Trăn trở với nghệ thuật hát bội

'Mẹ tôi là nghệ sĩ hát bội tài danh Ba Út cùng thời với nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn, Minh Tơ, Năm Đồ. Bà không muốn tôi theo nghiệp hát bội, bởi theo nghề này đến 40 tuổi rất khó đứng vững ở vị trí diễn viên. Thế nhưng, vốn đam mê từ thuở nhỏ nên tôi đã gắn bó với hát bội hơn 50 năm qua. Tính đến nay, gia đình tôi có 5 thế hệ theo nghiệp hát bội' - nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngọc Khanh chia sẻ.

NSƯT Ngọc Khanh (ảnh, SN1954) sinh ra và lớn lên trong cái nôi hát bội. Ký ức tuổi thơ của bà là những ngày theo mẹ đến rạp hát. Đứng bên cánh gà nhìn mẹ và các cô, chú hát, cô bé Ngọc Khanh ngày đó đã thuộc lòng rất nhiều tuồng. Lên 10 tuổi, thỉnh thoảng được cô, chú nhờ nhắc tuồng và Ngọc Khanh làm rất tròn vai.

“Tôi mong muốn các cấp, ngành luôn quan tâm và chung tay để hát bội được đến với giới trẻ nhiều hơn, đặc biệt là đến với học đường. Bản thân tôi và tập thể đoàn đã cải tiến những từ ngữ xưa thành những từ ngữ phù hợp với thời đại bây giờ để giới trẻ cảm thấy gần gũi hơn với hát bội và để môn nghệ thuật này không bị mai một”.

NSƯT Ngọc Khanh

Tuy nhiên, mẹ của bà muốn con mình có cuộc sống ổn định bằng việc phải học văn hóa đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp THPT, vừa muốn vui lòng mẹ vừa để thực hiện niềm đam mê của mình, Ngọc Khanh thi vào Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ, chuyên ngành hát bội. Tốt nghiệp năm 1973, Ngọc Khanh giảng dạy tại Trường nghệ thuật Sân khấu 2. Nhưng do đam mê ca diễn nên Ngọc Khanh lén tham gia ca diễn ở nhiều nơi. Sau đó, Ngọc Khanh chuyển hẳn sang việc ca diễn và mẹ của bà đồng ý, dẫu biết rằng con đường này lắm chông gai.

Nói về thời điểm bắt đầu sự nghiệp ca diễn, NSƯT Ngọc Khanh cho biết: “Thật hạnh phúc khi đem nghệ thuật hát bội đến với các nước bạn và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Năm 1974, tôi sang Canada biểu diễn trích đoạn “Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ”, bất ngờ trước sự say mê theo dõi của đông đảo khán giả”. Đến năm 1980, Ngọc Khanh đi hát tăng cường cho các đoàn, lưu diễn khắp nơi trong nước. Nhìn thấy khó khăn của hát bội trước sự phát triển của nhiều loại hình giải trí khác, năm 1990, bà thành lập Câu lạc bộ Sân khấu truyền thống (tiền thân của Đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh). Không muốn môn nghệ thuật này ngày bị mai một, bà đã cố gắng giữ niềm đam mê và động viên người thân trong gia đình tham gia với nhiều vai trò khác nhau. Nghệ sĩ trẻ Khánh Minh (cháu nội của NSƯT Ngọc Khanh) đã “lập thân” bằng nghệ thuật hát bội và quản lý đoàn hát như bà nội của mình từ khi học xong lớp 10.

Gần 30 thành viên trong đoàn cứ đến mùa hát là gặp nhau từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 âm lịch của năm sau. NSƯT Ngọc Khanh tâm sự: Gầy dựng đoàn hát hơn 30 năm, tôi trân quý niềm đam mê của tất cả anh em trong đoàn. Họ là những người chạy xe ôm, làm móng tay, bán nước mía… vì đam mê hát bội mà gắn bó với đoàn dẫu biết theo con đường này thì vô cùng vất vả.

Chính vì tình yêu nghệ thuật mãnh liệt của các diễn viên đã thôi thúc bà phải cố gắng giữ vững thương hiệu của đoàn. Bà tích cực tìm mọi nguồn lực hỗ trợ, tìm các hợp đồng để các đoàn được biểu diễn. Đồng thời còn nhiệt tình tham gia các hội thảo, tọa đàm, các khóa truyền nghề về hát bội đến với giới trẻ.

“Năm 2013, với sự giới thiệu của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, đoàn chúng tôi sang biểu diễn tại 8 trường đại học uy tín của Mỹ. Thật tự hào và sung sướng khi nhìn thấy khán giả còn yêu thích say mê theo dõi hát bội của chúng tôi” - NSƯT Ngọc Khanh chia sẻ.

Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, NSƯT Ngọc Khanh đã cùng các văn nghệ sĩ chung tay thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ đồng nghiệp hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực. Tình yêu với nghề, tình đồng nghiệp là sự động viên để các nghệ sĩ cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Lâm Hữu Tặng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/123838/tran-tro-voi-nghe-thuat-hat-boi