Tranh khắc gỗ, áo dài thêu, vẽ gốm sứ

(KTSG) - Sau hơn hai năm miệt mài khắc ván và in tranh, một nhóm họa sĩ đã hoàn thành dự án “Âm vọng - Từ cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại”. Dự án với 81 bức tranh khắc gỗ, 21 tác phẩm gốm sứ, 10 bộ trang phục thêu trên chất liệu nhung, lụa đã tạo nên những rung cảm khác biệt.

Sân khấu biểu diễn nghệ thuật thu hút khán giả nhí dịp lễ
Triển lãm nghệ thuật và ra mắt sàn giao dịch nghệ thuật Gallery The Art

Năm 2022, với mong muốn tôn vinh và phát huy những giá trị di sản nghệ thuật của tiền nhân, nhóm giảng viên - họa sĩ và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, gồm Trang Thanh Hiền, Trần Mỹ Anh, Vũ Phương Anh, Nguyễn Thu Nga, Trần Quốc Đức, Nguyễn Xuân Huy, Trần Nhật Nhi đã bàn nhau thành lập một dự án nhằm thực hiện một bộ tranh khắc gỗ về đất nước Việt Nam trên cửu đỉnh.

Cuộc “đối thoại thẩm mỹ”

Yêu cầu đặt ra là các bức tranh này không chỉ đơn giản là chuyển thể từ các tác phẩm đúc đồng trên cửu đỉnh, mà còn hướng tới sự tìm tòi về hình thức biểu đạt mới trong cái nhìn “đối thoại thẩm mỹ” giữa cái cũ ổn định và cái mới tiếp biến, giữa quá khứ và hiện tại. Hình thức này vừa dựa trên ngôn ngữ nghệ thuật khắc gỗ dân gian (như lối cắt mảng, tạo nét), vừa kết hợp với ngôn ngữ của nghệ thuật khắc gỗ hiện đại (như cách tạo không gian bằng chính những nét khắc, tạo mache) để tạo nên sự rung cảm khác biệt ở mỗi bức tranh.

Con rồng trên Cao đỉnh, tranh khắc gỗ 20x30 cen ti mét. Ảnh: Hoàng Toàn

Con rồng trên Cao đỉnh, tranh khắc gỗ 20x30 cen ti mét. Ảnh: Hoàng Toàn

Dự án bắt đầu từ ước muốn của PGS.TS.HS. Trang Thanh Hiền. Bà mong muốn mọi người biết đến nhiều hơn nữa giá trị của những bản đúc nổi trên cửu đỉnh triều Nguyễn.

Đó là chín cái đỉnh đồng được vua Minh Mạng cho đúc vào năm Ất Mùi, Minh Mạng thứ 16 (1835) để làm một biểu tượng về sức mạnh trường tồn của triều đại, về sự hưng thịnh của quốc gia Đại Nam. Trên mỗi đỉnh có 18 hình khắc, ngoại trừ một hình khắc tên đỉnh thì 17 hình còn lại là những hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh đậm tính dân tộc, tính dân gian cùng tên gọi được khắc trên 9 đỉnh. Các hình này được phân thành các nhóm, như tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền... Cửu đỉnh đặt ở Thế miếu từ năm 1837 được coi là bộ sách địa dư của Việt Nam, với những địa danh, thắng cảnh tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp ba miền, thể hiện một tư tưởng hòa bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia trên cửu đỉnh với hình ảnh của Đông hải (biển Đông) của Việt Nam, và cả các vùng Nam hải (biển phía Nam đất nước, khu vực các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau), Tây hải (biển phía Tây đất nước, khu vực các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, giáp vịnh Thái Lan).

Thời đó, mỗi lò có thể nung chảy từ 30-40 ki lô gam đồng và để đúc một đỉnh đồng nặng chừng 2.000-3.000 ki lô gam, người ta đặt xung quanh mỗi khuôn đúc khoảng 60 lò nung giống nhau hoạt động đồng thời. Khuôn đúc đặt trên mặt đất, thợ đúc leo lên bằng ván nghiêng và giàn giáo, mỗi khuôn đúc cần tới ba tháng để hoàn thành. Các phù điêu trên thân đỉnh được tạo mẫu, làm khuôn từ trước và đúc liền khối. Sau khi gạt than củi chưa cháy hết và xỉ, nồi cơi chứa đồng nung chảy được khiêng đến gần khuôn và đổ vào khuôn theo lệnh của một viên quan phụ trách chỉ huy đúc đồng, mục đích là tránh đổ quá nhiều hay ngắt quãng quá lâu ảnh hưởng đến sự liên kết của các khối đồng lỏng. Việc đổ đồng vào khuôn diễn ra chỉ trong vài giờ, lâu nhất là nửa ngày. Các chân và quai đỉnh được đúc riêng.

Chovet, Hiệu trưởng Ecole professionnelle de Húe (trường Kỹ nghệ Huế), trong tập san Bulletin des Amis du Vieux Húe (Những người bạn của cố đô Huế), số tháng 1-3/1914, đã khen ngợi như sau: “Cách xây các khuôn đúc rất hay, chứng tỏ trong lĩnh vực này những người thợ đúc An Nam đã đạt trình độ điêu luyện ngang với những thợ đúc của châu Âu”.

Kỳ công chuyển thể từ bản đúc đồng lên tranh khắc gỗ

Hệ thống các hình ảnh biểu tượng - những họa tiết về cảnh quan, kiến trúc, sản vật nước Việt được vua Minh Mạng cho các nghệ nhân đúc lên cửu đỉnh - được đánh giá là độc lập hoàn toàn với những mẫu thức đã từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc.

“Quý giá như vậy nhưng nếu chỉ là những hình ảnh được khắc trên cửu đỉnh, thì ta phải đến Huế mới có thể thưởng ngoạn chúng. Do đó, tôi và các cộng sự của tôi là sinh viên, họa sĩ đã muốn biến chúng thành những bức tranh khắc gỗ, để có thể mang những hình ảnh này đi muôn nơi. Chỉ khi chúng được phổ biến rộng rãi, thì ý nghĩa về chủ quyền đất nước Việt, văn hóa Việt mới được hun đúc và tôn vinh trong đời sống đương đại”, bà Hiền nhớ lại.

Áo dài vẽ hoa văn cửu đỉnh của nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan. Ảnh: Hoàng Toàn

Áo dài vẽ hoa văn cửu đỉnh của nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan. Ảnh: Hoàng Toàn

Quyết là làm, cả nhóm đi đi về về giữa Hà Nội - Huế để hiện thực hóa ý tưởng. Trong quá trình thực hiện, khó nhất đối với họ là việc chuyển thể từ bản đúc đồng lên bản khắc gỗ. Bởi vì nhiều họa tiết trên cửu đỉnh do mấy trăm năm mưa nắng dãi dầu nên đã bị phong hóa, họa tiết mờ, chữ Hán không còn rõ nét nữa. Lại nữa, lối viết chữ Hán trên cửu đỉnh cũng rất khó nhìn. Mà trong kỹ thuật tranh khắc gỗ, muốn in xuôi thì phải khắc ngược, nên khi khắc phải lật chữ, lật hình. Chữ thì nhỏ, khắc rất khó.

Ngoài ra, ngôn ngữ khắc gỗ và đúc đồng khác nhau, nên họ phải tìm cách truyền tải sao cho thật chi tiết để rõ nội dung, nhưng hình thức phải đẹp và mọi người dễ tiếp cận. Tốn nhiều thời gian và công sức nhất là bức tranh con rồng trên Cao đỉnh (Cao: thụy hiệu của vua Gia Long).

“Khi khắc tranh cửu đỉnh, tôi thích nhất các bức tranh núi, sông. Nó hùng vĩ và đáng tự hào biết bao về non sông gấm vóc của Việt Nam. Và điều quan trọng hơn cả là cách thức diễn đạt của chúng là kiểu cụ thể của người Việt. Khác hẳn ngôn ngữ biểu đạt núi non kiểu ước lệ của Trung Quốc. Nào thì núi Đại Lãnh, Hồng Lĩnh, Tản Viên; nào là Hải Vân quan; nào là Hàn giang, Linh giang, Lô giang; nào là quả chà là, con cà cuống, tổ chim yến... Vua Minh Mạng đã cho vẽ cả giang sơn gấm vóc, sản vật nước Việt lên cửu đỉnh”, bà Thanh Hiền tấm tắc nói.

Phả hơi thở đương đại

Kỳ công trong suốt hai năm, nhóm tác giả đã thực hiện được 81 tác phẩm tranh khắc gỗ lấy cảm hứng từ hình mẫu 162 bức đúc đồng trên cửu đỉnh.

Và họ tiến thêm một bước: biểu đạt chúng bằng tranh in giấy dó, thêu trên trang phục, vẽ trên gốm sứ.

Khi được họa sĩ Trang Thanh Hiền, chủ nhiệm dự án, kể về ý tưởng tổ chức triển lãm “Âm vọng - Từ họa tiết trên cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại”, nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan đã rất thích thú và ngay lập tức hào hứng tham gia. Ý tưởng này rất phù hợp với ước muốn của bà về một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các giá trị di sản nghệ thuật của Việt Nam. Sau khi được tiếp cận các tài liệu nghiên cứu của bà Hiền, bà Lan quyết định thực hiện bộ sưu tập Âm vọng & LanV trên chất liệu nhung, lụa tơ tằm, dùng chỉ tơ tằm óng ả thêu các hình ảnh đúc nổi trên cửu đỉnh.

“Khi bắt đầu thiết kế, theo cảm nhận ban đầu của tôi, các hình được đúc nổi trên cửu đỉnh khá cứng, ngay cả trong các mẫu hoa lá, mây, sóng nước. Nhưng càng ngắm nhiều, tôi càng cảm nhận được sự mềm mại ẩn chứa trong đó, và tất cả ghép vào nhau tạo nên một bức tranh tươi đẹp về đất nước Đại Nam thời bấy giờ”, nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.

Bà chọn những hình ảnh khá gần gũi như núi, cây cỏ, chim muông, hổ, báo… nhưng phối màu sắc và thiết kế lại cho phù hợp dáng áo dài, váy tiệc, áo chần bông… có kết hợp cùng một số họa tiết triều Nguyễn khác trên hoàng bào, tranh thờ để thêm phần phong phú.

Nguyễn Tiến Đạt, Phạm Tiến Thanh, các nghệ nhân của thương hiệu gốm sứ vẽ tay Phúc Lai Thành ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) cũng hào hứng như vậy. Nguyễn Tiến Đạt tâm sự rằng khi tham gia vào dự án, ông như được sống trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, được cảm nhận sâu sắc về quê hương mình thông qua những gì đặc trưng là thân thuộc nhất của Việt Nam. Và lần đầu tiên ở Việt Nam, trên chất liệu gốm sứ - đồ gia dụng và đồ thờ, với những màu men lam, men hỏa biến, những hình ảnh từ cửu đỉnh triều Nguyễn được tôn vinh.

Nguyễn Tiến Đạt bộc bạch: “Tôi có niềm tin rất lớn vì những dự án như thế này sẽ luôn củng cố và làm giàu hơn văn hóa Việt Nam”.

Có 81 bức tranh khắc gỗ, in trên giấy dó kích thước 20x30 cen ti mét và 30x40 cen ti mét; 20 ván khắc gỗ; 21 tác phẩm gốm sứ; 10 bộ trang phục thêu trên chất liệu nhung, lụa. Tháng 3-2024, dự án đã được ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Các tác phẩm cũng đã được triển lãm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội từ ngày 8 đến 20-12-2024. Đi kèm với đó là các workshop trải nghiệm in tranh khắc gỗ trên giấy dó, vẽ tranh trên đĩa gốm, thu hút đông đảo công chúng, cho thấy tính ứng dụng cao của dự án.

Đó là một nỗ lực của nhóm tác giả nhằm tiếp nối và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hôm nay. Tất cả trở thành một bản hòa tấu rực rỡ đã mang lại cho công chúng những góc nhìn tươi mới về di sản.

“Di sản là sự tiếp nối với quá khứ. Trong một nghĩa nào đó, di tích nối người Việt với quá khứ và tương lai, cũng nối chúng ta với thế giới bên ngoài”, Tim Doling, thạc sĩ sử học người Ireland sống và làm việc ở Việt Nam, nêu quan điểm. Theo ông: “Chúng ta phải bảo vệ và bảo tồn các di sản, nghiên cứu lịch sử của chúng và sáng tạo những câu chuyện xung quanh chúng, bằng cách làm cho chúng là di sản sống, chứ không phải là di sản chết”.

(Mời xem tiếp Bài 2: Núi sông cửu đỉnh trên ấm tử sa trên Kinh tế Sài Gòn số 20-2025, phát hành 15-5-2025).

Âm vọng từ Cửu đỉnh

Tháng 5-2024, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Và giờ đây bên cạnh việc đến Huế thưởng ngoạn cửu đỉnh, công chúng còn có thể chiêm ngưỡng các họa tiết độc đáo từ cửu đỉnh qua nhiều dáng vẻ hơn - trên tranh khắc gỗ, tranh in giấy dó, áo dài thêu và các vật phẩm chất liệu gốm sứ.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tranh-khac-go-ao-dai-theu-ve-gom-su/