trường Nội trú tỉnh Quảng Nam; Giải nhất hùng biện cấp huyện, Giải Ba cấp tỉnh và nhiều giải thưởng khác (Ảnh: Hương Giang).

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em đã giúp Thùy Tâm trưởng thành hơn và đây cũng là một trải nghiệm quý báu, giúp em tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm sống và kiến thức bổ ích. Tâm đã nhận ra mình còn nhiều thiếu sót và sẽ cố gắng trau dồi bản thân để hoàn thiện hơn và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Tâm hứa rằng, em sẽ biến những kiến thức thu được từ phiên họp thành hành động thiết thực, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

“Tình trạng bạo lực học đường và sử dụng chất kích thích sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của học sinh. Do đó, em mong muốn trở thành một tuyên truyền viên tích cực, giúp nâng cao nhận thức của mọi người về những vấn đề xã hội trên và tạo ra một môi trường học tập thân thiện, không có bạo lực và tệ nạn xã hội, thay vào đó là sự đoàn kết, hòa đồng và tinh thần phát triển tích cực”, Thùy Tâm khẳng định và mong muốn ý kiến của mình cùng các bạn đại biểu tại kỳ họp lần này được thông qua Tạp chí Trẻ em Việt Nam lan tỏa với hàng triệu trẻ em trên khắp đất nước.

Bước chân nhỏ, ước mơ lớn

Là một trong các đại biểu thay mặt cho trẻ em ở tỉnh Hà Giang, em Thào Mí Phềnh (dân tộc Mông, học sinh lớp 9A3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chia sẻ, ở trường em có nhiều bạn hết lớp 9 không còn được đi học nữa vì phải đi làm giúp gia đình. Em ước mong được đi học đầy đủ trong một môi trường không có bạo lực học đường, không bị ảnh hưởng bởi tác hại của các chất kích thích.

Thào Mí Phềnh chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, em là con út trong gia đình có 5 anh chị em và cũng là người duy nhất may mắn còn được đi học. Cuộc sống khó khăn nên gia đình rất muốn Phềnh nghỉ học để phụ giúp việc nhà nhưng với em, đến trường, được học tập, vui chơi chính là niềm hạnh phúc.

Phềnh cho biết, chỉ có đi học mới có cuộc sống khác với anh chị mình nên em luôn nỗ lực, cố gắng hết sức để sau này có thể trở thành một người thầy truyền đạt lại kiến thức bổ ích cho học sinh của mình.

Ngoài thành tích học tập tốt, Thào Mí Phềnh còn giữ chức vụ Chi đội phó, Lớp phó học tập. Phềnh là thành viên trong Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và luôn tích cực tham gia các hoạt động trường lớp.

Hàng tuần, Phềnh phải đi bộ 8km, leo lên những dốc núi cheo leo để đến trường (Ảnh: Hương Giang).

Hàng tuần, Phềnh phải đi bộ 8km, leo lên những dốc núi cheo leo để đến trường (Ảnh: Hương Giang).

Là một trong 47 đại biểu dân tộc thiểu số tham dự Phiên họp “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, sau khi có được các kiến thức về tác hại của bạo lực học đường và các chất kích thích, Thào Mí Phềnh sẽ về tuyên truyền cho các bạn ở bản trang bị kiến thức bảo vệ sức khỏe, học tập thật tốt để có tương lai tốt, chia sẻ khó khăn với gia đình, góp phần xây dựng quê hương.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/tre-em-dan-toc-thieu-so-mong-uoc-dieu-gi-d5337.html