Trách nhiệm pháp lý vụ khai tử cho người còn sống ở Đắk Lắk
Liên quan đến vụ việc người mẹ làm giấy khai tử cho con trai còn sống xảy ra tại Đắk Lắk khiến người dân địa phương xôn xao, luật sư cho rằng, hành vi của người mẹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, cán bộ, công chức liên quan cũng phải chịu trách nhiệm do chủ quan, tắc trách.
Mẹ làm giấy khai tử cho con trai còn sống
Vụ việc hy hữu xảy ra tại UBND phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Theo báo cáo ban đầu của UBND phường Tân An, vào ngày 11/5, bà T.T.N.P đến đăng ký khai tử cho con trai là N.H.L (3 tuổi). Bà P. khai con trai mình bị viêm phổi nặng từ lúc mới sinh ra, chạy chữa nhiều nơi không khỏi nên gia đình mang về nhà chăm sóc và đã tử vong lúc 18 giờ 30 phút ngày 4/5.
Mẹ làm giấy khai tử cho con trai còn sống có một phần do sự chủ quan, tắc trách từ chính quyền địa phương.
Thời điểm đi khai tử cho con, chị P. rất đau buồn, thẫn thờ nên cán bộ tư pháp đã chủ quan, không xác minh kỹ mà đã nhận hồ sơ và làm thủ tục đăng ký khai tử cho cháu L.
Bất ngờ vào tối ngày 19/5, người bố của cháu L. đã đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook về việc cháu L. còn sống nhưng bị mẹ khai tử. Sau đó, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh.
Đến ngày 20/5, UBND phường Tân An nhận được công văn kiến nghị hủy bỏ giấy chứng tử cho cháu L. từ Công an phường Tân Lợi (do chị P. đang tạm trú tại phường Tân Lợi).
Theo đó, qua xác minh của Công an phường Tân Lợi, chị P. khai nhận cháu L. vẫn còn sống và đang được gửi tại H.Đắk Mil (Đắk Nông). “Chị P. khai vì cha ruột cháu L. luôn tìm đến mẹ gây áp lực, phiền hà đến cuộc sống nên trong lúc tinh thần không ổn định đã làm khai tử cho con”, báo cáo của UBND phường Tân An nêu.
Được biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo phường Tân An đã chỉ đạo thu hồi giấy chứng tử, đồng thời phối hợp với công an phường làm rõ mục đích của bà P.
Khai tử cho người sống bị xử phạt thế nào?
Qua theo dõi vụ việc trên, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VPLS Intera, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc làm của người mẹ rất đáng lên án và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đăng ký khai tử.
Theo quy định hiện hành, khai tử là thủ tục hành chính phải thực hiện khi một người qua đời và phải được người thân thích của người chết thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có người chết theo quy định tại Điều 33 Luật Hộ tịch 2014.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 41 Nghị định 82/2020, hành vi "làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống" sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét hủy bỏ giấy chứng tử đã cấp đối với người còn sống.
Đối với trách nhiệm của cán bộ UBND phường Tân An trong việc cấp giấy khai tử cho người còn sống, luật sư cho rằng công chức tư pháp – hộ tịch UBND phường Tân An, cấp Giấy chứng tử cho bé N.H.L chỉ dựa vào các giấy tờ tùy thân liên quan bà P. mẹ bé mang theo mà không kiểm tra, xác minh minh tế thể hiện chủ quan tắc trách và không đúng quy định.
Theo khoản 2, Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung khai tử sẽ bao gồm các thông tin sau: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ cấp xã, phường có trách nhiệm xác minh. Trường hợp cần xác minh, thời hạn giải quyết tối đa là 3 ngày làm việc.
“Bởi vậy, việc cán bộ cùng lãnh đạo phường đã chủ quan, chỉ căn cứ vào khai báo của mẹ mà thiếu kiểm tra, xác minh thực tế nên tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý, kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức”, luật sư Hòe nêu ý kiến.