Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật

Ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 288 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật. Tổng Bí thư Tô Lâm được phân công giữ cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo. Hai Phó Trưởng ban gồm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Theo đó, Ban Chỉ đạo có 23 ủy viên gồm: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa;

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật

Các ủy viên còn có Phó thủ tướng Lê Thành Long, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng;

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi;

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Cùng ngày 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Theo định hướng chiến lược, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch và khả thi; đảm bảo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, thông suốt và liên tục sau quá trình sắp xếp.

Mốc thời gian cụ thể được đặt ra như sau:

Đến năm 2025, cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, quy định pháp luật gây cản trở phát triển.

Đến năm 2027, hoàn tất việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản pháp luật mới, tạo hành lang pháp lý đồng bộ phù hợp với mô hình quản trị nhà nước theo chính quyền ba cấp.

Đến năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa môi trường đầu tư Việt Nam vào top 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sở hữu hệ thống pháp luật hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, phù hợp thực tiễn quốc gia. Pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử phổ quát, được tôn trọng và thực thi nghiêm minh trong toàn xã hội.

Tại nghị quyết 66, Bộ Chính trị nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Bộ Chính trị yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan của Quốc hội cơ cấu ít nhất một lãnh đạo có chuyên môn pháp luật.

Các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu giám đốc sở tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh; có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của bộ, ngành tư pháp đi địa phương và làm việc ở bộ, ngành trung ương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn.

Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.

Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"...

Các quy định của luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm...

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tong-bi-thu-to-lam-lam-truong-ban-chi-dao-trung-uong-ve-hoan-thien-the-che-phap-luat-317546.html