Trái chanh leo tìm cách đứng vững ở thị trường Trung Quốc

Sau gần 6 năm đàm phán, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam từ 1/7/2022. Trong thời gian thí điểm, trái chanh leo của Việt cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về chất lượng, từ đó tạo dựng thương hiệu để tiến tới được chính thức xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này.

Từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc. Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 7/2022. Như vậy, chanh leo là quả tươi thứ 10 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, cùng với các loại quả thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuỗi, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Kiểm dịch tỷ lệ 2% với mỗi lô

Theo thỏa thuận về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với chanh leo của Việt Nam, trước mắt, GACC sẽ cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc): Hữu Nghị quan; Po Chải; Ga Đường sắt Bằng Tường; Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.

Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 7/2022.

Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 7/2022.

Ngoài các yêu cầu về kiểm dịch thực vật trước xuất khẩu, GACC để nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi GACC và Cục Bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép và lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng chống COVID-19... Đặc biệt là phải có cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.

Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình xuất nhập quả chanh leo tươi của Việt Nam để làm cơ sở cho các bước tiếp theo tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam nhập khẩu Trung Quốc trong thời gian tới.

Tại "Hội nghị công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc" chiều ngày 7/7, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), cho hay hiện nay có 46 địa phương trồng và sản xuất cây chanh leo với hơn 6.000ha, sản lượng đạt hơn 111.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt 22,67 tấn/ha.

Dự kiến, giai đoạn năm 2025 - 2030, cả nước ổn định diện tích chanh leo từ 12.000 - 15.000ha, sản lượng quả tươi đạt 300.000 - 400.000 tấn/năm. Sản phẩm chế biến chủ yếu là nước ép cô đặc, đông lạnh, sấy dẻo nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đi nhiều thị trường như Mỹ, EU, khu vực Trung Đông.

Ông Lương Ngọc Quang, chuyên viên Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông bổ sung thêm: Tất cả vùng trồng muốn xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), thực hiện vệ sinh vùng trồng thường xuyên như thu gom quả rụng... và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); có các biện pháp phòng trừ và quản lý sinh vật gây hại bao gồm điều tra và giám sát sinh vật gây hại, biện pháp vật lý, biện pháp hóa học hoặc biện pháp sinh học.

Cùng với đó, phía Việt Nam cần thực hiện giám sát vùng trồng trong suốt cả năm, Bộ NN&PTNT tiến hành giám sát theo các quy trình kiểm tra và giám sát. "Nếu phát hiện thấy các loài gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm, các biện pháp kiểm soát hóa học hoặc vật lý sẽ được thực hiên ngay lập tức", ông Quang cho hay.

Phía Trung Quốc cũng đặt ra những yêu cầu về quản lý cơ sở đóng gói, bao bì quy cách đóng gói rất nghiêm ngặt. Theo đó, bao bì đóng gói phải sạch, hợp vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật liên quan của Trung Quốc. Mỗi hộp đóng gói phải được dán các thông tin bằng tiếng Anh...

Trước khi xuất cảnh, Bộ NN&PTNT sẽ lấy mẫu với tỷ lệ 2% mỗi lô hàng chanh leo xuất sang Trung Quốc để kiểm dịch, lấy ít nhất 30 quả và tất cả những quả khả nghi để cắt kiểm tra. Nếu phát hiện sinh vật gây hại, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và sẽ tạm dừng tư cách xuất khẩu vụ mùa của xưởng đóng gói cũng như vườn trồng liên quan...

Quản lý chặt mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Điều này cho thấy để trái chanh leo Việt Nam đứng vững ở thị trường Trung Quốc cần sự nỗ lực lớn ở các bên liên quan. Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Sơn La, chia sẻ địa phương này đang có 900 ha chanh leo. Việc chanh leo vào được thị trường Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng nhưng để giữ và phát triển được thị trường chắc chắn sẽ khó hơn rất nhiều.

Ông Định bày tỏ băn khoăn về góc độ sản xuất, theo đó để xuất khẩu sang Trung Quốc, chanh leo cần có mã số vùng trồng, tuy nhiên người sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số do nhận thức còn hạn chế nên việc trồng trọt, chăm sóc theo tiêu chuẩn GAP còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ghi chép sổ sách thông tin.

Về cơ sở đóng gói, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Sơn La lo ngại khi vừa qua kiểm tra các cơ sở đóng gói trên địa bàn nhưng không nhiều đơn vị đạt yêu cầu. Có cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc chấp nhận năm trước nhưng năm nay thì không, chưa kể việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn nhiều bất cập - hiện tượng mạo danh, nhập nhèm trong sử dụng mã số vùng trồng vẫn xảy ra...

Đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam, cho hay thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu trái chanh leo sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp là được Cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ người nông dân sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khẳng định đơn vị sẽ thực hiện một loạt các hoạt động để hỗ trợ xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc như rà soát lại các vùng trồng, cơ sở đóng gói mà trước đây đã chuẩn bị, trên cơ sở hướng dẫn của phía Trung Quốc. Sau đó, hai bên sẽ thống nhất lại danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc

"Ngay sau lễ công bố, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có 2 phiên đào tạo cho đại diện cơ sở đóng gói, vùng trồng chanh leo và cán bộ Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh. Hy vọng trong 1-2 tuần tới, Việt Nam sẽ có thể xuất khẩu chính thức lô chanh leo đầu tiên sang thị trường Trung Quốc", bà Hương nói.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/trai-chanh-leo-tim-cach-dung-vung-o-thi-truong-trung-quoc-1086535.html