Tổng kết chương trình hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ
Sáng 25-3, tại tỉnh Nghệ An, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương Phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo 9 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và gần 200 doanh nghiệp, HTX.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành có liên quan và một số doanh nghiệp của tỉnh.
Chương trình hợp tác đạt nhiều kết quả tích cực
Trong những năm qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố mang tên Bác và một số địa phương Phía Bắc và Bắc Trung bộ đã đạt nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin-truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội…
Hằng năm, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ thường xuyên theo dõi, trao đổi, phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình triển khai thực hiện, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của TP Hồ Chí Minh đến đầu tư tại các địa phương. Mặc dù, khó khăn về khoảng cách địa lý giữa TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, song các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các hoạt động xã hội tại vùng một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Đến nay, một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Nghệ An có 60 dự án với tổng vốn đăng ký 36.619,1 tỷ đồng; Thanh Hóa có 15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.100 tỷ đồng; Hà Tĩnh có 22 dự án với tổng vốn đăng ký 8.440,898 tỷ đồng; Bắc Kạn có 7 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1.440 tỷ đồng… Các dự án triển khai hiệu quả đã góp phần tăng thu ngân sách, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện tốt vai trò kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố và các địa phương trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, góp phần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phân phối tiêu dùng bền vững.
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.
Nhiều lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa TP Hồ Chí Minh với tỉnh Thanh Hóa
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, nhấn mạnh: Cách đây gần 10 năm, vào ngày 15-5-2013, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hóa đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động, tạo sự gắn kết chặt chẽ cùng nhau hợp tác, hỗ trợ phát triển và đạt được nhiều kết quả thiết thực trên các lĩnh vực hợp tác.
Đến nay, đã có 15 dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư của TP Hồ Chí Minh đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa, với tổng vốn hơn 29.100 tỷ đồng. Tổng Công ty du lịch Sài Gòn đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức sản xuất phim phóng sự về du lịch Thanh Hóa với các chủ đề: “Du lịch và ẩm thực”, “Hấp dẫn tuyến điểm du lịch Thanh Hóa”, “Đồng hành cùng Saigontourist”. Các đơn vị y tế, trường học của TP Hồ Chí Minh đã giúp đỡ đào tạo 49 lượt cán bộ y tế về kỹ thuật chuyên sâu cho 12 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Hàng năm, TP Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của tỉnh, lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao, các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm do TP Hồ Chí Minh tổ chức. Trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, hai bên thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin liên quan về thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động của Thanh Hóa có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và sớm cụ thể hóa các nội dung của Bản thỏa thuận hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2023 - 2025, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng năm cho chương trình hợp tác. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng để trao đổi, cập nhật thông tin, hỗ trợ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các hiệp hội, doanh nghiệp và các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa.
Hướng tới hợp tác bền vững
Tại hội nghị, đại biểu ở các địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ đã tập trung thảo luận, đánh giá thêm các mặt tích cực, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong công tác phối hợp giữa các bên. Đề ra các định hướng và giải pháp để triển khai thực chất các nội dung ký kết tại hội nghị này. Đồng thời, đề xuất các nội dung mà địa phương mong muốn, đề nghị TP Hồ Chí Minh phối hợp, hợp tác trong giai đoạn 2023-2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thông qua liên kết vùng, TP Hồ Chí Minh là địa phương được tiếp nhận và thụ hưởng nhiều nhất các kết quả hợp tác, đã mở ra nhiều không gian phát triển mới cho thành phố. Qua đó, hình thành được nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, kiểm nghiệm được nhiều mô hình phát triển mới với thế mạnh, đặc thù vốn có tại từng địa phương. Thành phố thấy rất cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các vùng kinh tế, trong đó có các địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ. Nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và các vùng kinh tế, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Bản thỏa thuận hợp tác với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ trong các lĩnh vực, như: thu hút đầu tư; du lịch, văn hóa; nông nghiệp; công thương; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số; giáo dục, đào tạo và y tế. Ngoài các nội dung hợp tác chung, TP Hồ Chí Minh cũng ký kết hợp tác song phương với từng địa phương.
Các nội dung này, sau khi được ký kết giữa TP Hồ Chí Minh với từng tỉnh, sẽ được cụ thể hóa thành công trình, chương trình, đề án, kế hoạch hành động cụ thể để đến cuối năm 2025, khi tiến hành tổng kết, đánh giá sẽ có những sản phẩm cụ thể, nhìn nhận được, định lượng được, mang lại giá trị ý nghĩa, thiết thực về phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của các vùng kinh tế. Và, những sản phẩm đó sẽ mang dấu ấn kết quả của sự hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với từng tỉnh.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đại biểu, đại diện các tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ với TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2023-2025.