Tranh dân gian Nam Bộ: Bộ sưu tập đậm đà bản sắc dân gian
Tập sách Tranh dân gian Nam Bộ của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa ấn hành đánh dấu lần đầu tác giả công bố bộ sưu tập về tranh dân gian thể hiện nghệ thuật hội họa truyền thống có từ lâu đời.
Là người đam mê nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống dân gian và có sở thích sưu tập tranh dân gian vùng Nam Bộ từ hơn chục năm qua “để thỏa mãn sự tò mò”, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình tìm hiểu các dòng tranh dân gian thuộc nhiều thể loại khác nhau như tranh mộc bản, tranh minh họa vẽ trên giấy, tranh cuộn Phật giáo, tranh kiếng và tranh gói.
Thành tựu nghệ thuật hội họa
Tập sách Tranh dân gian Nam Bộ cho thấy các thế hệ cha ông ở vùng đất phương Nam vun đắp nên thành tựu nghệ thuật hội họa truyền thống của vùng đất này thông qua nếp tưởng tượng, các tín ngưỡng, đời sống tâm linh, ý tưởng sáng tạo dẫn đến hình ảnh tả thực phong phú, đa dạng.
Đó là hình ảnh các hình tướng chư vị thần linh, chư Phật, Bồ Tát; những hình thái lao động, sinh hoạt; những cảnh quan ao hồ, sông núi, bãi đồng, thôn làng, đường sá, xe cộ, ghe thuyền… Tùy theo nhu cầu mà tranh được thể hiện trên các dạng thức, vật liệu khác nhau. Ví dụ như loại tranh mộc bản thủ công có niên đại cổ xưa, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng trong các lễ tiết, lễ nghi cầu cúng định kỳ và không định kỳ theo tập tục địa phương.
Mảng tranh minh họa vẽ trên vật liệu giấy báo vào những thập niên đầu của thế kỷ XX cũng rất đa dạng chủ đề, từ các dấu ấn may rủi trong đời sống dân chúng đến tranh minh họa duyên phận và tương lai của những cặp đôi trai gái/vợ chồng dựa trên sự kết hợp can và chi của họ.
Tác giả HUỲNH THANH BÌNH sinh năm 1985, là thạc sĩ Văn hóa học, chuyên nghiên cứu văn hóa thế giới, mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật Phật giáo và văn hóa dân gian. Hiện chị công tác tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Trân quý di sản tiền nhân
Với tác phẩm Tranh dân gian Nam Bộ (2024), tác giả Huỳnh Thanh Bình nhận được sự đồng hành chỉ dẫn từ người cha là nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, sự giúp đỡ của các bậc trưởng thượng, các nghệ nhân lão thành, hòa thượng… để hoàn thiện nội dung.
Chính vì vậy mà tập sách có những tư liệu quý hiếm như loại tranh cuộn Phật giáo truyền thống có từ giữa thế kỷ XIX, mô tả các đối tượng được lễ bái trong các nghi lễ khoa nghi nhà Phật hay nghi lễ của tín đồ tự viện, nghi lễ tại gia.
Loại tranh gói (tranh nổi) được đắp nổi bằng vải xuất phát từ Sa Đéc năm 1948 rồi lan rộng ra các địa phương khác. Nội dung thường là tranh chân dung, tranh thần, Phật, tranh cảnh vật chúc tụng cát tường, tranh điển tích... Tác giả cũng ghi nhận và thu thập nghệ thuật tranh kiếng khởi đi từ Chợ Lớn, Lái Thiêu lan tỏa khắp Nam Bộ đầu thế kỷ XX, phổ biến ở cộng đồng người Việt - Hoa - Khmer.
Tác giả Huỳnh Thanh Bình cho biết chị quyết định công bố các sưu tập tranh dân gian Nam Bộ “vì mục đích trân quý các di sản của tiền nhân”, góp phần cho thế hệ hậu bối truy tầm, gìn giữ thành tựu nghệ thuật hội họa của các thế hệ cha ông ở vùng đất phương Nam trải qua muôn ngàn biến thiên lịch sử.