Lộc Trời bỏ thầu giá gạo xuất khẩu 'rẻ': Người trong cuộc nói gì?
Việc có vùng nguyên liệu trồng lúa, cắt giảm khâu thương lái trung gian đã giúp doanh nghiệp cắt giảm nhiều chi phí để có giá gạo xuất khẩu cạnh tranh.
Ngày 29-5, trao đổi với PLO, đại diện Công ty Cổ phần Lộc Trời cho biết công ty trúng thầu 2 lô gạo xuất khẩu sang Indonesia với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cam kết vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa, thu mua lúa với giá cao hơn thị trường.
Đảm bảo lợi nhuận cho nông dân
Lý do công ty Lộc Trời đưa ra mức giá trên vì doanh nghiệp có vùng trồng lúa nguyên liệu và hệ thống các nhà máy xay xát lúa gạo nên giảm được nhiều chi phí, có mức giá gạo xuất khẩu cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác.
“Với giá bỏ thầu xuất khẩu trên, Lộc Trời cam kết không ảnh hưởng đến bà con nông dân. Doanh nghiệp vẫn đảm bảo thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với giá thị trường”- đại diện Lộc Trời thông tin.
Trước đó, Lộc Trời cũng cho biết doanh nghiệp đang gặp áp lực tài chính. Mới đây, ngày 20-5-2024, Lộc Trời đã phối hợp với ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.
Công ty Lộc Trời thừa nhận việc tăng trưởng nhanh trong khi doanh thu đi kèm với yếu tố bất lợi của ngành hàng lúa gạo như biên độ lợi nhuận rất thấp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất khả kháng như bất thường về thời tiết, sâu bệnh hoặc các sự cố bất ổn liên quan đến an ninh lương thực thế giới … Đây cũng là nguyên nhân khiến gia tăng các khoản phải thu, nợ ngắn hạn và đã tạo ra sự mất cân bằng trong cán cân tài chính, gây nên sự cố về dòng tiền trong thời điểm vừa qua.
Doanh nghiệp gạo khác nói gì?
Trước thông tin lo ngại việc bỏ thầu giá gạo xuất khẩu sang Indonesia với giá thấp của công ty Lộc Trời sẽ ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam và nông dân, PLO đã trao đổi với một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo về vấn đề trên.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt cho rằng với nền kinh tế thị trường, câu chuyện bỏ thầu, hay bán giá gạo xuất khẩu ở mức nào là bài toán kinh doanh của doanh nghiệp đó nên không thể nói ảnh hưởng chung đến ngành lúa gạo.
Với tập đoàn Lộc Trời, ông Long cho rằng doanh nghiệp này có những lợi thế lớn so với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác của Việt Nam giúp giảm chi phí, có giá gạo xuất khẩu cạnh tranh hơn. Như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay, đa phần không có vùng nguyên liệu, họ đi mua lại thương lái, nhà máy xay xát, tức là mua gạo xá (gạo nguyên liệu). Khi đi mua gạo từ thương lái, qua khâu trung gian thì giá mua chắc chắn phụ thuộc thị trường, và chắc chắc chi phí cao hơn do thương lái sẽ tính thêm lợi nhuận của họ.
“Trong khi đó, Lộc Trời họ trồng lúa, có vùng nguyên liệu lớn, giảm chi phí trung gian cũng khoảng 20% thì họ sẽ chủ động trong tính toán giá bỏ thầu. Với mức giá gạo xuất khẩu trên, theo tôi doanh nghiệp vẫn đảm bảo có lợi nhuận. Và quan trọng Lộc Trời họ có liên kết với nông dân, đảm bảo thu mua, lợi nhuận cho nông dân nên không thể đưa ra ý kiến mang tính phiến diện rằng nông dân bị thiệt”- ông Long phân tích.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cũng cho rằng có thể do áp lực dòng tiền, lo gạo tồn kho, trong khi lô gạo đấu thầu xuất khẩu sang Indonesia lên tới hàng chục ngàn tấn nên doanh nghiệp bỏ giá thầu thấp để cạnh tranh muốn chắc chắn trúng thầu.
Tuy nhiên, theo giám đốc doanh nghiệp này, việc bỏ thầu giá nào là câu chuyện của doanh nghiệp, họ phải tự tính toán giá mua, giá bán. Nếu bỏ thầu giá gạo thấp quá mà không có căn cứ để đảm bảo lợi ích các bên thì không thể thu mua được gạo từ nông dân vì nông dân, thương lái đều bán theo giá thị trường.
QUANG HUY