Trạm tương tác thông minh và mục tiêu đưa công nghệ vào du lịch văn hóa Huế
Mỗi trạm tương tác thông minh đóng vai trò như một 'hướng dẫn viên số' có thể cung cấp nhiều tiện ích tại các khu du lịch văn hóa Huế, một kết quả của việc đưa công nghệ vào chuyển đổi số du lịch.
Thời gian gần đây, khi đến Huế tham quan khu du lịch Đại Nội Huế hay Hải Vân Quan, các du khách sẽ bất ngờ khi chỉ cần “chạm” smartphone vào một chiếc bảng nhỏ là có thể khám phá tất cả mọi thứ tại các điểm tham quan, thậm chí có thể check-in, lưu hình ảnh và khắc tên của mình tại đó.
Đây là một bước đi tiên phong và sự quyết tâm chuyển đổi số làm mới du lịch văn hóa của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khi Trung tâm này quyết định triển khai và tích hợp trạm tương tác thông minh (Tap Quest) tại các địa điểm du lịch văn hóa.
Theo đó, trạm tương tác thông minh là những bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC) mà khách du lịch có thể “chạm” điện thoại vào để kết nối được câu chuyện văn hóa lịch sử của mỗi địa điểm, với nhiều hình thức thể hiện phong phú, bao gồm hình ảnh, video, mô hình 3D, văn bản, và hướng dẫn viên sử dụng trí thông minh nhân tạo.
Mỗi trạm tương tác thông minh này đóng vai trò như một “hướng dẫn viên số”, có thể cung cấp nhiều tiện ích và hỗ trợ cần thiết cho du khách.
Các trạm này liên kết với nhau trong một trải nghiệm liền mạch, tạo thành một bản đồ trải nghiệm văn hóa và di sản toàn diện, có khả năng tùy biến cao và tiềm năng phát triển không giới hạn.
Mô hình này với tiềm năng giúp Huế trở thành hình mẫu trong ứng dụng công nghệ vào du lịch văn hóa, để mở rộng ra cả nước
Tại mỗi vị trí, du khách cũng được cung cấp lộ trình du lịch và được dẫn đường đến điểm tham quan tiếp theo. Chụp hình check-in và đăng tải hình ảnh của chính mình lên “bảng vàng” của từng địa điểm cũng là một chức năng vô cùng được yêu thích, trong đó du khách được “khắc tên mình lên bức tường số” của từng địa điểm mà không hề gây mất mỹ quan cho các danh thắng và còn giúp từng địa điểm quảng bá du lịch, tạo tác động tốt cho địa phương.
Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia vào các nhiệm vụ thú vị để nhận được những phần thưởng hấp dẫn…
Tháng 9/2024, công nghệ trạm tương tác thông minh đã được thí điểm tại Hải Vân Quan, khi nơi này mở cửa đón khách tham quan trở lại sau quá trình phối hợp trùng tu giữa Huế và Đà Nẵng.
Địa điểm được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” này ngay lập tức thu hút rất nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước đến tham quan.
Dù chỉ mới là dự án thí điểm chưa được truyền thông rộng rãi, nhưng công nghệ này đã chứng minh được những tiềm năng to lớn ngay tại địa danh này.
Chỉ sau hơn 2 tháng lắp đặt, các trạm này đã thu hút hơn 5.600 lượt tương tác và đón nhận hàng trăm hình ảnh check-in với nhiều cảm xúc hào hứng của hàng nghìn du khách.
Trước sự thành công đó, giữa tháng 11/2024, công nghệ này tiếp tục được triển khai tại Đại Nội Huế, để chào đón sự kiện Điện Thái Hòa chính thức mở cửa đón du khách sau 3 năm trùng tu.
Chỉ sau 2 tuần triển khai, đã có gần 3.800 du khách tương tác với các trạm tương tác thông minh được đặt tại đây.
Không dừng lại ở Hải Vân Quan và Đại Nội Huế, công nghệ mới này sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị cung cấp giải pháp là Phygital Labs tiếp tục phối hợp phát triển riêng cho văn hóa và di sản Huế; với kỳ vọng sẽ triển khai mô hình hoàn thiện trên toàn bộ các địa điểm văn hóa và di sản tại Thành phố Huế trước thềm sự kiện đăng cai tổ chức Năm Du Lịch Quốc gia và Festival Huế vào tháng 3/2025.
Đáng chú ý, nhờ ứng dụng công nghệ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã vinh dự đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 với Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế, do Hội Truyền thông số tổ chức vừa qua.