Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với công đoàn?

Bạn đọc Đào Văn Lâm ở xã Vạn Hưng, tỉnh Khánh Hòa, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với công đoàn được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 25 Luật Công đoàn (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025). Cụ thể như sau:

1. Thừa nhận, tôn trọng, tạo điều kiện và không cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp để thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

2. Phối hợp với công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mình xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa hai bên.

4. Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

5. Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật khi công đoàn đề nghị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

6. Phối hợp với công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật.

7. Lấy ý kiến của công đoàn trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.

8. Phối hợp với công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động theo quy định của pháp luật.

9. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn theo quy định của pháp luật và đóng kinh phí công đoàn theo quy định của luật này.

* Bạn đọc Trịnh Huyền Trang ở xã Khao Mang, tỉnh Lào Cai, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc gửi giữ di chúc và công bố di chúc được lưu giữ?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 61 Luật Công chứng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025). Cụ thể như sau:

1. Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho người lập di chúc. Giấy nhận lưu giữ di chúc phải có thông tin về tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên niêm phong di chúc, người lập di chúc.

2. Đối với di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi hoặc giải thể thì trước khi chấm dứt hoạt động, chuyển đổi hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì di chúc và phí lưu giữ di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc. Trường hợp không liên hệ được với người lập di chúc thì di chúc được chuyển giao cho tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận hồ sơ của tổ chức hành nghề công chứng đã chấm dứt hoạt động, chuyển đổi hoặc giải thể.

3. Việc công bố di chúc lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/trach-nhiem-cua-nguoi-su-dung-lao-dong-doi-voi-cong-doan-836966