Trao gửi kiến nghị tới kỳ họp Quốc hội

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được tổ chức từ ngày 5/5 đến 28/6 (chia thành 2 đợt), quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, đơn vị hành chính các cấp. Trước thềm kỳ họp, nhiều tâm tư, kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang được gửi gắm.

Những tâm tư từ cơ sở

Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính được đại đa số cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, bởi thấy được yêu cầu khách quan, thực tiễn, giúp hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước, phát triển tỉnh. Bộ máy mới sau khi hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp sẽ được tinh gọn hơn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; chính quyền địa phương cấp cơ sở thực sự gần dân, sát dân; biên chế được tinh giản, giúp tiết kiệm chi phí ngân sách.

Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh nhận được khá nhiều ý kiến, tâm tư về đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, giải quyết thủ tục hành chính sau khi sáp nhập. Chị Lê Thị Trúc Ngọc (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) băn khoăn: “Sắp tới đây, khi sáp nhập cấp xã, không còn cấp huyện, tiến tới sáp nhập tỉnh, chúng tôi nhận thấy chế độ, chính sách đối với cán bộ về hưu trước tuổi đã được thể hiện rõ trong nhiều nghị định. Còn đối với người làm việc không chuyên trách, đến giờ vẫn chưa được đề cập. Rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm xem xét chế độ đối với đội ngũ không chuyên trách, để chúng tôi an tâm công tác, hoặc khi quyết định nghỉ thì vẫn có chế độ phù hợp”.

Cử tri nêu tâm tư về chính sách cho người không chuyên trách

Cử tri nêu tâm tư về chính sách cho người không chuyên trách

Một tâm tư chung của không ít cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là nếu phải nghỉ việc, nghỉ hưu sớm, họ có thể làm gì để tiếp tục lao động, cống hiến, khi đã quá quen với “vùng an toàn” của bộ máy Nhà nước. “Tôi công tác ở cấp xã gần 20 năm, trải qua nhiều công việc, rất gắn bó với địa phương, hiểu rõ mình phải làm gì để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Nay gần 50 tuổi, tôi cho rằng mình nên xin nghỉ, nhường vị trí công tác lại cho cán bộ trẻ, năng động hơn. Nhưng khi viết Phiếu lấy ý kiến gửi về đơn vị công tác, tôi vẫn miên man suy nghĩ: Ở độ tuổi “chưa già nhưng cũng không còn trẻ” này, bản thân phải làm gì để không cảm thấy mình dư thừa, vẫn có thể cống hiến cho địa phương, cho gia đình, xã hội?” - ông Nguyễn Duy T. (một cán bộ địa phương) trăn trở.

Những tâm tư này được chuyển tải đến Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH tỉnh. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân (ĐBQH tỉnh) bày tỏ: “Trong khó khăn, thách thức mới, chúng ta sẽ tìm ra cách vượt qua, tiếp tục phát triển. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính… đang là chủ trương rất lớn, chưa có tiền lệ. Bối cảnh này đòi hỏi sự chung sức, chung lòng, đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân. Quá trình sắp xếp còn rất nhiều bài toán phải giải quyết: Bộ máy thế nào, cán bộ ai về ai ở, bố trí ở đâu… Đụng chạm đến con người, đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng là vấn đề không hề đơn giản. Vì vậy, lãnh đạo các cấp từ trách nhiệm, tinh thần “vì đất nước, vì quê hương” mà tính toán đề án một cách sát thực, hợp lòng dân, hợp lòng cán bộ, tạo ra sự phát triển mới cho quê hương, như mong muốn của Đảng, Nhà nước”.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tại TP. Long Xuyên

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tại TP. Long Xuyên

Về chính sách, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ, Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đưa ra chủ trương rất nhân văn. Trước mắt, giữ lại bộ máy đang hiện hữu của các cấp (trừ người có nguyện vọng nghỉ), không ai “bị buộc phải nghỉ”; 5 năm sau mới tính toán, định biên lại biên chế các cấp. Điều này thuận lợi hơn cho địa phương, cho cán bộ. Chính sách cho người nghỉ việc được cân nhắc theo khả năng tài chính của đất nước trong cuộc họp Quốc hội sắp tới, nhưng vẫn không để cán bộ chịu quá nhiều thiệt thòi, khó khăn. Ngoài chính sách chung của Trung ương, từng địa phương phải nghiên cứu, đề ra chính sách phù hợp cho cán bộ của mình.

“Tổng Bí thư Tô Lâm thường nhắc đi nhắc lại về việc tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để mọi người dân tham gia sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, với năng suất lao động ngày càng cao. Kể cả cán bộ, công chức Nhà nước, khi không làm việc trong môi trường cũ vẫn có thể ra đầu tư, thuận lợi lao động, sản xuất. Tôi tin tưởng rằng, khi đã hết sứ mệnh làm việc cho Nhà nước, các đồng chí với môi trường mới, có nhiều cơ hội lao động, sản xuất, làm dịch vụ, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cũng như thu nhập cho bản thân, cho gia đình... Nhiều khi, chúng ta lại có cơ hội phát huy năng lực, sở trường của bản thân mà trước giờ chưa phát huy hết” - đồng chí Võ Thị Ánh Xuân động viên.

Ý kiến của “đại cử tri”

Theo thông lệ được duy trì 2 nhiệm kỳ nay, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh lại có buổi gặp gỡ, tiếp xúc “đại cử tri” là lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành. Từ những buổi trao đổi này, các vấn đề trọng tâm, đặc biệt quan trọng của tỉnh được nêu lên, nhờ Đoàn ĐBQH chuyển tải đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, trước kỳ họp thứ 8, UBND tỉnh An Giang gửi 17 kiến nghị thông qua Đoàn ĐBQH tỉnh, 5 kiến nghị đã được phản hồi. Điển hình như, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 515/QĐ-BTC, ngày 28/2/2025, liên quan đến việc quản lý, vận hành khai thác tuyến Quốc lộ 80B; nghiên cứu xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước ngoài vốn đầu tư công. Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đầu tư tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên, điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi cửa khẩu Khánh Bình. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình đề xuất phương án bố trí nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư…

Đoàn Đại biểu Quốc hội làm việc với UBND tỉnh

Đoàn Đại biểu Quốc hội làm việc với UBND tỉnh

Lần này, trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, UBND tỉnh gửi gắm 13 kiến nghị. Trong đó, có 3 kiến nghị lớn liên quan đến phát triển vùng ĐBSCL và tỉnh An Giang. Thứ nhất, quan tâm hỗ trợ, cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư dự án trọng điểm cho ĐBSCL và tỉnh theo Thông báo 266/TB-VPCP, ngày 6/7/2023 của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang. Đó là các dự án: Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung; cầu Tân Châu - Hồng Ngự.

Kiến nghị thứ 2, 3 xoay quanh quy hoạch. Theo UBND tỉnh, cần bổ sung để làm rõ, nội dung nào chưa được thể hiện chi tiết trong Quy hoạch tỉnh sẽ được thể hiện ở các quy hoạch cấp thấp hơn, như: Quy hoạch khu chức năng (khu kinh tế cửa khẩu, đặc khu kinh tế), quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng cấp xã, quy hoạch phân khu xây dựng… Từ đó, thuận lợi cho việc đánh giá sự phù hợp quy hoạch khi thẩm định chủ trương đầu tư dự án. Về quy định chuyển tiếp khi sáp nhập đơn vị hành chính, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục thực hiện các quy hoạch hiện hành trong thời gian chưa có quy hoạch tỉnh mới, nhằm đảm bảo tính ổn định, không gián đoạn trong công tác quản lý quy hoạch. Cần bổ sung, làm rõ trách nhiệm rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ quy hoạch cũ không còn phù hợp sau khi sáp nhập, tránh tình trạng chồng chéo hoặc thiếu thống nhất trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, sở, ban, ngành tỉnh gặp nhiều vướng mắc liên quan đến áp dụng, thực thi quy định, chính sách pháp luật. Do đó, An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quan tâm, xem xét phê duyệt Đề án đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh; trình Quốc hội ban hành Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế của các địa phương. Về lĩnh vực chính sách người có công, các ngành chuyên môn kiến nghị Trung ương sớm phân bổ kinh phí hỗ trợ (theo Quyết định 21/2024/QĐ-TTg, ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ) để địa phương hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; hướng dẫn kinh phí và giao dự toán năm 2025 thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công.

Lĩnh vực văn hóa, hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động vui chơi, giải trí của Nhân dân thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Trong khi đó, việc sử dụng âm thanh vượt mức quy định lại thuộc lĩnh vực ô nhiễm môi trường, do ngành nông nghiệp và môi trường chủ trì thực hiện, gây khó khăn cho cơ sở trong công tác phối hợp xử lý trường hợp vi phạm. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định cụ thể, khả thi để xử phạt vi phạm hành chính về độ ồn âm thanh, thay cho việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm bằng phương pháp đo độ ồn hiện hành…

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương khẳng định, kỳ họp 9 được xem là kỳ họp lịch sử, khối lượng công việc đồ sộ, bàn bạc điều chỉnh rất nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là Hiến pháp; trên 30 luật được xem xét, thảo luận. "Cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã đồng hành cùng Đoàn ĐBQH trong những kỳ họp trước. Quá trình tổ chức kỳ họp lần này, rất mong tỉnh tiếp tục đồng hành, cung cấp thông tin cụ thể, thực tiễn từ địa phương để Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH làm tốt chức trách được giao, đáp ứng mong mỏi kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân tỉnh nhà" - đồng chí Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trao-gui-kien-nghi-toi-ky-hop-quoc-hoi-a419553.html