Tránh 'sập bẫy' đổi tiền mới dịp Tết 2025

Đến hẹn lại lên, thị trường đổi tiền mới, tiền lì xì năm nay cũng nhộn nhịp từ đầu tháng Chạp. Tuy nhiên, đi kèm với đó là các đối tượng xấu đã lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từ năm 2021 đã hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là tiền mệnh giá từ 10.000-50.000 đồng. Nguồn cung hạn chế, trong khi tình trạng “nhờ vả” đổi tiền mới luôn tiếp diễn nên thời điểm này là “ác mộng” đối với nhiều nhân viên ngân hàng khi họ luôn phải tìm cách từ chối khéo, không để mất lòng khách hàng, người thân.

Công khai rao đổi tiền mới trên “chợ mạng”

Trong khi kênh chính thống là ngân hàng không đổi tiền mới dịp Tết, thì nhu cầu này vẫn tăng cao. Điều đó đã tạo cơ hội cho các dịch vụ đổi tiền online xuất hiện.

Hiện nay, chỉ cần gõ các cụm từ “đổi tiền lì xì Tết", "đổi tiền mới" trên Facebook, ngay lập tức hàng trăm bài viết quảng cáo về dịch vụ này sẽ xuất hiện. Các hội, nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới cũng hoạt động sôi nổi với thành viên tham gia đông đảo.

Bên cạnh những lời mời chào hấp dẫn như “phí đổi thấp”, "cam kết tiền thật", "tiền nguyên seri"..., các chủ tài khoản còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận tiền.

Tiền 2 USD hình con rắn 2025 được nhiều người "săn" mua.

Tiền 2 USD hình con rắn 2025 được nhiều người "săn" mua.

Hầu hết đại lý đều công khai phí tương đương nhau, dao động từ 5-8% giá trị số tiền được đổi. Phí đổi sẽ biến động liên tục, càng gần Tết thì phí càng tăng, tùy vào độ hút hàng của mệnh giá.

Trao đổi qua tài khoản Facebook Nguyen Thuy Duong, chủ tài khoản này cho biết, với mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng, phí đổi là 6%. Mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, phí đổi là 5%. “Tiền bên mình là tiền thật, mới hoàn toàn, nguyên seri. Đổi càng nhiều thì phí càng rẻ. Ví dụ, mệnh giá 500.000 đồng có phí là 5%, nếu đổi 100 tờ thì mình “ra lộc” cho còn 4%”, chủ tài khoản chào mời.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, "dân buôn tiền" trên mạng internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.

Chẳng hạn, một tờ 5.000 đồng có đuôi số seri theo ngày tháng năm sinh (ví dụ như khách sinh ngày 4/1/1963 thì đuôi số seri sẽ là 411963) có giá 160.000 đồng, nhưng một tờ polyme 200.000 đồng mang seri tương tự sẽ có giá 400.000 đồng.

Với hàng “độc” hơn như seri năm sinh kép (nếu khách sinh năm 1970 thì số seri sẽ là 19701970), một tờ polyme mệnh giá 10.000 đồng sẽ có giá bán là 400.000 đồng, mệnh giá 200.000 đồng với số seri tương tự có giá 800.000 đồng, còn mệnh giá 500.000 đồng sẽ có giá 1.200.000 đồng.

Tiền 2 USD rắn mạ vàng có giá 140.000 đồng/tờ, được tặng kèm một tờ "1 triệu USD" thần tài; cặp tiền xu Úc rắn mạ vàng, bạc kèm túi gấm đỏ có giá 80.000 đồng/cặp; tiền xu Phật Tổ Như Lai có giá 60.000 đồng/xu; tiền xu Hồng Kông thần tài mạ vàng giá 60.000 đồng/xu…

Theo chủ một tài khoản bán tiền lưu niệm trên facebook, so với năm ngoái, tiền lì xì lưu niệm Tết Ất Tỵ sẽ không “hot” bằng do linh vật rắn kén khách hơn linh vật rồng. “Năm con rồng có nhiều mẫu mã đa dạng hơn, còn linh vật rắn chỉ có một vài mẫu nên không nhiều khách hỏi mua bằng năm ngoái. Khách của bên tôi chủ yếu đặt số lượng lớn tiền 2 USD theo bộ sưu tập 12 con giáp để lì xì nhân viên, người thân của mình hoặc biếu tặng đối tác”, chủ tài khoản này cho biết.

Rủi ro chực chờ

Có thể thấy, càng gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu đổi tiền lẻ (tiền mới) để lì xì hoặc chuẩn bị cho các hoạt động tiêu dùng càng lớn, điều này đã tạo cơ hội cho các dịch vụ đổi tiền online xuất hiện. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền.

Báo chí, cơ quan chức năng từng nhiều lần phản ánh, cảnh báo rằng không chỉ vi phạm pháp luật, việc đổi tiền lẻ và tiền mới qua mạng có thu phí có thể xảy ra rủi ro lớn cho chính người cần đổi tiền.

Nhất là khi hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới thường giao dịch qua mạng. Có người khi nhận về cọc tiền bị rút ruột, không đúng sêri lẫn tiền cũ nát, thậm chí không kiểm tra kỹ càng còn có thể nhận về tiền giả…

Nhưng điều dễ hình dung nhất là tham gia giao dịch bất hợp pháp, người dân không được bảo đảm quyền lợi, khó khiếu nại.

Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới, nhưng khi nhận lại tiền được đổi không đủ như cam kết hoặc nhận tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong, chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, "bùng" tiền cọc của khách.

Thông thường, những người "sập bẫy" các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều không dám trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.

Theo quy định, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Mong muốn có nguồn tiền lẻ may mắn đầu năm cần cẩn trọng để tránh phiền phức, thậm chí bị lừa đảo, gian lận. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành "con mồi" tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Người dân chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp.

Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, người dân hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường.

Chưa kể, hiện nay, theo quy định, ngoài NHNN, các chi nhánh và Sở giao dịch NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước thì mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng theo Nghị định 88 của Chính phủ. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tranh-sap-bay-doi-tien-moi-dip-tet-2025-1104590.html