TP.HCM: Xem xét cách chức người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng

Người đứng đầu cơ quan hành chính tại TP.HCM sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật cách chức khi để cơ quan, đơn vị xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...

UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về các biện pháp tăng cường trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ) trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Theo đó, đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bên cạnh việc quy định trách nhiệm, UBND TP.HCM cũng quy định biện pháp xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công hoặc để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn thì bị xử lý kỷ luật theo quy định.

 TP.HCM sẽ xem xét cách chức người đứng đầu nếu có vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Trong ảnh: Cán bộ TP.HCM đang giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM sẽ xem xét cách chức người đứng đầu nếu có vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Trong ảnh: Cán bộ TP.HCM đang giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Xem xét xử lý kỷ luật ở hình thức khiển trách đối với người đứng đầu khi cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là ít nghiêm trọng theo Nghị định 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Hình thức kỷ luật này còn được áp dụng khi có từ hai cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý trở lên bị kỷ luật ở hình thức giáng chức hoặc hạ bậc lương (với các trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) đối với các vụ việc có liên quan trực tiếp đến quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi, thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, trường hợp có cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị kỷ luật buộc thôi việc; hoặc có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận phải khắc phục nhưng không thực hiện khắc phục và chưa đến mức xử lý kỷ luật cảnh cáo, cũng sẽ bị xem xét kỷ luật khiển trách.

TP.HCM sẽ xem xét xử lý kỷ luật ở hình thức cảnh cáo đối với người đứng đầu khi cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng.

Kỷ luật cảnh cáo cũng được áp dụng với trường hợp có từ hai cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý trở lên bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc hoặc có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giữ, tạm giam để điều tra.

Hình thức này cũng được áp dụng khi người đứng đầu có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật cảnh cáo.

Người đứng đầu sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật ở hình thức cách chức khi cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách để xảy ra vụ việc tham nhũng được đánh giá là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.

Hình thức cách chức cũng được áp dụng khi người đứng đầu có từ ba cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý trở lên bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc hoặc có từ hai trường hợp trở lên bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giữ, tạm giam để điều tra.

Hình thức này còn được áp dụng khi người đứng đầu có sai phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được cấp có thẩm quyền kết luận nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật cách chức.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị xử lý bằng các biện pháp nêu trên thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công tác khác phù hợp hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM quy định không xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong trường hợp cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị xử lý kỷ luật do vi phạm của các thời kỳ, giai đoạn trước hoặc có đủ cơ sở, bằng chứng xác định không liên quan người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị có đủ cơ sở, bằng chứng chứng minh đã làm mọi biện pháp trong phạm vi thẩm quyền của mình để ngăn chặn hành vi vi phạm của cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý cũng không bị xử lý.

Ngoài ra cũng không xử lý khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị tự phát hiện, xử lý kỷ luật và khắc phục xong hậu quả đối với hành vi vi phạm của cán bộ thuộc phạm vi phụ trách quản lý.

Cán bộ không tự ý đặt ra quy định trái pháp luật

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, UBND TP.HCM yêu cầu phải giải quyết kịp thời yêu cầu chính đáng của cá nhân, tổ chức trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được phân công. Không được kéo dài thời gian giải quyết hoặc tự ý đặt ra quy định trái pháp luật, trái với quy định của cấp có thẩm quyền.

Chấp hành quy định về thời gian làm việc, không sử dụng thời gian làm việc để thực hiện các hoạt động ngoài mục đích công vụ, nhiệm vụ được giao.

Cung cấp đầy đủ thông tin và hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện đúng thủ tục quy định. Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cá nhân, tổ chức.

Tuân thủ quy định pháp luật về phát ngôn, an toàn thông tin mạng. Không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ...

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tphcm-xem-xet-cach-chuc-nguoi-dung-dau-neu-de-xay-ra-tham-nhung-dac-biet-nghiem-trong-post813041.html