Tổng điểm về mức độ tự do kinh tế của Việt Nam năm 2023 đạt 6,26, tăng 4 bậc
Mới đây, Viện Fraser của Canada công bố Báo cáo tự do kinh tế thế giới năm 2023. Theo đó, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam đã có nhiều cải thiện quan trọng trong xếp hạng.
Tổng điểm về mức độ tự do kinh tế của Việt Nam đạt 6,26, xếp thứ 106 trong tổng số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng nhẹ 4 bậc so với năm 2022 (6,19 điểm, xếp thứ 110) cả về điểm và xếp hạng.
Xét chi tiết các chỉ số thành phần, Việt Nam đã tăng điểm ở 4 trong 5 chỉ số thành phần chính của chỉ số tự do kinh tế (chấm theo thang điểm từ 1 đến 10, giá trị cao hơn cho thấy mức độ tự do kinh tế cao hơn).
Theo đó, 4 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Hệ thống pháp lý và quyền sở hữu tăng nhẹ từ 4,96 (năm 2020) lên 5,15 (năm 2021), xếp hạng từ 82 lên 77; Đồng tiền tốt tăng từ 6,96 (năm 2020) lên 7,02 (năm 2021), xếp hạng đã cải thiện từ mức 136 lên mức 128; Tự do thương mại quốc tế tăng nhẹ từ 6,40 (năm 2020) lên 6,52 (năm 2021), và xếp hạng đã cải thiện từ 107 lên 98; Các quy định quản lý tăng từ 6,08 (năm 2020) lên 6,10 (năm 2021).
Trong nhóm ASEAN-6, mức độ tự do của kinh tế Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Theo đó, Malaysia xếp thứ 56 trên thế giới với chỉ số tự do kinh tế là 7,19.
Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng với Chỉ số tự do kinh tế cao nhất thế giới (8,56 điểm). Các nền kinh tế có chỉ số cao tiếp theo là Thụy Sỹ, New Zealand, Mỹ, Ireland, Đan Mạch, Australia, Anh và Canada.
Trong khi đó, 10 quốc gia có xếp hạng thấp nhất là Cộng hòa Congo, Algeria, Argentina, Libya, Iran, Yemen, Sudan, Syria, Zimbabwe và Venezuela.
Viện Fraser cho biết, nền tảng của tự do kinh tế là quyền lựa chọn cá nhân, trao đổi tự nguyện, thị trường mở, cũng như các quyền sở hữu được xác định và thực thi một cách rõ ràng.
Khi các cá nhân có trong tay quyền tự do kinh tế, họ có thể quyết định hàng hóa và dịch vụ nào sẽ được sản xuất, trao đổi và tiêu thụ khi nào cũng như bằng cách nào.