TP.HCM: Khuyến khích sinh đủ 2 con để ứng phó mức sinh thấp kéo dài

TP.HCM khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ hai con để đối phó với tình trạng mức sinh thấp kéo dài nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho thành phố.

Ngày 22-12, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số, kỷ niệm 63 năm ngày Dân số Việt Nam (26-12-1961 - 26-12-2024) và tổng kết công tác dân số năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết công tác dân số của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong 63 năm qua. Trong đó, việc khống chế tốc độ gia tăng dân số và duy trì mức sinh thay thế suốt 18 năm qua là một dấu ấn đáng chú ý.

Theo ông Trung, từ năm 2007, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã tăng mạnh, đánh dấu thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số cũng có nhiều cải thiện, với tuổi thọ trung bình đạt 74,5 tuổi vào năm 2023, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Trung cũng cảnh báo rằng công tác dân số hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Mức sinh thấp đang là một vấn đề đáng lo ngại, với tổng tỷ suất sinh năm 2023 chỉ đạt 1,96 con, mức thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tới. Điều này kéo theo tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, bởi tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,46 tuổi, cao hơn mức trung bình của cả nước (74,5 tuổi)” - ông Trung nói.

Để đối phó với tình trạng mức sinh thấp kéo dài, TP.HCM đã triển khai các chương trình như sàng lọc bệnh tật trước sinh và sơ sinh, cùng các hoạt động tư vấn sức khỏe trước hôn nhân, nhằm nâng cao chất lượng dân số từ giai đoạn đầu đời.

Cũng tại hội nghị, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết chất lượng dân số không chỉ phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ mà còn gắn liền với trình độ giáo dục, mức sống và tình trạng sức khỏe.

 Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế).

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế).

“Nâng cao chất lượng dân số là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước. Công tác dân số hiện nay đã chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang phát triển dân số toàn diện.

Đối với các khu vực có tỷ lệ sinh thấp cần có giải pháp cụ thể nhằm cải thiện tình hình, đặc biệt qua các chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sàng lọc trước sinh – sơ sinh” - ông Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố vẫn đối mặt với tình trạng mức sinh thấp. Theo dự báo của Cục Thống kê TP.HCM, tổng tỷ suất sinh năm 2024 sẽ đạt 1,4 con/phụ nữ, dù có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức rất thấp.

 Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Ông Châu cho rằng tình trạng mức sinh thấp kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số và thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của thành phố.

Để ứng phó với tình trạng này, ông Châu đề xuất chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang phát triển dân số toàn diện. Ông cũng nhấn mạnh thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” cần được truyền tải mạnh mẽ đến cộng đồng nhằm giải quyết tình trạng mức sinh thấp, mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.

Đồng thời, ông Châu yêu cầu các đơn vị y tế tuyến quận, huyện tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và chú trọng đến các hoạt động tư vấn sức khỏe trước hôn nhân, tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-khuyen-khich-sinh-du-2-con-de-ung-pho-muc-sinh-thap-keo-dai-post826267.html