Trái chiều về tốc độ cho vay của các ngân hàng ở TP.HCM và Hà Nội

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ở TP.HCM chưa bứt phá như kỳ vọng trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn gặp khó. Ngược lại, tại Hà Nội, tín dụng có sự bứt phá mạnh mẽ, gấp đôi mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố cho thấy, đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn mới đạt mức tăng 4,5% so với cuối năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng của cả nước tới ngày 26/8 là 6,63%.

Đáng chú ý, tốc độ cho vay của hệ thống ngân hàng ở TP.HCM có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong 2 tháng qua, khi tháng 6 tăng 4%, tháng 7 tăng 3,9% và tháng 8 tăng 4,5% so với cuối năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng chậm dù lãi suất cho vay giảm. Số liệu thống kê tại TP.HCM đến hết tháng 8, lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn 0,9 điểm % đến 1 điểm % đối với các kỳ ngắn hạn so với cuối năm ngoái, bất chấp lãi suất huy động đang nhích lên.

Tăng trưởng tín dụng cả hệ thống trong 8 tháng đạt 6,63%.

Tăng trưởng tín dụng cả hệ thống trong 8 tháng đạt 6,63%.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, những con số trên cho thấy khả năng hấp thụ vốn của kinh tế TP HCM vẫn chưa cải thiện nhiều và mục tiêu tín dụng tăng trưởng cả năm 15% sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có giải pháp tháo gỡ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết môi trường kinh doanh của TP.HCM hiện vẫn chưa phục hồi, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao, sức mua thị trường trong nước vẫn duy trì dưới mức tiềm năng.

Trong tháng 9 và những tháng còn lại, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tập trung rà soát lại các nhiệm vụ chưa hoàn thành, nhiệm vụ khó hoàn thành, những nhiệm vụ đang cản trở công việc chung của TP.HCM để khắc phục.

Trái lại, tại Hà Nội, tín dụng có sự bứt phá mạnh mẽ. Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP ước đạt 4.103 nghìn tỷ đồng, tăng 1,15% so với cuối tháng trước và tăng 13,44% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.790 nghìn tỷ đồng, tăng 1,73% và tăng 18,96%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.313 nghìn tỷ đồng, tăng 0,71% và tăng 9,51%.

Tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 1,69% trong tổng dư nợ. Các TCTD trên địa bàn TP Hà Nội chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn được đảm bảo.

Về dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội, cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 13,9% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,9%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,32%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.

Ở đầu vào, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 5.801 nghìn tỷ đồng, tăng 1,27% so với cuối tháng trước và tăng 8,73% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 5.140 nghìn tỷ đồng, tăng 1,39% và tăng 10,07%; phát hành giấy tờ có giá đạt 661 nghìn tỷ đồng, tăng 0,32% và giảm 0,67%.

Còn theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống trong 8 tháng đạt 6,63%, tương đương gần 14,5 triệu tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng đã được đưa vào nền kinh tế. Để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 15% thì lượng vốn ròng có thể tiếp tục cấp ra là thêm 1,13 triệu tỷ đồng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/trai-chieu-ve-toc-do-cho-vay-cua-cac-ngan-hang-o-tp-hcm-va-ha-noi-1102105.html