TP Hồ Chí Minh phát triển và hội nhập: Hướng đến đô thị sông nước gắn với biểu tượng chuyển đổi xanh

Từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay, sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng của sự phát triển, lưu giữ bao ký ức lịch sử, văn hóa, đổi mới của Sài Gòn-Gia Định xưa và TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Dấu ấn lịch sử ấy còn hiển hiện những tên phố, tên người, khu chợ, di tích lịch sử... Trong sự phát triển ấy, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang định hướng, tập trung các nguồn lực phát huy các tiềm năng, lợi thế để xây dựng đô thị sông nước, gắn với biểu tượng mới: Chuyển đổi xanh, bền vững.

Các đô thị có đặc trưng sông nước ở các nước trên thế giới trong quá trình phát triển đều có điểm chung là lấy hệ thống sông, nước là điểm tựa cốt lõi cho phát triển đô thị, điều này phù hợp với quá trình hình thành các nền văn minh từ xa xưa được hình thành ở những lưu vực sông, hội tụ những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên nước...

Ảnh minh họa: VGP

Các đô thị này cũng có tính kết nối cao trong phát triển, hội nhập với các khu vực đô thị, kinh tế, văn hóa khác trong vùng, trong khu vực và thế giới. TP Amsterdam (Hà Lan) có địa hình thấp hơn mặt nước biển 1m, với nhiều cảng biển và hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Từ năm 1270, thành phố này đã xây dựng một con đê ngăn lũ có tên là Amsterdam đã giúp tạo cơ sở phát triển một đô thị sông nước, có nhiều kênh đào nối liền 90 khu đảo, hơn 600 cây cầu đủ kiểu dáng đẹp mắt.

Nhờ đó giúp thành phố Amsterdam trở thành một đô thị sông nước độc đáo, hệ thống đê điều, đập nước hiện đại, phát triển giao thương, ngành công nghiệp đóng tàu phát triển hàng đầu thế giới. TP Frankfurt (Đức) với đặc thù gắn với sông Main và các kênh đào đã được quy hoạch thiết kế thành hệ thống giao thông thủy, bộ song hành, mở ra nhiều không gian mới.

Các khu vực đất trồng trọt và đất rừng được bảo tồn nghiêm ngặt và các đô thị vệ tinh đều được xây dựng gần các con sông nhánh, hoặc kênh đào nhằm tạo cảnh quan. Nhờ đó giúp hình thành những đô thị mới mang một bản sắc kiến trúc rất phong phú và thơ mộng, thu hút nhiều du khách quốc tế; thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch.

Ngày nay, đặc trưng đô thị sông nước không chỉ dừng lại ở việc lưu chuyển hàng hóa, thông thương, khai thác nguồn nước và điều tiết nguồn nước, triều cường, ngập lũ mà còn trở thành động lực quan trọng của phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Đô thị sông nước trở thành bản sắc để phát triển du lịch sông nước, hình thành những loại hình kinh tế mới ở các lưu vực sông, kênh.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố có một số khu vực do lịch sử phát triển để lại vẫn còn thực trạng sông, kênh bị dự án, nhà ở lấn chiếm, làm diện mạo bờ sông trở nên chắp vá. Do đó, cần có tầm nhìn về một thành phố có chất lượng sống cao, trong đó phát triển hành lang sông Sài Gòn được ví như Chương trình “Đánh thức rồng xanh” nhằm tăng cường diện tích mảng xanh và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo không gian cho đa dạng các hoạt động văn hóa sông nước.

Quá trình chuyển đổi xanh cũng cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông gắn với cải tạo môi trường nước, phát triển hệ sinh thái đi kèm dọc theo hành lang sông, kênh để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, đặc biệt là logistics, vận tải hành khách công cộng đường thủy, du lịch đường thủy, mô hình dịch vụ mới...

Điều này vừa mang ý nghĩa chuyển đổi xanh, vừa thúc đẩy tái thiết đô thị theo hướng bền vững, hiện đại, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, tạo không gian mở dọc theo tuyến sông để thu hút những nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần xây dựng một đô thị sông nước hiện đại, xanh hóa, phát triển bền vững của cả khu vực.

BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tp-ho-chi-minh-phat-trien-va-hoi-nhap-huong-den-do-thi-song-nuoc-gan-voi-bieu-tuong-chuyen-doi-xanh-770158