Tránh 'té nước theo mưa' làm khó ngành hàng nông sản thực phẩm

Nhìn vào chuyện 'té nước theo mưa' từ việc tăng giá gạo xuất khẩu, cùng với nỗi ám ảnh chi phí lãi vay cao như thời gian qua, khiến cho nông dân và các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản thực phẩm Việt vẫn còn lắm mối lo.

Bà Lê Thị Kim Lan, chủ một cơ sở sản xuất nhỏ trong ngành hàng chế biến thực phẩm ở quận Bình Tân (Tp.HCM) cho biết, giá gạo bán trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu trong thời gian gần đây khiến cơ sở phát sinh thêm chi phí.

Hệ lụy “ăn theo” giá gạo

Theo bà Lan, mỗi tháng cơ sở sản xuất tiêu thụ khoảng 2 tấn gạo. Tuy nhiên, trong 2 tuần qua, từ lúc giá gạo thành phẩm ở thị trường trong nước tăng lên khiến cho chi phí tăng thêm 4 triệu đồng, và tạm tính nếu giá gạo cứ giữ mức tăng như vậy sẽ mất tối thiểu là 8 triệu đồng.

Tình trạng “té nước theo mưa” từ chuyện tăng giá gạo xuất khẩu có thể làm khó cho nông dân và các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm.

Tình trạng “té nước theo mưa” từ chuyện tăng giá gạo xuất khẩu có thể làm khó cho nông dân và các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm.

Ghi nhận của VnBusiness những ngày qua cho thấy, nhiều mặt hàng thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu gạo như bún, bánh phở, hủ tiếu, bún gạo…ở Tp.HCM đã tăng tương ứng với giá gạo. Không chỉ vậy, các chủ cơ sở chế biến những mặt hàng này còn lo ngại giá cả sẽ còn điều chỉnh tăng thêm nếu giá gạo trong nước vẫn tiếp tục tăng, cùng với đó là mối lo thiếu nguồn gạo chế biến.

Ngoài ra, trước bối cảnh giá gạo tiếp tục ở mức cao trong quý 3/2023, trong báo cáo cập nhật mới nhất về ngành nông nghiệp trong tháng 8/2023, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KIS Việt Nam có lưu ý giá gạo cao dẫn đến nhu cầu cây giống và nguyên vật liệu khác cho các vụ gieo trồng sắp tới tăng cao, nhu cầu này tăng cao có thể sẽ đẩy giá đầu vào tăng lên.

Chẳng hạn như với giá phân Urê. Theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC, giá Urê nội địa sẽ tăng nhẹ trở lại vào khoảng từ quý 3 đến đầu quý 4 năm nay do cả nước sẽ bước vào cao điểm mùa vụ, nhất là ở phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân - là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy xuất khẩu gạo trong các tháng cuối năm theo Công điện số 610/CĐ-TTg (đặc biệt lúa gạo - chiếm hơn 50% tổng diện tích gieo trồng tại Việt Nam) cũng có thể làm giá phân bón tăng theo. Tuy nhiên, giá Urê nội địa được cho là chỉ tăng nhẹ, không thể nào tạo nên một “cơn sốt” như trong năm 2021 và 2022, trừ khi có biến động bất ngờ xảy ra.

Về phía các doanh nghiệp (DN) phân bón, sau nửa năm đầu doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, để phục hồi trong các tháng cuối năm thì họ lại kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ gia tăng và giá phân tăng trở lại. Trong khi đó, với nông dân và các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm, giá phân bón nếu tăng trở lại với mức cao thì rủi ro về lợi nhuận đối với họ lại càng lớn.

Ngoài vấn đề nêu trên, với ngành hàng lúa gạo trong lúc giá gạo ở mức cao, Bộ phận phân tích của KIS Việt Nam lưu ý thêm là nhiều DN đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu Đông, có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao bất chấp chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Ám ảnh chi phí lãi vay

Trong khi đó, thực tế nửa năm qua cho thấy chi phí lãi vay ở mức cao luôn là một áp lực lớn với các DN lúa gạo nói riêng, với với các DN trong ngành nông sản thực phẩm nói chung.

Đơn cử như CTCP tập đoàn Lộc Trời trong 6 tháng đầu năm nay có chi phí tài chính tăng mạnh gần gấp đôi lên 231 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay tăng mạnh gần 3 lần chiếm 168 tỷ đồng.

Theo ước tính, mỗi ngày DN này phải chi ra từ 50 - 70 tỷ đồng mua lúa ở các vùng liên kết và đang dự trữ 200.000 tấn gạo và có những hợp đồng mới, sẵn sàng xuất khẩu từ nay đến giữa tháng 11/2023.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc của Lộc Trời, bày tỏ băn khoăn về thách thức lớn của các DN hiện nay là khả năng mua lúa, nhất là tình trạng đang thiếu vốn ở các DN nhỏ.

Do vậy, theo ông Thuận, để DN có thể kinh doanh hiệu quả thì cần có chính sách tín dụng phù hợp nhằm giúp DN mua được lúa với giá ổn định, giữ được đầu vào ổn định.

Áp lực về chi phí lãi vay cũng có thể thấy rõ ở CTCP tập đoàn PAN (một DN hàng đầu khác trong mảng lúa gạo và các loại nông sản thực phẩm). Như trong quý 2/2023, chi phí tài chính của công ty này tăng 22,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi phí lãi vay tăng đáng kể lên đến 50,9% do gia tăng vay nợ ngắn hạn và dài hạn.

Số dư vay của PAN tại thời điểm tháng 6/2023 là 9.382,42 tỷ đồng, tăng 83,07% so với đầu năm. Trong khi đó, tính đến nửa đầu năm, lợi nhuận lũy kế của công ty này đã giảm 40,37% so với cùng kỳ.

Hay như một DN hàng đầu trong mảng chế biến thịt là CTCP Masan MEATLife (MML) trong báo tài chính hợp nhất quý 2/2023 cho thấy, đã lỗ sau thuế 179 tỷ đồng. Trong đó, việc chi phí tài chính tăng cao (bao gồm chi phí lãi vay với gánh nặng lãi suất cao) đã phần nào ảnh hưởng đến chuyện này.

Hoặc như ở ngành mía đường. Dù giá đường tăng cao nhưng kết quả kinh doanh của các DN trong ngành có sự phân hóa. Trong đó, có một số DN báo kết quả lợi nhuận đi lùi do chi phí tài chính tăng cao.

Chẳng hạn như CTCP Thành Thành Công Biên Hòa trong báo cáo tài chính hợp nhất niên độ tài chính 2022-2023 vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần tăng 24% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 66% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân đến từ chi phí tài chính của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu là lãi vay do mặt bằng lãi suất tăng cao. Đây cũng là chi phí ăn mòn nhiều nhất vào lợi nhuận của công ty.

Nói chung, nhìn vào chuyện “té nước theo mưa” từ việc tăng giá gạo xuất khẩu, cùng với nỗi ám ảnh về chi phí lãi vay cao như thời gian qua khiến cho nông dân và các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm vẫn còn lắm mối lo. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần lưu tâm và có giải pháp hợp lý nhằm tránh những biến động về giá cả và lãi suất dẫn đến bất ổn về thị trường, gây thiệt hại cho nông dân và DN.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-te-nuoc-theo-mua-lam-kho-nganh-hang-nong-san-thuc-pham-1094587.html