TP.HCM: Nhiều người bỏ xe cá nhân để đi metro

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vừa đưa vào vận hành khai thác đã được người dân TP.HCM nhiệt thành đón nhận. Trong ngày thứ hai, rất nhiều người sử dụng metro đi học, đi làm.

Tiện lợi, nhanh chóng

Có mặt tại ga Bến Thành (quận 1, TP.HCM) từ 6h sáng 23/12, PV Báo Giao thông ghi nhận rất đông khách lên xuống ga từ những đoàn tàu metro. Đây là những hành khách sử dụng metro trong ngày thứ hai khai thác thương mại, trong đó có không ít người đi làm, đi học ở khu vực trung tâm.

Sáng thứ hai (23/12), các chuyến tàu đi, đến ga Bến Thành rất đông hành khách vì nhiều chọn đi làm bằng metro.

Sáng thứ hai (23/12), các chuyến tàu đi, đến ga Bến Thành rất đông hành khách vì nhiều chọn đi làm bằng metro.

Chị Ngọc Hoa (ngụ phường An Phú, TP.HCM) chia sẻ, nhà chị cách ga metro An Phú khoảng 10 phút đi bộ, cách nơi làm khoảng 30 phút đi xe máy. Sau khi metro vận hành, chị quyết định thử đi phương tiện này, vừa trải nghiệm, vừa xem có tiện lợi hay không.

"Chỉ 10 phút di chuyển, tôi đã đến quận 1. Ngồi trên tàu metro cảm giác rất thú vị, có thể ngắm cảnh, thư giãn, thay vì chen chúc xe máy dưới đường. Mặc dù khi tới ga Bến Thành, tôi phải đón thêm một tuyến xe buýt nữa mới tới chỗ làm nhưng vẫn thấy rất tiện. Chắc chắn tôi sẽ là hành khách thân thiết của metro", chị Hoa nói.

Tương tự, anh Hồng Phúc (trú quận 3), làm việc ở gần ngã ba Tân Vạn - quốc lộ 1 (Bình Dương) cho hay, hằng ngày đi làm, anh phải di chuyển gần 50km trên quãng đường cả đi và về.

"Tôi luôn phải đi làm từ rất sớm để tránh kẹt xe và kịp giờ, còn giờ tan tầm, ngày nào cũng phải vật lộn với cảnh kẹt xe, ô nhiễm không khí, rất mệt mỏi. Do đó, tôi mong tuyến metro được đưa vào vận hành hơn ai hết. Từ hôm nay, chặng đường đến nơi làm sẽ là khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn", anh Phúc nói.

Chạy 200 lượt tàu/ngày

Ghi nhận của PV, rất nhiều người đi làm, đi học tận hưởng không gian mát mẻ trên các toa tàu. Bên cạnh đó, nhiều người cũng tranh thủ đi trải nghiệm.

Anh Tôn Lâm Thịnh, sống ở Thủ Đức, đi làm bằng metro.

Anh Tôn Lâm Thịnh, sống ở Thủ Đức, đi làm bằng metro.

Ông Lại Duy Tấn (75 tuổi) thong thả ngồi đọc báo trên tàu metro, cho biết: "Nếu TP phủ kín được metro trong thời gian tới thì người dân chắc chắn sẽ bỏ xe cá nhân, đi metro hết".

Ở khu vực ga Bến Thành, hầu hết là những người đi từ quận 1, 3, 4 tới các khu như Bình Thái, Thủ Đức, KCN cao, Đại học Quốc gia... để đi làm. Tương tự, ở chiều ngược lại, nhiều người dân từ các ga ở TP Thủ Đức đi vào trung tâm làm việc.

Bên cạnh đó, rất nhiều người đi du lịch trở về, xuống xe ở Bến xe Miền Đông mới (ga bến xe Suối Tiên) cũng sử dụng metro để đi vào thành phố.

Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (đơn vị vận hành) cho biết, so với ngày đầu vận hành chính thức thì ngày thứ hai đã bớt quá tải hơn. Các ga, đặc biệt ga Bến Thành không còn quá đông đúc. Tuy nhiên, đơn vị vẫn huy động tối đa nhân viên, tình nguyện viên đến các ga để hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm quen với metro.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, từ ngày 23/12 trở đi, tuyến metro số 1 sẽ chạy 200 lượt tàu/ngày (gồm 100 lượt đi, 100 lượt về).

Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 5h, chuyến cuối cùng xuất bến lúc 22h. Thời gian giãn cách mỗi chuyến, giờ cao điểm 8 phút/chuyến, giờ thấp điểm 12 phút/chuyến Thời gian đi từ ga Bến Thành đến ga bến xe Suối Tiên là 29 phút.

Sẽ phát triển đồng bộ hệ thống metro

Tuyến metro số 1 được đưa vào khai thác sau hơn 17 năm mong chờ của người dân và nỗ lực của chính quyền TP.HCM. Việc đưa vào khai thác tuyến này được xem là viên gạch đầu tiên trong hành trình xây dựng hệ thống metro phủ khắp TP.HCM trong tương lai.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, tuyến metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông đô thị hiện đại mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn cao, hội nhập và phát triển bền vững của TP.

Trong giai đoạn tiếp theo, ông Cường cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch, phát triển mạnh theo mô hình TOD. Do đó, ông Cường kỳ vọng, người dân thành phố và du khách sẽ tích cực ủng hộ để phát huy hiệu quả tối đa của tuyến đường sắt đô thị sau khi vận hành chính thức.

Tuyến metro số 1 được UBND TP.HCM phê duyệt đầu tư từ năm 2007, chính thức khởi công năm 2012. Tổng thời gian thi công dự án trải qua hơn 17 năm với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm đã có, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng 7 tuyến metro dài 355km trong 10 năm tới.

Các tuyến metro sắp tới được định hướng tăng chiều dài đi ngầm để giảm chi phí đền bù và khai thác hiệu quả không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang đô thị.

Tiếp nối metro số 1, dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang được khẩn trương thực hiện.

Đến nay, dự án đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng, đạt 100%. Dự án đã triển khai thi công các hạng mục công trình điện, cấp nước, thoát nước, biển báo. Mới đây, việc di dời, đấu nối đóng điện tuyến cáp ngầm cao thế 110kv phục vụ xây dựng nhà ga S2 - Tao Đàn của tuyến metro số 2 cũng đã hoàn thành, đảm bảo 100% mặt bằng sạch phục vụ thi công.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 48.000 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 11,3km (9,3km đi ngầm và 2km đi trên cao), có 10 ga ngầm và 1 ga trên cao. Metro 2 bắt đầu thi công từ ngày 17/2, tại nhà ga trung tâm Bến Thành. Dự án đi qua 6 quận, gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thu hồi 251.136m2.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-nhieu-nguoi-bo-xe-ca-nhan-de-di-metro-192241223220335085.htm