Trân quý từng ý kiến của kiều bào

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định trong suốt quá trình phát triển, TP rất trân trọng và trân quý những ý kiến đóng góp của kiều bào

Sáng 29-10, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP HCM đã có buổi gặp 18 kiều bào tiêu biểu là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, doanh nhân từ 9 quốc gia: Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tại buổi gặp, đa số ý kiến đóng góp của kiều bào tập trung vào đề xuất giải pháp phát triển kinh tế TP trong thời gian tới.

Nhiều đề xuất sát sườn

GS-TS Trần Hải Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), cho biết mặc dù năm 2020 nhiều khó khăn nhưng cộng đồng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc và mong muốn là sợi dây kết nối hợp tác đầu tư về Việt Nam. Cụ thể tại TP HCM, BAOOV đã gửi đến lãnh đạo TP những góp ý về xây dựng thành phố thông minh, đô thị số, tham gia chương trình kiều bào đồng hành phát triển TP. "Chúng tôi luôn mong muốn tiếp tục là cánh tay nối dài của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, cùng tham gia các đề án phát triển của TP và sẽ dốc hết sức cùng xây dựng, phát triển TP" - GS-TS Trần Hải Linh nói.

Ở khía cạnh thu hút đầu tư, ông Steve Bùi (Bùi Văn Tuấn) - Việt kiều Nhật, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C - nhấn mạnh nếu nhà đầu tư chỉ đến Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ, các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai… thì chúng ta sẽ mãi là nhà gia công. "Vì vậy, trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần có quy định cụ thể tỉ lệ nội địa hóa và chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận các công nghệ tiên tiến" - ông Steve Bùi đề xuất.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (thứ 2 từ trái sang) trao đổi, thăm hỏi các đại biểu kiều bào Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (thứ 2 từ trái sang) trao đổi, thăm hỏi các đại biểu kiều bào Ảnh: HOÀNG TRIỀU

GS Đặng Lương Mô - Việt kiều Nhật, giáo sư Đại học Hosei, Tokyo - cho rằng việc tập trung vào chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng là cần thiết. Thế nhưng, muốn kinh tế phát triển thì ngoài tập trung chuyển đổi số, TP cần ưu tiên các chính sách kích thích sản xuất tạo ra của cải vật chất. "Năm 2019, GDP/đầu người của Việt Nam đạt hơn 2.800 USD, chỉ bằng 23% - 24% bình quân GDP/đầu người trên thế giới. Ấn Độ thời gian qua tập trung phát triển sản xuất phần mềm nhưng GDP/đầu người của họ hiện vẫn còn thấp hơn chúng ta, họ đang chuyển hướng sang tiếp tục sản xuất phần cứng. Vì vậy, TP HCM cần chú trọng đến sản xuất hơn nữa để trở thành đầu tàu kinh tế và là trung tâm công nghiệp của Việt Nam" - GS Đặng Lương Mô góp ý.

Ngoài ra, có khá nhiều ý kiến của kiều bào đề xuất liên quan đến việc định vị lại thương hiệu, giá trị TP HCM sau thành công trong phòng chống Covid-19.

Mổ xẻ sâu để tìm hướng đi đúng

Chăm chú lắng nghe, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định rất trân trọng và trân quý những ý kiến đóng góp của kiều bào trong quá trình điều hành, phát triển TP. "Nhiều ý kiến khá hay cần mổ xẻ thêm. Vì vậy, tôi mong muốn Hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam" diễn ra vào ngày 30-10 sẽ mổ xẻ, phân tích thẳng thắn nhất, chân tình nhất để TP tiếp thu đầy đủ" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Chia sẻ thêm với các đại biểu, Bí thư Thành ủy cho hay trước những khó khăn thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, TP đang nỗ lực không ngừng để bảo đảm mục tiêu kép là duy trì thành quả phòng chống dịch Covid-19, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu kép này, nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển đổi số. Cụ thể, ngày 3-7-2020, TP đã ban hành Quyết định số 2393 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số của TP, thể hiện cam kết của TP là địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của cả nước. "Vượt qua những khó khăn hiện tại, cùng với quyết tâm của TP, tôi tự tin khẳng định chương trình chuyển đổi số của TP là một trong những chiến lược quan trọng góp phần xây dựng TP từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Thông tin thêm đến kiều bào, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP đang có 3 chương trình đột phá là Chương trình đổi mới quản lý TP, Chương trình phát triển hạ tầng TP và Chương trình phát triển nhân lực và văn hóa TP. Ngoài ra, một chương trình trọng điểm phát triển TP là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP HCM. "Những chính sách, kế hoạch, chương trình hành động của TP luôn thể hiện quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, cộng đồng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và người dân để xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Và, để thực hiện điều đó, tập thể lãnh đạo TP rất mong nhận thêm nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của bà con kiều bào" - ông Nguyễn Thành Phong kỳ vọng.

Tiềm lực lớn, đóng góp lớn

Nêu con số 80% trong tổng số 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập, làm việc tại các quốc gia phát triển, có tiềm lực về khoa học - công nghệ, tài chính lớn, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhìn nhận đóng góp của bà con kiều bào trong thời gian qua là rất lớn. Bằng chứng là Việt Nam luôn nằm trong danh sách những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới, tổng cộng đã có 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn 4,5 tỉ USD, qua đó đã góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương và cả nước.

"Cộng đồng kiều bào của chúng ta có khoảng 500.000 - 600.000 chuyên gia, trí thức, nhà khoa học đang làm việc tại các nước. Hằng năm, có trên 500 chuyên gia, trí thức về nước thường xuyên cộng tác với các trường, viện" - ông Lương Thanh Nghị thông tin, đồng thời đặt vấn đề làm thế nào phát huy tối đa tiềm lực này để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tran-quy-tung-y-kien-cua-kieu-bao-20201029212450836.htm