Trang bị năng lực toàn cầu cho giáo viên: Học để đồng hành

Giáo viên ngày nay cần phấn đấu trau dồi năng lực toàn cầu và trở thành người dẫn đường tốt hơn cho thế hệ tương lai trên chặng đường hướng về mục tiêu chung - trở thành công dân toàn cầu.

Đào tạo năng lực toàn cầu - bài toán giáo dục tương lai

Chỉ trong vài thập niên gần đây, những thành tựu công nghệ đã xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý và góp phần thúc đẩy sự kết nối trên toàn thế giới trên nhiều phương diện như chính trị, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển vượt trội của khoa học kỹ thuật cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro gây nên những vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19, phân hóa xã hội, ô nhiễm môi trường... Đây đều là những thách thức lớn dẫn đến nhiều hậu quả đe dọa cuộc sống của mọi công dân hiện đại.

Các phương pháp và chương trình giáo dục cũng vì thế mà được cập nhật nhằm trang bị cho thế hệ tương lai các kỹ năng để làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, người học cũng cần được trang bị tư duy phát triển bền vững để sẵn sàng góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Giáo dục công dân toàn cầu là một trong những nhiệm vụ thiết yếu và cơ bản của hệ thống giáo dục ở các quốc gia.

Tại Việt Nam, hệ thống giáo dục đã bắt đầu được cải cách từ năm 2013 để giúp người học có những phẩm chất và kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. Tuy nhiên, việc đào tạo năng lực toàn cầu vẫn còn khá mới và chưa được tích hợp trong chương trình học các cấp một cách hoàn thiện.

Là một giảng viên tâm huyết với nghề, anh Nguyễn Văn Sơn hiện đang công tác tại trường Đại học Thủy Lợi, cho biết: “Với cương vị là một giảng viên đại học giảng dạy ngôn ngữ, tôi luôn muốn tạo nhiều cơ hội cho sinh viên rèn luyện những kỹ năng mềm thật tốt, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức lý thuyết về ngôn ngữ. Việc này sẽ hỗ trợ các em thích ứng, hội nhập và hòa nhập với xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, tôi gặp khó khăn trong việc lựa chọn khung nội dung phù hợp để đưa vào chương trình giảng dạy hiện tại.”

Chứng chỉ năng lực toàn cầu - cơ hội hòa nhịp với xu thế giáo dục

Nhận thức được xu thế giáo dục tương lai, nhiều giáo viên, giảng viên đã chủ động tìm kiếm cơ hội trau dồi năng lực toàn cầu để nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp, cũng như phát triển bản thân thông qua những chương trình như Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu (New Zealand Global Competence Certificate – NZGCC). Đây là chương trình học bổng toàn phần được Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) triển khai từ năm 2020 để hỗ trợ giáo viên, giảng viên Việt Nam trong hành trình bắt nhịp với giáo dục thế giới.

Theo đó, các giáo viên nhận học bổng NZGCC sẽ được tham gia khóa học trực tuyến hoàn toàn bằng tiếng Anh được thiết kế bởi tổ chức trao đổi đa văn hóa AFS (AFS Intercultural Programs) - một tổ chức phi lợi nhuận uy tín trong lĩnh vực đào tạo năng lực toàn cầu. Xuyên suốt 5 tuần của chương trình, người học sẽ được tiếp thu những kiến thức và kỹ năng cần thiết về năng lực toàn cầu, thông qua những tài liệu học tập sinh động và quá trình giao lưu học hỏi với các giảng viên hướng dẫn và đồng nghiệp nước ngoài thông qua 5 buổi tương tác bắt buộc qua Zoom.

Là một trong những giáo viên Việt đầu tiên nhận học bổng NZGCC năm 2021, chị Nguyễn Thị Như Ngọc – người sáng lập trung tâm ngoại ngữ Simple IELTS chia sẻ: “Dù đang làm việc trong môi trường chưa có nhiều sự đa dạng về văn hóa, nhưng tôi vẫn muốn phát triển bản thân qua việc mở rộng góc nhìn về các nền văn hóa và lối sống khác nhau. Học bổng NZGCC cho tôi có cơ hội được làm việc nhóm rất nhiều với các đồng nghiệp nước ngoài. Mọi người đều rất thân thiện, nhiệt tình và hỗ trợ nhau. Ngoài ra, tôi nhận thấy phần bình luận trong mỗi bài học là một tính năng rất hữu ích. Việc này tạo điều kiện để người học có thể chia sẻ quan điểm và kiến thức bổ sung dựa trên những gì được tiếp thu. Những kiến thức tôi học được từ bình luận của mọi người cũng nhiều như nội dung các bài học chính thức.”

Chia sẻ về thành quả học tập, anh Văn Sơn (giảng viên ĐH Thủy Lợi) nhận định: “Khi giảng dạy kỹ năng đọc, tôi có đưa thêm nội dung về đa dạng tâm linh (Spiritual Diversity) vào bài học để sinh viên vừa thực hành kĩ năng đọc, vừa có cơ hội tìm hiểu, thuyết trình và thảo luận về khái niệm này. Phản hồi chung của sinh viên về phần nội dung được bổ sung vào khá tốt, khi đa phần các em đều hào hứng, có thêm nhiều suy nghĩ chín chắn và tích cực. Ngoài ra, các em cũng biết cách thể hiện rõ quan điểm cá nhân của mình hơn, cũng như được tiếp thêm động lực để trở thành các công dân toàn cầu.”

Anh Nguyễn Văn Sơn tham gia đào tạo cùng các đồng nghiệp trong và ngoài nước tại một buổi tương tác trực tuyến của NZGCC.

Một ưu thế nữa của học bổng NZGCC là nội dung chương trình thường xuyên được đổi mới nhằm đảm bảo tính thực tiễn và kịp thời đối với các vấn đề xã hội. Các giáo viên, giảng viên tham gia chương trình năm nay sẽ được học và trao đổi về nhiều chủ đề chính với nội dung được cập nhật so với các năm trước, ví dụ như Khuôn mẫu & Khái quát hóa (Stereotypes & Generalizations), Thấu cảm và Lắng nghe chủ động (Empathy & Active Listening), Giá trị văn hóa (Cultural Values) và Giảng dạy các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (Teaching the SDGs).

Học bổng NZGCC 2022 vừa được công bố gồm 30 suất và nhận hồ sơ từ nay cho đến ngày 21/08/2022.

Các giáo viên, giảng viên trên toàn quốc có trình độ tiếng Anh tương đương từ IELTS 6.0 trở lên, hiện đang sinh sống và giảng dạy tại Việt Nam có thể nộp hồ sơ ứng tuyển cho các suất học bổng toàn phần của chương trình Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu New Zealand (NZGCC) bằng cách điền đơn đăng ký và nộp video trả lời 3 câu hỏi của Hội đồng tuyển chọn tại https://bit.ly/nzgcc2022-08

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trang-bi-nang-luc-toan-cau-cho-giao-vien-hoc-de-dong-hanh-post1456618.tpo